Tuổi trẻ là một khối dồn nén. Nó có sức phá hoại đến nỗi, vào một thời điểm những tưởng đã quay lưng với cuộc đời, ta chợt nhìn lại và thấy vần vũ quanh mình những gương mặt, mối tình, những lần gặp gỡ, các cảm xúc chân thực và sống động như dao cứa. Đó là tình cảnh của Roland, nhân vật tuy xuất hiện về cuối trong “Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối” (Trần Bạch Lan dịch, Nhã Nam & NXB Văn Học) nhưng lại là mắt xích giải đáp cho mớ ngổn ngang còn lại. Một ngày bước qua quán cà phê La Condé thời xưa cũ rồi nhận ra quán đã đổi thành một cửa hiệu khác, Roland tái dựng ký ức về một cô gái mà anh đã gặp, đã yêu và đánh mất.
Cuốn tiểu thuyết mỏng của Patrick Modiano, khôi nguyên giải Nobel văn chương 2014, được chia thành nhiều giọng kể: một cựu sinh viên trường mỏ, một thám tử chuyên nghiệp, nữ nhân vật chính và Roland-người tình. Từng người kể chuyện tiến vào những vùng của bóng râm. Câu chuyện mở ra bằng việc Jacqueline Delanque, tên thường gọi là Louki, biến mất khỏi cuộc hôn nhân, rong ruổi ở Paris và để lại sau lưng một tấm màn bí ẩn, thêu dệt xung quanh một nhóm bạn vốn là khách quen ở quán cà phê Le Condé.
Ngay từ giọng kể đầu tiên, người kể đã bị ám ảnh bởi những bóng ma xung quanh một ký ức “tập trung” về những năm 1960 (tác phẩm ra đời 40 năm sau sự kiện tháng Năm 1968). Một giọng vô danh nhưng là hiện thân của tác giả với vai trò định vị không thời gian, tiết lộ những bí ẩn về nhóm khách năng lui tới quán Le Condé (“sống một cuộc đời lưu đãng, không phép tắc và cũng không đoái hoài tới ngày mai”).
Dẫn Guy Debord (tác giả của “Xã hội diễn cảnh”) làm đề từ, với “tấm màn u sầu tăm tối” và những “lời lẽ nhạo báng và buồn thiu”, Modiano mở ra một thế giới tưởng tượng với đầy thông điệp kín kẽ, với một ‘mã’ làm chìa khóa, chính là nhan đề: “Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối”. Dưới bóng Debord, tác giả tập hợp những cái tên Adamov, Jean Babilée, Olivier Larronde, Maurice Raphaël (những tên có thật) tạo thành mảnh ghép xác thực nhưng mơ hồ của bức tranh trí thức Tả ngạn Paris trước năm 1968. Đó cũng là giai đoạn phát sinh bi kịch của Louki. Chính bóng râm ấy đặt lên vai các nhân vật (những người chứng kiến, người còn sống) một gánh nặng mà ngay cả họ cũng không có ý thức, nhưng lại dẫn đến việc họ phải tự tách mình và đi tìm một hiện thực khác.
Đến giọng kể thứ hai, hình thức ký ức được thay thế bởi sự truy tìm có ý thức của một thám tử chuyên nghiệp. Gã phát hiện ra Louki, quẩn quanh trong một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, thực sự đi tìm một lẽ sống tốt hơn; cô chán chường sự vô nghĩa của tiện nghi thị dân và bị sự tự do thu hút. Đến giọng kể thứ ba, của chính Louki, ký ức tập thể đã trở thành hẳn ký ức cá nhân. Mở đầu là một cô gái trẻ đi tìm sự can đảm và “giọng” cho riêng mình, kết thúc tác phẩm là nỗi tuyệt vọng (ta thấy phảng phất hình ảnh nhân vật nữ trong phim “Une femme douce” của Robert Bresson).
Quá khứ dồn nén được bới tung bởi hai dòng chảy. Nếu như ký ức cá nhân, thường được gán nhãn giấc mơ, gắn liền hữu cơ với tính chất bấp bênh của trí nhớ và sự sang chấn của trí tưởng tượng, thì ký ức tập thể là tiếng gọi nắm lấy một lương thức cấp bách và nền tảng. Trong thế giới nơi dòng chảy cá nhân trộn lẫn với tập thể, thật khó xác định những vùng bóng râm mà nhân vật bước vào. Họ bước vào để đi tìm sự minh xác, nhưng lại bị kết án là sự tồn tại không có tương lai, rong ruổi giữa những ảo tượng – một vòng tròn quá khứ theo kiểu Dante.
Cuộc sống về cơ bản là buồn, nhưng với Modiano, viết trở thành một hình thức hòa giải, một sự hòa giải liên tục và quy hồi, xoay quanh trục ký ức, với hình ảnh của tuổi trẻ và tình yêu không thể lãng quên. Viết là để tiếp tục và không bị mắc kẹt, và câu chuyện chính là quá trình chậm rãi của việc tái dựng niềm tin giữa những cá nhân bị thương tổn.
Các nhân vật của Modiano đều khao khát muốn biết họ đến từ đâu, nhưng bao trùm tất thảy là việc không thể biết chính xác; tất cả là sự lập lờ. Thời gian mù mờ xoay quanh những tên người, tên phố, các địa chỉ quá thực, quá Paris, dẫn chiếu đến thời thơ ấu và niên thiếu của chính tác giả. Nhưng những con người hư cấu thì còn hơn cả hư cấu: “Và rồi tới một ngày mọi người biến mất và ta nhận ra mình chẳng biết chút gì về họ, ngay cả lai lịch thực của họ cũng không”. Yếu tố “bỏ rơi” luôn tạo ra một hiệu ứng, một mức độ rủi ro đi cùng với sự suy đoán của trí tưởng tượng. Patrick Modiano tạo ra một hơi hướm riêng gần giống với trinh thám, phảng phất một không khí của tội ác và sự vắng mặt, như tranh của Edward Hopper.
“Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối” là mê cung của nỗi cô đơn, mê cung được tạo ra bởi sự tăng động của trí nhớ. Liệu những con đường ta qua thời tuổi trẻ có thực sự là đường vòng? Hay chỉ đơn giản là một đường thẳng, dẫn về phía nội tâm.
Bài: Trần Quốc Tân
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn