Giới thiệu sách Phố Công Trường
Viết về tiểu thuyết Phố Công Trường, Trần Chinh Vũ chọn thời điểm 1994, khi công cuộc xây dựng thủy điện Sông Đà đã hoàn thành, và những người khai sơn, phá thạch, lấp sông, lắp máy lại đang đứng trước một bước ngoặt, sự bất định của tương lai mình. Lúc này ở đây, bất nhẫn thay, có đến một phần ba số người hôm qua còn trong vị thế chủ thể sáng tạo, bỗng bơ vơ không biết gửi số phận mình về đâu bây giờ?
Tràn vào cuốn sách vẫn là sự xô bồ của một đời sống thực ngổn ngang, bề bộn cảnh đời và tâm sự. Nhà văn nói: thường thường công trường làm gì có phố. Đúng là như vậy: ngay cả con đường đâu đã có tên, mà gọi theo ký hiệu trên bản đồ thiết kế. Dân phố ở đây từ các ngóc ngách công trường xô đến, những người khi công trường kết thúc, được giải quyết theo chế độ về hưu non; về một cục; hoặc còn có tên ở một đơn vị, nhưng không có việc làm, hoặc phải chia nhau việc làm… Tất cả nháo nhào cả lên, như ta nhìn vào cái đáy bể, chỉ còn vọt vẹt chút nước, lội đầy những con cung quăng.
Phố Công Trường cố gắng làm sáng tỏ mặt khuất nẻo, phía sau của những thành công vang dội, mặt trái của những tấm huân chương bằng nghệ thuật hiện thực nghiêm nhặt và sự rung động của con tim. Nhà văn muốn góp một tiếng nói lý giải, muốn bày tỏ nỗi lòng, chia sẻ điều lo âu đau đáu, điểm một tiếng chuông cảnh báo, nhất là lúc này đây trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công trường xây dựng đang mở ra ở khắp đất nước ta. Tiểu thuyết Phố Công Trường đã nhận giải thưởng của cuộc thi tiểu thuyết do Hội nhà văn Việt Nam tổ chức 1998 – 2001.