- Vào trang riêng của tác giả
- Xem tất cả các sách của tác giả
Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ là hành trình đơn độc của tác giả – một cô gái Việt trẻ đi xuyên nước Mỹ từ Bờ Đông sang bờ Tây. Hành trình du lịch bụi của cô trải dài trên 20 bang, kéo dài suốt sáu tháng liên tiếp.
Đó là chuyến đi để khám phá thế giới bên trong của những người Mỹ bình thường, dù có thể chỉ là một phần của thế giới ấy. Đó cũng là hành trình khám phá những vẻ đẹp muôn màu muôn vẻ của thế giới – của thiên nhiên nước Mỹ, và của tâm hồn con người trong những hình thức thăng hoa khác nhau của nó.
Nhưng hành trình xuyên qua nước Mỹ này không chỉ là để khám phá một phần thế giới bên ngoài mà còn là để tìm trở lại một phần trọng yếu của bản thân cô gái: tình yêu đối với chính mình và cuộc đời mình, cái tình yêu mà cô đã có lúc đánh mất. Xuất phát điểm của “Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ” là một tình yêu tan vỡ, một nỗi đau đớn vì tình, lớn đến độ khiến tác giả có lúc đã gần kề cái chỗ đâm đầu vào tàu điện ngầm tự sát, một kết cục khiến ta không khỏi nghĩ tới Anna Karenina.
Đinh Hằng, tác giả, xuất hiện trong cuốn sách như một phụ nữ mạnh mẽ, đầy cá tính và sức mạnh bên trong, tự tin ngẩng cao đầu bước giữa thế giới, hoàn toàn không có một mặc cảm nào bất kể căn nguyên của nó là gì.
Chuyến đi của Đinh Hằng, rốt cuộc, là một cuộc hành trình đi tìm lại và nhìn nhận lại giá trị của bản thân mình, của sự sống. Nước Mỹ, với tất cả những vẻ đẹp cùng sự đa dạng và phức tạp của nó, ở đây đóng vai trò như một chốn “luyện ngục” để cô vượt qua chính mình và trở nên một người khác. Một cuộc đi lớn chỉ dành cho những người thực sự muốn lớn hơn bản thân mình ngày hôm qua.
Cách Đinh Hằng đi và hòa mình vào văn hóa Mỹ không phải là cái nhìn của công dân một nước đang phát triển lần đầu đến với xứ cờ hoa, choáng ngợp với nước Mỹ to lớn hiện đại và thấy mình sao mà nhỏ bé đơn độc. Ngược lại, đó là cái nhìn của một người lữ hành đã dày dạn kinh nghiệm, nhìn một xứ sở mới, những con người mới với cái nhìn bình đẳng, điềm nhiên và không định kiến. Đinh Hằng xem nước Mỹ và người Mỹ với tâm thế tôn trọng và bình đẳng, như một kẻ biết người rất giỏi nhưng cũng hiểu rõ những giá trị của bản thân.
Cũng chính vì vậy mà nước Mỹ và người Mỹ hiện ra trong sách rất thực và rất đời, không tô hồng, không phóng đại. Một nước Mỹ không chỉ với các tòa nhà chọc trời, với sự phát triển vượt bậc và các công nghệ hiện đại. Mà là một nước Mỹ chân thực và trần trụi với những vấn đề của nó, nền văn hóa Mỹ, cách sống của người Mỹ, quan niệm của họ về bản thân, về tình yêu, và kể cả những vấn đề khá nhạy cảm với người Việt như tình một đêm, đồng tính, cỏ và ma túy…
Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ không đơn thuần là một cuốn sách du ký. Bởi trên hành trình đơn độc xuyên qua nước Mỹ, những xung đột tâm lý của cô gái bị bỏ lại trước ngưỡng cửa hôn nhân cũng hiện lên sâu sắc. Đó là câu chuyện của sự đan xen mãnh liệt những cô đơn, đau đớn, niềm tin, khát vọng, đam mê, tuổi trẻ. Cô gái nhân vật chính dám nghỉ việc, trả nhà, bay nửa vòng Trái Đất và quăng mình vào một hành trình không đích đến để đối mặt với người mình đã từng yêu một lần nữa. Hành trình địa lý cũng chính là hành trình tâm lý ấy đánh thức trong mỗi người trẻ tuổi bản năng yêu, đi và sống hết mình.
***
Nhận định:
“… Tuổi trẻ luôn là một lợi thế và những lí do để dẫn đến một chuyến đi, nhất là đối với một người phụ nữ đi một mình thì chắc chắn là rất nhiều. Một cuộc tình đổ vỡ, một biến cố khác nào đó trong đời thôi thúc những phụ nữ như thế lên đường và sự đơn độc tạo cho họ sức mạnh để hướng về phía trước, trong một hành trình chất chứa nhiều tâm sự.
Nước Mỹ hiện ra một cách dung dị và cả gai góc qua những câu chữ của Đinh Hằng, trong hành trình “Couch Surfing”. Những hành trình lớn cần những trái tim dũng cảm. Không chỉ dũng cảm đương đầu với những rủi ro có thể ập đến, mà dũng cảm khi biết cách đối diện với chính mình.
(Trương Anh Ngọc, tác giả “Nước Ý, câu chuyện tình của tôi” và “Phút 90++”)
“Khó mà hình dung Đinh Hằng là cô như bây giờ nếu cô đã không đủ can đảm thực hiện chuyến đi ấy và sẵn sàng đối mặt với những gì chưa biết đang chờ đợi phía trước. Một cuộc đi lớn chỉ dành cho những người thực sự muốn lớn hơn bản thân mình ngày hôm qua.”
(Trần Tiễn Cao Đăng, nhà văn, dịch giả)
“Quá trẻ để chết: hành trình nước Mỹ” là câu chuyện về tuổi trẻ lộng lẫy, đầy đam mê và dám sống. Bởi, khi còn trẻ, người ta có rất nhiều thời gian và cơ hội để sống, thử, sai lầm, học hỏi và lớn lên từ sai lầm đó. Đây là cuốn sách nên đọc nếu bạn còn trẻ, đam mê những con đường và trước bao nhiêu sóng gió cuộc đời bạn vẫn ngẩng cao đầu tiến về phía trước.
(Nguyễn Lê My Hoàn, nhà văn, dịch giả, tác giả “Lối đi ngay dưới chân mình”)
Mời bạn đón đọc.
Quá trẻ để chết: Hành trình khám phá của cô gái trầm cảm
Cuốn sách viết về hành trình khám phá nước Mỹ của cô gái Việt từng bị trầm cảm và chịu sự thống trị của nỗi cô đơn.
Tác giả Đinh Hằng sinh năm 1987, làm việc trong lĩnh vực truyền thông. Chị có sở thích du lịch và đam mê khám phá, tự do.
Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ là cuốn sách viết về hành trình đơn độc của tác giả – cô gái Việt trẻ đi xuyên nước Mỹ trong suốt 6 tháng liên tiếp.
Hành trình xuyên qua nước Mỹ không chỉ để khám phá thế giới bên ngoài, chuyến đi còn tìm lại phần trọng yếu của bản thân cô gái: tình yêu và cuộc đời. Xuất phát điểm của Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ là một tình yêu tan vỡ, nỗi đau đớn vì tình, lớn đến độ khiến tác giả có lúc đã gần kề cái chỗ đâm đầu vào tàu điện ngầm tự sát, một kết cục khiến ta không khỏi nghĩ tới Anna Karenina. Trên hành trình đó, tác giả đã học được – từ những người cô ít chờ đợi điều này hơn cả – những suy niệm thâm trầm về cuộc sống mà rồi sẽ đi cùng cô suốt quãng đường còn lại và chắc hẳn trong suốt cuộc đời cô. Chuyến đi của Đinh Hằng là cuộc hành trình tìm và nhìn nhận lại giá trị của bản thân, của sự sống. Nước Mỹ, với tất cả những vẻ đẹp cùng sự đa dạng và phức tạp của nó, ở đây đóng vai trò như một chốn “luyện ngục” để cô vượt qua chính mình và trở nên một người khác. Đó là cuộc đi lớn chỉ dành cho những người thực sự muốn lớn hơn bản thân mình ngày hôm qua. Quá trẻ để chết – Hành trình nước Mỹ cũng là tập sách đầu tay của Đinh Hằng.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
Cuốn sách khám phá 20 bang nước Mỹ
“Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ” kể về chuyến độc hành kéo dài nửa năm của một cô gái Việt đi du lịch bụi từ đông sang tây nước Mỹ.
Đinh Hằng sinh năm 1987, làm việc trong lĩnh vực quan hệ công chúng. Cô tự nhận là người tự do và khao khát xê dịch. Chính vì vậy, cô từng thực hiện nhiều chuyến đi lớn, nhỏ đến những vùng đất khác nhau trên thế giới.
Trong cuốn sách vừa phát hành, Đinh Hằng thể hiện cái nhìn chân thực nhất của cô về thiên nhiên, văn hóa và con người Mỹ. Đó không phải là cái nhìn của công dân một nước đang phát triển lần đầu đến xứ cờ hoa, mà của một người lữ hành dày dạn kinh nghiệm, đến một xứ sở mới, gặp những con người mới – một cái nhìn bình đẳng, điềm nhiên và không định kiến. Nước Mỹ hiện lên qua những trang sách rất thực, không tô hồng, không phóng đại, kể cả khi đề cập các vấn đề tình một đêm, đồng tính, ma túy.
Nói về ý tưởng viết nên cuốn sách đầu tay, Đinh Hằng chia sẻ: “Viết lách với tôi trước hết là một sở thích, đam mê, sau này trở thành nghề. Nhưng ra đời một cuốn sách là việc rất tình cờ. Nó chưa bao giờ nằm trong những dự định hay mục tiêu của cuộc đời tôi. Nhưng suy cho cùng, cuộc đời vẫn thường làm chúng ta bất ngờ theo cách như vậy”.
|
Cuốn sách kể về hành trình khám phá muôn màu của thiên nhiên, văn hóa và con người nước Mỹ.
|
Hiện lên từ những trang sách là một cô gái giàu cảm xúc, với nội tâm phong phú đang cảm nhận miền đất lạ bằng cả tâm hồn, để thấu hiểu trọn vẹn những nơi cô đi qua. “Mỗi khi ngồi ở quán cà phê Ritual trên đường Valencia, nhấp vị latte rang xay vừa độ ánh lên màu nâu hổ phách, tôi vẫn thường tự hỏi nếu là hoạ sĩ, tôi sẽ chọn màu gì để vẽ San Francisco? Đó có thể là màu cam ánh đỏ của cầu Cổng Vàng, màu trắng đục của những dải sương mù bay la đà trên thành phố, màu xanh biếc của biển và trời xô vào nhau ở cuối chân trời. Nhưng dù chọn màu gì, San Francisco trong tôi luôn luôn là màu xanh của đôi mắt người tôi yêu đến mê mải”, tác giả viết.
Nước Mỹ còn mở ra bằng những xung đột tâm lý của cô gái trên hành trình đơn độc của mình. Cô gái dám nghỉ việc, trả nhà, bay nửa vòng Trái Đất và quăng mình vào một hành trình không đích đến để đối mặt với người mình từng yêu một lần nữa. Để rồi, những trải nghiệm của cô có là sự đan xen mãnh liệt những cô đơn, đau đớn, nhưng bật lên niềm tin, khát vọng và đam mê của tuổi trẻ.
“Đây là cuốn sách nên đọc nếu bạn còn trẻ, đam mê những con đường và trước bao nhiêu sóng gió cuộc đời bạn vẫn ngẩng cao đầu tiến về phía trước”, nhà văn Nguyễn Lê My Hoàn nhận xét về sách.
|
Tác giả Đinh Hằng.
|
Theo quan niệm của tác giả trẻ, “du lịch bụi là một cuộc sống khác, ở đó không có áp lực của một ngày làm việc tám tiếng, nhưng bạn sẽ phải vội vã để không trễ một chuyến bay hay một chuyến xe buýt đường dài. Điều ấy xảy ra gần như mỗi ngày và bạn luôn phải trong trạng thái di chuyển liên tục. Vì cuộc đời là những chuyến đi. Vì tuổi trẻ đâu có bao nhiêu, nên phải đi, và sống, sống cho hết những tháng năm tuổi trẻ rồi sẽ không bao giờ trở lại nữa”.
Là người yêu viết lách, Đinh Hằng từng giành nhiều giải thưởng về Văn học và được tuyển thẳng vào khoa Báo chí – Truyền thông Đại học KHXH&NV TP HCM. Năm 2013, cô dành hẳn một năm để làm một “nghề” hoàn toàn mới: Người đi du lịch bụi toàn thời gian. Trong năm này cô đã thực hiện chuyến đi 10 tháng độc hành qua 20 tiểu bang ở Mỹ, Mexico và Cuba. “Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ” là một trong những câu chuyện tâm đắc của Đinh Hằng trong khoảng thời gian 6 tháng trên đất Mỹ, được NXB Hội Nhà Văn và công ty Nhã Nam phát hành dưới dạng sách tự truyện – du ký.
Lê Thương
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
Tác giả cuốn ‘Quá trẻ để chết’: Vừa viết văn vừa khóc
Cây bút sinh năm 1987 nhiều lần rơi nước mắt khi hồi tưởng trải nghiệm đầy cảm xúc trong hành trình qua 20 tiểu bang nước Mỹ.
– Trong số những cuốn sách du ký về nước Mỹ, cuốn “Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ” của chị chứa đựng điều gì khác biệt?
– Điều khiến tác phẩm của tôi không lẫn vào vô vàn sách du ký về nước Mỹ làtôi kể lại trải nghiệm của chính tôi, với góc nhìn của riêng tôi về đất nước này.
Tôi đã đi và hòa mình vào văn hóa Mỹ không phải từ cái nhìn của công dân một nước đang phát triển lần đầu đến xứ cờ hoa, choáng ngợp với một quốc gia to lớn, hiện đại và thấy mình sao mà nhỏ bé đơn độc. Ngược lại, tôi tin đó là cái nhìn của một người lữ hành dày dạn kinh nghiệm. Tôi nhìn một xứ sở mới, những con người mới với cái nhìn bình đẳng, điềm nhiên, không định kiến. Tôi xem nước Mỹ và người Mỹ ở tâm thế tôn trọng và bình đẳng, như một kẻ biết người rất giỏi nhưng cũng hiểu rõ những giá trị của bản thân.
|
Tác giả Đinh Hằng.
|
– Chị hoàn thành cuốn sách ra sao?
– Hai năm là khoảng thời gian từ ngày tôi đặt chân đến Washington D.C. (Mỹ) cho đến khi sách ra đời. Trong đó, có gần một năm tôi thực hiện chuyến đi qua Mỹ, Mexico và Cuba. Chất liệu của cuốn sách ban đầu là những dòng nhật ký hành trình được chia sẻ trên Facebook. Những thành phố và cảm xúc được ghi lại ngay tại nơi chốn và thời điểm ấy như những phác họa và ghi chú. Sau này chúng được phát triển nhiều và sâu hơn trong sách.
Trên thực tế, lúc thực hiện chuyến đi, tôi không có ý định viết sách. Cho đến khi trở về Việt Nam, tôi mới bắt tay vào viết.
– Khó khăn lớn nhất chị gặp phải trong quá trình sáng tác?
– Khi viết, tôi phải đối diện một lần nữa sự cô độc của bản thân với những ký ức màu xám, tối đen, đau buồn đã trải qua trong hành trình. Có những câu chuyện buồn, đôi khi người ta chỉ muốn quên đi, coi như nó chưa từng xảy ra trong cuộc đời. Chứ nào ai muốn nhớ lại tất cả, viết ra chúng và day đi day lại, rải chúng lên mặt sách để cho người khác cùng đọc và bình phẩm?
Tôi nhớ có những đêm ngồi bên bản thảo và rơi nước mắt. Tôi vừa khóc vừa viết. Việc đối diện một lần nữa với ký ức những ngày ở Mỹ thoạt nhiên cũng giống như tôi phải đi lại một lần nữa hành trình 20 tiểu bang bằng trí nhớ của mình. Trí nhớ đó thực quá rõ ràng, rõ đến từng cái nhói tim hay một cái chạm tay khe khẽ, một ngày đổ nắng trên đường rừng hay một cơn mưa trút lá mùa thu.
Có những đêm tôi chỉ viết được vài dòng, rồi biết mình không thể chịu đựng nổi nữa, tôi bỏ đó rồi vùi mình vào giấc ngủ. Những ngày một mình rong ruổi trên đường với ba lô, tôi chẳng bao giờ thấy cô đơn. Nhưng giờ đây, đối diện với màn hình máy tính, tôi thấy mình như một hành tinh cô đơn không có đến một ngôi sao sưởi ấm. Viết lách chưa bao giờ cô đơn đến thế.
|
Từ ngày 10/5, cuốn “Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ” phát hành dưới dạng sách điện tử tại Alezaa.
|
– Sách được xếp vào thể loại tự truyện – du ký. Cảm giác của chị ra sao khi phơi bày cảm xúc riêng trên trang viết?
– Trong quá trình viết sách, câu hỏi lớn nhất mà tôi đặt ra cho mình là liệu những cảm xúc cá nhân và câu chuyện rất riêng tư này có nhận được sự đồng cảm và giúp đỡ được người khác – những người cũng đang loay hoay với một vết thương lòng rất lớn hoặc những người khao khát đi mà sợ rất nhiều thứ, hay chính những cảm xúc này sẽ bị dè bỉu, chê bai và nhạo báng?
Những câu chuyện tôi kể lại trong sách thực chất là câu chuyện của những đớn đau cá nhân và hành trình tự chữa lành vết thương, chứ hoàn toàn không phải câu chuyện kể về việc tôi đã bị bỏ rơi như thế nào. Chẳng ai muốn mang nỗi đau của mình ra để kể lể, “ăn mày lòng thương hại” của người khác, hay mang những người khác vào câu chuyện để đay nghiến, hằn thù.
– Ngoài những trải nghiệm khiến chị rơi nước mắt, chị lưu giữ kỷ niệm đẹp nào?
– Tôi thích những nơi mình đặt chân đến tại Mỹ. Đó là Washington D.C. bởi ở đó có Robert – một người bạn tuyệt vời. Tôi cũng thích Chicago vì cái không khí lãng đãng nghệ thuật. Tôi muốn sáng nào cũng được uống cà phê ở Seattle và ngày nào cũng đi ngược dốc lên đỉnh đồi công viên Dolores ở San Francisco, rồi khi trở về nhà thì đứng xếp hàng để mua một cây kem Honey Lavender ở quán Bi-Rite Creamery.
– Vì sao chị lại chọn tên sách khá buồn?
– Tên cuốn sách này được đặt dựa trên một khoảnh khắc đẹp nhất mà tác giả từng trải qua trong tất cả chuyến đi của mình, cũng đồng thời được miêu tả trong sách. Đó là khi nhân vật tôi nằm trên tảng đá bên bờ vực, ngắm hoàng hôn rơi xuống Islands in the Sky (công viên Canyonlands), một thứ hoàng hôn kỳ vĩ và đẹp đến nghẹt thở. Chỉ trong khoảnh khắc những đám mây nhuộm ánh vàng mê hoặc trôi vội vã trên đầu, nhân vật tôi như bừng tỉnh khỏi cơn u mê đã kéo dài suốt nhiều tháng liền, và nhận ra nhiều điều trong cuộc sống. Trong đó, điều quan trọng nhất là mình còn quá trẻ để chết giữa tuổi thanh xuân.
– Kế hoạch viết tiếp theo của chị là gì?
– Sau chuyến hành trình tại Mỹ, tôi bắt tay vào viết phần còn lại của chuyến đi qua Mexico và Cuba. Cuốn sách tiếp theo sẽ ra mắt độc giả trong thời gian sớm nhất có thể.
Đinh Hằng, sinh tháng 9/1987. Cô làm việc trong lĩnh vực quan hệ công chúng. Cây bút nữ tự nhận mình là người tự do và khao khát xê dịch. Chính vì vậy, cô từng thực hiện nhiều chuyến đi lớn, nhỏ đến nhiều vùng đất trên thế giới.
Một vài trích đoạn trong sách:
– “Vì cuộc đời là những chuyến đi. Vì tuổi trẻ đâu có bao nhiêu, nên phải đi, và sống, sống cho hết những tháng năm tuổi trẻ rồi sẽ không bao giờ trở lại nữa”.
– “Ngay cả những cánh bồ công anh đang nương theo cơn gió cũng có hành trình riêng của chúng. Tớ hay đằng ấy, mỗi người trong chúng ta đều có một con đường. Số phận đặt chúng ta lên con đường đó, nhưng đi đến đâu, làm được gì là việc của mỗi người. Đây chưa phải là điểm dừng của đằng ấy đâu. Hãy đi theo cơn gió của mình đi”.
– “…Mỗi khi ngồi ở quán cà phê Ritual trên đường Valencia, nhấp vị latte rang xay vừa độ ánh lên màu nâu hổ phách, tôi vẫn thường tự hỏi nếu là họa sĩ, tôi sẽ chọn màu gì để vẽ San Francisco? Đó có thể là màu cam ánh đỏ của cầu Cổng Vàng, màu trắng đục của những dải sương mù bay la đà trên thành phố, màu xanh biếc của biển và trời xô vào nhau ở cuối chân trời. Nhưng dù chọn màu gì, San Francisco trong tôi luôn luôn là màu xanh của đôi mắt người tôi yêu đến mê mải”.
– “… Ở New Orleans, tiếng kèn đồng, âm thanh trumpet hay cái giọng khàn khàn ngang ngang của anh chàng ca sĩ sẽ theo bạn khắp nơi, từ quảng trường Jackson đến những hộp đêm trên đường Bourbon, hay ở ngay nơi mà bạn không ngờ đến nhất, bảo tàng bang Louisiana. NOLA: nơi mà tưởng chừng ngay bên ngoài cánh cửa nhà là cả một thành phố nghệ thuật với âm thanh, màu sắc và những điệu nhảy đầy say mê. Còn sống ở New Orleans, tôi còn không thể dừng ý nghĩ nhấc chân lên, lúc lắc bờ vai trong lúc đôi tay vỗ nhịp đều đều theo điệu nhạc. Calvin nói, ở NOLA bạn không có quyền buồn, rơi nước mắt hay mang theo bất cứ nỗi sầu muộn nào, chỉ có những trái tim biết yêu và sẵn sàng để yêu”.
|
Thất Sơn thực hiện
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn