"Khi con người ngày càng được tự do lựa chọn, tính cá nhân cũng vì thế tăng lên. Và khi tính cá nhân tăng lên, quyền lực của những lựa chọn cũng tăng lên. Con người càng có nhiều lựa chọn, họ sẽ đặt mình vào những mảnh ghép ngày càng bé nhỏ trong xã hội".
Bằng lý lẽ đó, tác giả cuốn sách cho rằng, cần phải bỏ đi ý tưởng quy kết chỉ có một vài xu hướng quyết định cách vận hành của nước Mỹ hay thế giới, mà phải nhìn thấy những xu hướng cực nhỏ đang tiềm ẩn những thay đổi lớn trong xã hội tương lai. Những ai nghĩ rằng đại chúng là một tập hợp lớn, kẻ ấy có thể mắc sai lầm vì thiếu… hiểu biết! Đã qua rồi thời kỳ "nền kinh tế Ford" miệt mài sản xuất hàng loạt những chiếc xe hộp đen bóng lộn cho cả mọi người, mà đây là thời mỗi người tự chọn cho mình một cốc Starbucks với khẩu vị riêng. Nếu giải mã được điều đó thì sẽ gọi tên được nhu cầu và hành vi xã hội.
Có hàng trăm nước Mỹ trong lòng nước Mỹ. Có hàng trăm mảnh ghép đang hình thành. Cuốn sách này giúp chúng ta nhận diện 75 mảnh ghép chính sẽ chi phối xã hội Mỹ và thế giới trong tương lai: từ chuyện xuất hiện hội những người ủng hộ Do Thái đến xu hướng "phi công trẻ lái máy bay già", từ hội chứng mất ngủ đến nguồn cảm hứng nuôi thú cưng, từ thực tế những người nước ngoài ưa mua nhà ở Mỹ đến xu thế phụ nữ thích độc thân, từ việc trẻ con đi học muộn do sự bất cập trong giáo dục ở các trường mẫu giáo, đến chuyện người lớn thu hút sự quan tâm của những nhà sản xuất đồ chơi… Cuốn sách như một chiếc máy scan, quét tầm quan sát của nó trên nhiều lĩnh vực: sức khoẻ, gia đình, ẩm thực, công nghệ, thời trang, chính trị, tiền bạc, giải trí, giáo dục, quốc tế, tình dục, công việc, chủng tộc, tôn giáo…
Có mảnh ghép này mâu thuẫn với mảnh ghép kia, có những mảnh ghép tạo cảm giác "quái đản hay tầm thường", thì cũng phải nhìn nhận rằng, mỗi mảnh ghép được kể là một thực tế đang thu hút ít nhất 1% dân số Mỹ và có khả năng bùng lên thành những xu hướng lớn mà giới chính trị gia, nhà kinh doanh và những ai quan tâm đến chuyển động xã hội học cần nắm bắt. Cần thay đổi quan niệm nước Mỹ là một "nồi hầm nhừ" (theo cách nói của Alphabooks trong lời giới thiệu). Khám phá, nhận diện những mảnh ghép đó là cách thế để hiểu rằng "điều gì đang thực sự diễn ra, chúng ta cần đến những công cụ tốt hơn chứ không thể chỉ dùng mắt thường và những lời hùng biện sáo rỗng", "cần cả kính viễn vọng cũng như sử dụng kính hiển vi để nhìn vào thực tế".
Cuốn sách thuyết phục bằng những lời bình trên cơ sở dữ liệu. Ví dụ khi nói chuyện trào lưu "phi công trẻ lái máy bay già", tác giả đưa ra những con số: năm 1997, chưa đến một nửa triệu cặp đôi Mỹ là phụ nữ có bạn tình bé hơn mình 10 tuổi, nhưng đến năm 2003, có đến gần 3 triệu phụ nữ cặp với những đàn ông bé hơn mình sáu tuổi; trong thời gian từ 2002 – 2005, số đàn ông thích phụ nữ lớn hơn mình năm tuổi cũng tăng 44%. Thực tế đó kéo theo nhiều hệ luỵ: số ca ly hôn của người già tăng cao, số ca sinh nở của những bà "sồn sồn" (44 – 49) cũng tăng đáng kể. Hay khi nói về trào lưu nhịn ăn để sống, tác giả đưa ra thực tế: nước Mỹ đang béo phì. Và ăn kiêng để giới hạn vòng eo, hạn chế bệnh tim mạch đang là xu hướng. Bằng chứng, có những người tham gia nhóm chế độ CR (calorie restriction: chỉ số lượng calorie giới hạn), ăn kiêng để có mức huyết áp, thân nhiệt và mức độ tắc động mạch thấp hơn, đồng nghĩa tuổi thọ sẽ nhỉnh hơn. Tác giả thấu hiểu chọn lựa giữa ăn và sống: "Giờ đây, ngày càng có nhiều người kéo dài thời kỳ sinh đẻ đến tuổi 40, có lẽ họ sẽ không tự hỏi bản thân một cách nghiêm túc rằng: Liệu tôi có muốn ăn thêm 500 calorie một ngày, hay tôi muốn sống để biết mặt các cháu của mình?" v.v.
Tác giả Mark J.Penn từng có kinh nghiệm hơn 30 năm phân tích kết quả thăm dò dư luận cho Ford, Mc Donald's, Microsoft… và từng là nhà cố vấn tranh cử cho 25 lãnh đạo ở châu Á, Mỹ, trong đó có thượng nghị sĩ Hillary Clinton trong đợt tranh cử tổng thống 2008. Một cuốn sách thú vị trong cách nhìn, sắc sảo trong nhận định, dí dỏm với những dẫn dắt, tạo ra sức thuyết phục lớn cho người đọc. Chiếc "kính hiển vi" của tác giả gợi ý một cách phân tích hiện đại không chỉ với nước Mỹ mà với những quốc gia, bối cảnh sống khác, để tránh sự áp đặt, quy chụp bầy đàn hay tình trạng "vơ đũa cả nắm" khi mô tả xã hội.
Nguyễn Vinh
(Nguồn: Báo SGTT)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn