Alice Hoffman là tiểu thuyết gia đương đại người Mỹ, nhưng cuốn sách lớn của bà lại dựng trên nền lịch sử của Israel cổ đại. Năm 70, chín trăm người Do Thái đã cố thủ tại Masada – nơi có pháo đài do vua Herod Đại Đế xây dựng – trong nhiều tháng ròng để kháng cự sự chiếm đóng của quân đội La Mã. Theo sử gia cổ đại Flavius Josephus kể trong cuốn Cuộc chiến tranh Do Thái, những người trong pháo đài Masada bị vây hãm đã quyết định chết trong tự do chứ không chịu để người La Mã bắt giữ. Khi chiến đoàn Roma xông vào thì trong pháo đài chỉ còn hai người phụ nữ và năm trẻ em sống sót. Do đó, pháo đài Masada trở thành biểu tượng cho lòng mong muốn tự do của người Do Thái.
Dựa trên sự kiện lịch sử đó, tiểu thuyết của Alice Hoffman nói về câu chuyện đầy ám ảnh của bốn người phụ nữ mạnh mẽ, giàu sức sống và nghị lực phi thường. Mỗi người bị số phận đưa đẩy đến Masada theo những con đường khác nhau.
Tiểu thuyết gồm bốn phần chính, mỗi phần được kể qua giọng của bốn nhân vật nữ của truyện. Phần một có tên Mùa hè năm 70. Con gái người sát thủ. Câu chuyện mở đầu qua lời Yael. Mẹ Yael mất khi sinh cô, cha cô là một sát thủ chuyên nghiệp không bao giờ tha thứ cho con gái về cái chết đó. Tuổi thơ thiếu thốn tình mẫu tử đè nặng lên Yael. Khi Jerusalem thất thủ, Yael theo cha và một gia đình sát thủ tìm đường băng qua sa mạc để đến Masada. Nơi đó, cô có cơ hội soi vào nội tâm mình. Đó cũng là nơi đem đến cho Yael người cô yêu, tước đi những gì cô đã đánh cắp và đưa cuộc đời cô ngoặt sang một trang khác.
Phần hai mang tên Mùa hè năm 71. Vợ người thợ làm bánh. Nội dung của phần này được kể bởi Revka – vợ người làm bánh trong làng. Revka là một phụ nữ hết mực yêu thương chồng con. Bà chỉ mong được sống yên ổn cuộc đời bình dị, bên người chồng lúc nào cũng khắc chữ “R” lên mỗi ổ bánh ông làm. Chiến tranh loạn lạc khiến bà thành góa phụ, nhà cửa tan nát, gia đình lưu lạc. Trên hành trình tha hương, bà tận mắt chứng kiến quân lính Roma tàn bạo giết chết con gái mình. Revka dẫn hai đứa cháu trai thơ dại đến Masada, và ở đó bà tìm được những người phụ nữ mở lòng san sẻ gánh nặng cùng mình.
Mùa xuân năm 72. Người yêu của chiến binh là phần ba của tiểu thuyết. Nhân vật chính trong phần này là Aziza – con gái của một chiến binh – được nuôi dạy trở thành kỵ sĩ ngang tàng, một cung thủ cự phách. Cô được cha dượng nuôi dạy như một chiến binh đích thực, nhưng số phận khiến cô không thể bộc lộ con người thật của mình với người mình yêu. Nhờ sức mạnh nội tại, Aziza vượt lên trên những định kiến để bảo vệ mẹ, em trai, em gái, đồng thời tìm ra được bố đẻ của mình.
Người phụ nữ thứ tư tên Shirah kể câu chuyện Mùa đông năm 73. Phù thủy xứ Moab. Shirah sinh trưởng ở Alexandria, am hiểu sâu sắc về những phép thuật và phương thuốc cổ đại, một người phụ nữ mạnh mẽ đến khó hiểu. Đây cũng là nhân vật có sức quyến rũ trong tác phẩm. Bà thấp thoáng xuất hiện trong số phận của Yael từ những trang đầu, chặng đường lưu lạc đã cho họ gặp nhau, nhận ra nhau ở khung cảnh khốc liệt nơi pháo đài Masada. Shirah bị mang tiếng là phù thủy, mang trong mình một sinh linh nên bà bị ruồng rẫy. Nhưng sự kiên cường, thủy chung của Shirah giúp bà vượt qua tất cả để chờ đợi tình yêu lớn duy nhất của đời mình; đồng thời tiếp thêm sức mạnh cho những phụ nữ khác ở pháo đài: Yael, Revka, Aziza. Họ cùng trở thành những người nuôi giữ bồ câu, nắm giữ bí mật nguồn cội và thân phận, biết yêu thương, hy sinh, quả cảm vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt để bảo vệ những gì mình yêu quý.
Sau khi xuất bản năm 2011 tại Mỹ, tác phẩm được báo giới dành nhiều lời khen ngợi. Tạp chí People viết: “Cuốn tiểu thuyết lịch sử hạng nhất, bản anh hùng ca về chiến tranh, đam mê và bản năng sinh tồn kỳ diệu của con người, đặc biệt là người phụ nữ”. Còn tờ USA Today đánh giá: “Alice Hoffman đã đan dệt hư cấu và lịch sử trong Những người nuôi giữ bồ câu.[…] Tài hư cấu của Hoffman vẫn luôn đáng ngưỡng mộ, còn lịch sử đã mang lại cho cuốn tiểu thuyết này một sức ám ảnh ghê gớm”.
Tác giả Alice Hoffman sinh năm 1952 tại New York, Mỹ, tốt nghiệp khóa viết văn (Viết sáng tạo) của Đại học Stanford. Bà là một trong những tiểu thuyết gia Mỹ đương đại xuất sắc, với 21 tiểu thuyết, 3 tuyển truyện ngắn, 8 tập truyện thiếu nhi đã được xuất bản. Tác phẩm của Alice Hoffman được độc giả Mỹ ưa thích như Here on Earth (Tạm dịch: Ở đây, trên thế gian này) được đưa vào Câu lạc bộ Sách của Oprah, tiểu thuyết Practical Magic (Phù phép) được chuyển thể thành phim điện ảnh bởi hãng Warner Bros, tác phẩm At Risk (Vực nguy hiểm) được chọn vào danh mục sách cần đọc của nhiều trường thuộc hệ thống giáo dục của Mỹ; hay tiểu thuyết Incantation(Thần chú) được tờ Publisher Weekly bình chọn là một trong những cuốn sách hay nhất của năm.
Để hoàn thành Những người nuôi giữ bồ câu, Alice Hoffman đã dành 5 năm viết. Tác phẩm được Toni Morrison – nữ nhà văn giành giải Nobel năm 1993 – nhận xét là “một đóng góp lớn cho văn học thế kỷ XXI”.
Câu chuyện về những người sống sót tại Masada được dịch giả Lê Đình Chi chuyển ngữ sang tiếng Việt. Tác phẩm được phát hành ở Việt Nam trong tháng 7.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn