Tập sách được ghi nhận là tập hợp sử liệu đầy đủ nhất cho đến nay về quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang nền kinh tế thị trường.
Tại sao gọi là "phá rào"?
Tác giả giải thích: "Ở Việt Nam và cả nước ngoài, giới nghiên cứu thường coi năm 1986 với Đại hội Đảng lần thứ VI là thời điểm bắt đầu công cuộc Đổi mới. Trong thực tế, trước đó nhiều năm đã có hàng loạt mũi đột phá can đảm, gian nan, trầy trật, mưu trí, sáng tạo, mà theo cách gọi thời đó là những cuộc "phá rào". Phá rào tức là vượt qua những hàng rào về quy chế đã lỗi thời để chủ động tháo gỡ nhiều ách tắc trong cuộc sống, đồng thời cũng góp phần từng bước dẹp bỏ hàng loạt rào cản cũ kỹ để mở đường cho công cuộc Đổi mới.
Mục tiêu của cuốn sách này là góp phần dựng lại một bức tranh sống động, phong phú về những tìm tòi, tháo gỡ trong thời kỳ "phá rào" đó.
Nói đến phá rào, trước hết cần trả lời câu hỏi: Hàng rào là những gì? Đó chính là những thể chế, những nguyên tắc của mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung được hình thành ở Liên Xô và sau đó được áp dụng tại hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN)".
Trong tập sách này, GS Đặng Phong đề cập đến các trường hợp "phá rào" của nền kinh tế Việt Nam thời trước Đổi mới ở nhiều lãnh vực. Chẳng hạn, lãnh vực nông nghiệp: bắt đầu từ khoán ở tỉnh Vĩnh Phú cho đến nông trường Sông Hậu; công nghiệp: từ Nhà máy dệt Nam Định đến Nhà máy thuốc lá Vĩnh Hội; phân phối lưu thông: từ Công ty lương thực TP.HCM đến cơ chế một giá và xóa bỏ tem phiếu của tỉnh Long An v.v… Mục tiêu của cuốn sách này là góp phần dựng lại một bức tranh sống động, phong phú về những tìm tòi, tháo gỡ trong thời kỳ "phá rào" đó.
Từ các trường hợp cụ thể, GS Đặng Phong đã rút ra "những bài học lịch sử từ những mũi đột phá", đó là: "Xả lũ" chứ không "vỡ bờ"; Sức sống của kinh tế thị trường; Bắt đầu từ cuộc sống, từ dân, từ dưới lên; Những điểm tựa lịch sử; Từ mâu thuẫn đến đồng thuận; Vừa đi vừa mở đường…
Để làm nên công trình này, tác giả và các cộng sự đã phải dành nhiều thời gian tìm kiếm tư liệu, khảo sát thực tiễn và gặp gỡ nhiều nhân chứng, gặp những người thật, nắm bắt những việc thật. Ngoài ra, tác giả còn cho biết, các đồng nghiệp là những nhà nghiên cứu kinh tế và nghiên cứu lịch sử đã có nhiều đóng góp trực tiếp quý báu như GS.TS. Đỗ Hoài Nam, Giáo sư Trần Đình Bút, Giáo sư Đào Xuân Sâm, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nhà kinh tế Vũ Quốc Tuấn, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nhà sử học Dương Trung Quốc cùng rất nhiều bạn bè thân thiết trong các ngành khoa học xã hội trong và ngoài nước…
(Báo phunuonline.com.vn giới thiệu ngày 1/8/2013)
B.N
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn