Giới thiệu sách Pháp Du Hành Trình Nhật Ký
Mấy năm gần đây, một số du ký và bài báo của Phạm Quỳnh (1892 – 1945) đã được in lại trong các cuốn sách như Mười Ngày Ở Huế, Luận Giải Văn Học và Triết Học. Lần này sẽ giới thiệu những trang nhật ký ông viết khi đi Pháp 1922 và được in trong Nam Phong, từ số 58, tháng 4/1922, tới số 100, 10-11/1925. Việc giới thiệu Pháp Du…. là nằm trong chương trình của bộ sách Đi Tàu Đi Tây mà NXB Hội nhà văn đã cho in tập đầu vào năm 2002 (bao gồm Đi Tây của Nhất Linh, Một Chuyến Đi của Nguyễn Tuân và Tôi Thầu Khoán hay là Ba tháng ở Trung Hoa của Lê Văn Trương)…
Tác giả ghi lại những điều mình trải qua trong chuyến đi dài 6 tháng sang Pháp dự hội chợ đấu xảo Marseille năm 1922. Ông vừa viết (từ Pháp), vừa gửi về Việt Nam đăng liên tục 42 kỳ trên tờ Nam Phong, giống như cách một đặc phái viên thông tấn ngày nay tác nghiệp và tường thuật từ nước ngoài. Ở đây, chất ký và sự lịch lãm của một ngòi bút văn học đã cung cấp đến bạn đọc nhiều tài liệu và nhận xét tại chỗ về cuộc đấu xảo ở Marseille cách đây 82 năm, về giới trí thức văn nghệ sĩ, thương gia, quan chức mà ông tiếp xúc, về cảnh quan đô thị Paris cùng những đường phố nước Pháp đã đi qua. Đây là lần đầu nhật ký in thành sách, với sự đóng góp hoàn thành bản thảo và đồng ý của đại diện gia đình tác giả. Ông Vương Trí Nhàn viết lời giới thiệu và ghi chú về văn bản. Sách nằm trong chương trình ấn hành bộ Đi Tàu đi Tây của NXB Hội Nhà văn với một số cuốn đã in trước đây như Đi Tây của Nhất Linh, Một chuyến đi của Nguyễn Tuân, Ba tháng ở Trung Hoa của Lê Văn Trương…
Giao Hưởng (30/12/2004)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
Một tuyển tập đồ sộ
TTCT – Sinh thời, cố học giả Nguyễn Hiến Lê (1912 – 1984) được biết đến không chỉ qua những trước tác, biên khảo và dịch phẩm có giá trị lâu dài mà ông còn nổi tiếng với sức làm việc hơn người: đều đặn và nghiêm ngặt 13 tiếng mỗi ngày.
Nhờ vậy mà ông đã hoàn thành một khối lượng công việc, số tác phẩm đồ sộ vào cỡ kỷ lục VN. Tính từ năm ông bắt đầu có sách in (đầu thập niên 1950), trung bình mỗi năm ông đều hoàn thành ba bộ sách với khoảng 800 trang in.
Xuất thân từ một gia đình Nho học, sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Công chính Hà Nội (1934), Nguyễn Hiến Lê vào làm việc tại các tỉnh miền Tây Nam bộ, từ đó bắt đầu quãng đời nửa thế kỷ gắn bó với đất Nam bộ, với TP Sài Gòn. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông đi dạy học ở Long Xuyên, đến năm 1952 chuyển lên Sài Gòn mở nhà xuất bản và khởi sự công việc biên dịch sách, sáng tác, viết báo…
Học giả họ Nguyễn viết về nhiều chủ đề, bao gồm nhiều lĩnh vực, có thể kể: văn học (10 nhan đề), ngữ học (4), triết học (15), lịch sử (10), chính trị – kinh tế (8), gương danh nhân (10), cảo luận (13), giáo dục (13), đức – trí dục (21), du ký (2), tiểu thuyết dịch (10), tự truyện (2), tiểu thuyết (1)… Trong các chủ đề và tài kể trên, có lẽ đức – trí dục, triết học là hai lĩnh vực phong phú và dài hơi nhất trong đời cầm bút của học giả Nguyễn Hiến Lê.
Đặc biệt là các tác phẩm của ông về triết học Trung Quốc, về các nhà tư tưởng lớn của Trung Quốc cổ đại cho đến nay có lẽ vẫn là những bộ sách đầy đặn nhất trong lĩnh vực này. “Từ trước tới nay chưa có một học giả nào, cựu học và tân học, có công giới thiệu cổ học Trung Hoa bằng ông Nguyễn Hiến Lê” – một nhà văn đã nhận xét như vậy.
Gần như không có lĩnh vực nào học giả Nguyễn Hiến Lê không đụng chạm tới: từ cổ đại đến hiện đại, từ Tây sang Đông, từ văn học đến triết học, từ ngôn ngữ học đến sử học… Ông am tường cả về Đông y, tử vi, dịch lý, địa lý phong thủy… Có thể gọi Nguyễn Hiến Lê là một nhà bách khoa uyên bác, đáng tin cậy.
Mỗi tựa sách của ông đều thiết thực, các tác phẩm như Tôi tập viết tiếng Việt, Tổ chức công việc theo khoa học; Đắc nhân tâm, bí quyết để thành công. Bảy bước đến thành công, Gương kiên nhẫn… vẫn rất có ích đối với bạn đọc trẻ hôm nay. Đó là lý do để phần lớn những tác phẩm của ông đã được tái bản không chỉ một lần trong những năm qua với lượng in hàng vạn bản, luôn có mặt ở những hiệu sách.
Tuyển tập Nguyễn Hiến Lê do NXB Văn Học ấn hành (*), gồm bốn tập, mỗi tập trên dưới 1.400 trang, tổng cộng trên 5.500 trang, khổ 16x24cm. Và đó chỉ mới là 1/10 của những gì được học giả Nguyễn Hiến Lê viết nên trong suốt một đời cầm bút hơn nửa thế kỷ: toàn bộ tác phẩm của ông có hơn 140 nhan đề với trên 60.000 trang in.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn