Giới thiệu sách Pháo Đài Trắng
Pháo Đài Trắng (Nobel Văn Chương 2006):
“Pháo Đài Trắng“, cuốn tiểu thuyết mang lại tên tuổi cho Orhan Pamuk, là câu chuyện về một học giả trẻ tuổi người Ý. Bị cướp biển bắt ở giữa Venice và Naples, anh bị đem ra bán đấu giá ở chợ nô lệ Istanbul. Một nhà bác học Thổ Nhĩ Kỳ muốn học hỏi các tiến bộ khoa học và tri thức phương Tây đã mua anh về. Nhưng rồi khi họ bị ràng buộc bởi những tội lỗi và bí mật của nhau, khi mối quan hệ của họ trở nên ngày càng phức tạp, cả chủ nhân và nô lệ bỗng phát hiện ra rằng họ đều là thành viên của quân đội Hoàng gia, và rằng cả hai đều đang trong cuộc hành trình rồi cuối cùng sẽ dẫn họ tới Pháo đài Trắng.
Orhan Pamuk, Nobel Văn chương 2006, “một trong những tiếng nói mới mẻ và độc đáo nhất trong văn chương đương đại” như lời Independent on Sunday nhận xét, đã viết nhiều cuốn sách trong đó có Pháo đài trắng và Cuộc đời mới. Năm 2003, ông nhận giải International IMPAC Dubin cho cuốn Tên tôi là đỏ, và năm 2004, Faber ấn hành bản dịch tiếng Anh cuốn Tuyết của ông, được Margaret Atwood ca ngợi là “cuốn sách không thể thiếu của thời đại chúng ta”. Istanbul, một ghi chép của ông về cuộc sống nơi thành phố này, đã được đề cử giải Samuel Johnson của BBC4, được Katie Hickman trong New Statesman gọi là “đẹp đẽ một cách phi thường và siêu việt”. Orhan Pamuk hiện đang sống ở Istanbul.
“Pháo đài trắng tuyệt vời không phải bởi nó đã tái hiện một thời đại, mà vì nó đã khám phá bí mật cá nhân con người và trên hết vì Pamuk đã gói gọn những suy tư đó trong một câu chuyện đơn giản đến nhường ấy.” – Guardian
“Một cuốn sách kỳ lạ và tài tình về sự đau đớn trong quá trình tự khám phá bản thân. Và trong suốt thiên tiểu thuyết, người ta có thể chứng kiến sự pha trộn siêu việt của những gì Orhan Pamuk thực sự thấy bằng con mắt của một kẻ quá hướng về Tây phương trong khi bề ngoài lại quá thiên về Trung Đông. Trong khoảnh khắc, Đông-Tây đã gặp gỡ.” – New York Times
“Cuốn tiểu thuyết xuất sắc của Orhan Pamuk về những ảnh hưởng ngoại lai… đã đem đến cho chúng ta một cái nhìn điềm tĩnh và thành kiến một cách tao nhã vào kết quả của phát tán văn hoá. Tác phẩm phảng phất âm hưởng của Calvino, nhưng cách viết và thế giới quan của tác giả lại gần hơn với kazuo Ishiguro.” – Independent
Mời bạn đón đọc.
(Thứ Bảy, 22/03/2008)
Là cuốn tiểu thuyết thứ ba của nhà văn nổi tiếng Thổ Nhĩ Kỳ từng đoạt giải Nobel văn học năm 2006 Orhan Pamuk, Pháo đài trắng như một tấm gương soi để người đọc nhìn lại chính mình và tự khám phá.
Thông qua câu chuyện của một học giả trẻ tuổi người Ý bị bắt làm tù binh ở thế kỷ thứ 17, rồi lại làm nô lệ cho một nhà bác học Thổ Nhĩ Kỳ có tên Hoja, cuốn sách như những chiếc hộp nhỏ xếp lồng vào nhau để mỗi lần mở ra là một khám phá thú vị cả về đời sống, tôn giáo, cách tư duy, phán xét và giải quyết công việc của con người Trung Đông hướng về phương Tây. Trong thời gian sinh sống và nghiên cứu khoa học tại Istanbul, hai nhân vật chính như thể tấm gương soi phản chiếu vào nhau, để mỗi lần cứ nhìn vào người kia, người này lại nhận thấy bao ưu, khuyết của chính mình.
Những vật vã, day dứt, thậm chí đau khổ của Hoja vì không đạt được kết quả nghiên cứu khoa học, thực chất chỉ là cái tôi vị kỷ không được thỏa mãn có thể thấy ở bất cứ ai, sống trong bất kỳ thời đại nào, vị trí nào trên trái đất. Những thành công đạt được của Hoja không thể che lấp nổi bản tính yếu đuối nhất của con người được bộc lộ khá rõ trên con người anh. Đó là sự tham vọng, muốn gây ảnh hưởng tới người khác hòng chiếm vị trí độc tôn, muốn được quốc vương nể trọng và tin cậy nhất trong triều đình. Đó là sự khát khao được học hỏi nhiều điều mới mẻ nhưng không dám thừa nhận những dốt nát hoặc thiếu sót của chính mình. Đó là sự che giấu nỗi sợ hãi về bệnh tật, về cô đơn, về sự thất bại qua hàng loạt những việc làm vô nghĩa: quan hệ với đàn bà, hành hạ nô lệ. Đó là sự khai thác cái hay, cái tốt, cái tinh hoa của người khác, biến thành của mình nhưng lại không dám thừa nhận. Đó là sự hụt hẫng, mất thăng bằng khi niềm tin của mình bị lung lay, sụp đổ…
Bằng lối kể chậm rãi, bình thản, không chút oán hận của nhân vật chính là anh nô lệ, cùng tiết tấu câu chuyện chậm rãi, thong thả, những dòng chữ trong cuốn sách như những mạch nước ngầm len lỏi trong lòng người, khiến độc giả không khỏi trăn trở. Hãy nhìn lại chính mình phản chiếu từ hình bóng và việc làm của người khác. Phải chăng đó chính là điều mà tác giả muốn gửi gắm?
Ngọc Bi
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn