(Ngày 05/11/2006)
Nhờ hội nhập, một cuốn sách hay đã trở lại với bạn đọc!
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều từng nhận xét
Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh chinh phục được bạn đọc nhiều nước trên thế giới trước hết là vì nó “đã chạm vào mẫu số chung của nhân loại”. Theo nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, đây cũng chính là lý do quan trọng nhất khiến cho cuốn tiểu thuyết này mấy năm qua lại gây một “cơn sốt nhỏ” ở VN. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của ông:
Con số thống kê vốn xa lạ với giới xuất bản Việt Nam. Chưa nói Truyện Kiều, thơ Hồ Xuân Hương, những tác phẩm của Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Thiệp…tính đến nay đã in ra cả thảy bao nhiêu bản cũng không ai biết. Bởi vậy tôi không thể kể ra ở đây trong vòng vài năm nay, tổng số Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh được bán là bao nhiêu bản.
Chỉ biết cuốn sách đã trở lại theo quy luật của thị trường. Có yêu cầu tức có sự thỏa mãn. Mà cái sự thỏa mãn của giới xuất bản với Nỗi buồn chiến tranh thì hào phóng lắm. Cùng lúc, mấy nhà xuất bản (Phụ nữ, Văn học, Hội nhà văn) cho in; sách tồn tại theo nhiều quy cách khác nhau, sau những tấm bìa khác nhau, trong nhiều xê – ri sách khác nhau.
Khó có cuốn sách nào có số phận kỳ lạ như cuốn sách này. Thật chẳng khác số phận của những người con gái đẹp trong các truyện nôm dân gian. Ở đây hai chữ truân chuyên đã quá cổ lại có vẻ khá thích hợp.
Thoạt đầu là những ngày đẹp trời. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của một chiến binh được trích in trên Tạp chí Tác phẩm mới của Hội nhà văn. Rồi sau khi đổi tên thành Thân phận tình yêu thì được in ra rộng rãi. Được mang ra thảo luận trên báo Văn Nghệ với những lời khen ngợi thực lòng của những bậc đàn anh khó tính nhất. Cùng với Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyến Khắc Trường và Bến không chồng của Dương Hướng, năm ấy Thân phận tình yêu được giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam, cái giải duy nhất trong vòng mười lăm năm nay thường được nhắc tới như bằng chứng về con mắt tinh đời của những người chấm giải.
Cũng chỉ khoảng một năm sau khi xuất hiện, cuốn sách đã tìm được người muốn dịch ra tiếng nước ngoài để rồi bắt đầu một cuộc sống tưng bừng mà có lẽ là chưa tác phẩm Việt Nam nào có nổi. Trên đường đi đến nhiều nước khác nhau, đến đâu nó cũng tìm được độc giả. Xem cái cách nó nói về chiến tranh, người ta nhớ lại những Phía Tây không có gì lạ của E.M.Remarque, Mặt trời vẫn mọc của E.Hemingway…
Nhưng ở trong nước thì lại có tình hình ngược lại. Gian truân ập đến. Xưa sao phong gấm rủ là – Giờ sao tan tác như hoa giữa đường “ (Kiều). Từ lẻ tẻ vài lời chê bai ban đầu thấy nổi bùng lên một phong trào phê phán. Cả những người năm 1991 hết lời khen ngợi cuốn sách qua năm 1994 cũng nói khác. Người ta hối hận. Có người kêu là mình bị lừa, bị bùa mê thuốc lú. Và cuốn sách bị ném vào im lặng. Tưởng như không ai muốn nhìn mặt nó nữa và chỉ muốn quên đi rằng nó đã sinh ra ở trên đời. Không ai nhắc tới cũng như một thời gian dài, giá ai có muốn mua cũng không tìm được sách.
Dù không thể gọi là gặp nạn như những Phạm Tiến Duật, Lưu Quang Vũ những năm chiến tranh, song khoảng trên dưới chục năm ấy, giữa những đợt đi nước ngoài để gặp gỡ bạn đọc và dự các cuộc hội thảo, tác giả chỉ có cách im lặng làm chân biên tập một tờ báo, thỉnh thoảng cho in vài bài phiếm luận làng nhàng.
Giá kể thời trước thì cứ thế cuốn sách sẽ chìm dần trong bóng tối và chỉ cần bị ném ra khỏi các thư viện nữa thôi là có thể coi như bị xóa sổ hoàn toàn.
Cái may của Nỗi buồn chiến tranh là ở chỗ nó ra đời vào thời hội nhập. Nhiều khách phương xa đặt chân đến đây với cuốn truyện của Bảo Ninh. Trong chừng mực mà ở nhiều nơi, hai tiếng Việt Nam mới có nghĩa một cuộc chiến tranh – nó đã trở thành người đại sứ duy nhất của văn học mời gọi người ta đến với sứ sở này để khám phá tiếp.
Khoảng chênh lệch giữa sự đánh giá ở trong nước và khi ra nước ngoài ngày càng hiện lên như một trớ trêu vô lý .“Cái kim trong bọc mãi cũng lòi ra“. Đến 2003 thì các bản tiếng Việt mới lục tục được in lại; lúc đầu rụt rè dưới cái tên Thân phận tình yêu, sau chính thức là Nỗi buồn chiến tranh. Và một cơn sốt nhẹ đã xảy ra, đã kéo dài như trên đây tôi vừa nói, dù chỉ là “áo gấm đi đêm“ người bán sách biết với người mua, chứ báo chí ít khi nhắc nhở.
Có thể nhìn vào cuốn sách này để thấy nhiều nỗi niềm của văn chương mười lăm năm qua. Những mệt mỏi sau một cuộc chiến tranh quá lâu. Những ngần ngại khó khăn trong việc đi tìm sự thực. Sự chênh lệch quá rõ giữa ý muốn và thực tế. Đã có những háo hức đi tìm tài năng để rồi lại ngần ngại khi phải đối diện với tài năng thực thụ, lại thấy e ngại. Tôi biết có những đồng đội của chúng tôi hôm qua muốn chìa tay ra với Nỗi buồn chiến tranh lắm mà không sao làm nổi. Bởi công nhận cuốn sách của Bảo Ninh tức là phủ nhận quá khứ của chính mình, mồ hôi nước mắt của chính mình và bao người khác những năm chiến tranh. Oái oăm là ở chỗ đó!
Nhưng thử nghĩ lại xem, hai chục năm nay, bao thay đổi đã đến với đời sống chúng ta và trong đầu óc chúng ta! Bao giá trị hôm qua tưởng không thể chấp nhận, hôm nay được ngợi ca trọng vọng. Quan niệm về tương lai khác đi, quan niệm về hiện tại khác đi, thì làm sao quan niệm về quá khứ cứ giữ mãi như cũ?!
Điều quan trọng nhất: nay là lúc ta biết rằng ta không thể sống một mình mà sẽ tồn tại trong khuôn khổ và theo những chuẩn mực chung của cộng đồng thế giới. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã điểm trúng huyệt của vấn đề khi viết trong TT&VH số ra 28-10-06: “Nỗi buồn chiến tranh đã chạm vào mẫu số chung của nhân loại – đó là câu chuyện của thân phận của mất mát của tình yêu và chiến tranh…Chỉ có những tác phẩm như vậy mới thực sự được đón nhận và sẻ chia”.
Với sự giúp đỡ của bạn bè, cái ta nhận được ở đây không gì khác lại là cái mà chúng ta đã làm ra nhưng quên lãng. Ta được làm giàu thêm bằng chính sản phẩm của giờ phút xuất thần của mình. Đứa con lưu lạc đã trở về trong vòng tay xã hội. Sự phục hồi của Nỗi buồn chiến tranh biết đâu chẳng mở đường cho nhiều tác phẩm viết về chiến tranh theo một kiểu mới đang được âm thầm chuẩn bị?!
VƯƠNG TRÍ NHÀN
Báo Thể thao và Văn hóa.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn