Giới thiệu sách Phạm Quỳnh – Luận giải văn học và triết học
Cuốn sách này tập hợp những bài viết được cho là tốt và tiêu biểu của ngòi bút Phạm Quỳnh, hầu hết đã in trên Tạp chí Nam Phong, nhằm cung cấp cho bạn đọc rộng rãi một mảng tư liệu lâu nay còn chìm khuất. Có thể ở một số luận điểm chúng ta còn chưa đồng tình với tác giả, có thể tính thời sự của một số bài giờ đã qua đi, văn phong hồi đầu thế kỷ đôi khi gây khó khăn cho việc tiếp thu, song chắc chắn khi đọc cuốn sách náy, bạn đọc sẽ thấy rõ hơn được phần nào trạng thái tư tưởng và học thuật ở buổi giao thời Á – Â, thấy được phương diện học giả của ông chủ bút Nam Phong Tạp chí này.
Phạm Quỳnh là người viết nhiều nhất trong Tạp chí Nam Phong. Một điều mà người đọc nhận thấy trước nhất trong những bài biên tập và trước thuật của ông là ông không cẩu thả: phần nhiều các bài của ông đều vững vàng, chắc chắn, làm cho người đọc tin cậy. Điều thứ hai là ông có khuynh hướng rõ ràng về học thuyết và về những thứ mà phần tư tưởng là cốt yếu. Ít khi người ta thấy dưới ngòi bút ông những bài phù phiếm có giọng tài hoa, bay bướm mà chỉ có một tính cách đặc văn chương.
Ông là người chủ trương cái thuyết: đọc sách Tây là để thâu tóm lấy tư tưởng, tinh thần, văn hóa Âu Tây, để bồi bổ cho nền quốc văn còn khiếm khuyết, để chọn lấy cái hay của người mà dung hòa với cái hay của mình, ngõ hầu gìn giữ cho cái học của mình không mất bản sắc, mà vẫn có cơ tiến hóa được.
Có lẽ ông cũng là người dịch và bàn về những học thuyết triết học của Decrates, Montesquieu, Voltaire, Rousseau, Auguste Comte… trước nhất, và có lẽ từ xưa đến nay, cũng chỉ có một mình ông, vì trước ông không có ai, sau ông cũng không có ai dùng quốc văn để dịch thuật và phê bình những học thuyết ấy…