Nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân chia sẻ với Tuổi Trẻ như thế sau một đêm thức đọc trọn cuốn Những ngã tư và những cột đèn (Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn) – tiểu thuyết vừa được xuất bản của Trần Dần, 45 năm sau khi nhà văn sáng tác và 20 năm sau khi ông mất.
* Thưa ông, có thể coi đây là cuốn tiểu thuyết trinh thám của nhà – cách – tân – thơ Trần Dần được không?
– Tôi chỉ xét đơn thuần về mặt tác phẩm, đây có thể coi là một cuốn tiểu thuyết trinh thám viết rất chuyên nghiệp, rất hấp dẫn với bạn đọc bình thường. Các tuyến nhân vật được cài cắm rất lớp lang và tâm lý nhân vật, đặc biệt tâm lý tội phạm, được nghiên cứu và trình bày rất khéo, đúng kiểu tâm lý học hiện đại mà các tiểu thuyết trinh thám phương Tây vẫn hay dùng. Có thể đọc một mạch từ đầu đến cuối cuốn tiểu thuyết này vì sự hấp dẫn đó của nó.
* Ðó là chất trinh thám và chất hiện đại. Còn "chất Trần Dần" ở đâu trong cuốn tiểu thuyết này?
– Ở toàn bộ cuốn tiểu thuyết. Dù trinh thám, nó vẫn là một cuốn tiểu thuyết tâm lý với đầy đủ bản lĩnh cách tân và bút pháp siêu việt của Trần Dần. Ngay từ thời điểm ông đặt bút viết vào năm 1966, ông đã dùng kỹ thuật tự sự đa chủ thể (nhiều nhân vật cùng kể chuyện) – một kỹ thuật rất tiên tiến của văn chương thế giới cùng thời, mà chúng tôi – lúc đó đang ngồi trên ghế giảng đường đại học – chưa hề được nghe các giáo sư nhắc tới, mãi đến năm 1980 mới được biết đến qua các bản dịch tiếng Nga.
Người đọc nắm bắt câu chuyện rất thoải mái dù nó không đơn giản. Ðó là vì nhà văn luôn chuyển vai kể vào thời điểm chính xác và bằng ngôn ngữ nhân vật rất đặc trưng cho từng cá tính. Có những khi nhà văn sử dụng ngôn ngữ điêu luyện đến độ tôi chỉ có thể thán phục một cách sung sướng vì được thưởng thức kỹ thuật của một bậc thầy: đó là đoạn Dưỡng đến nhà mẹ xin đón vợ về sau khi bị cô vợ giận dỗi bỏ đi. Bà mẹ cứ chửi sa sả, vừa nghiệt vừa chứa chan yêu thương; còn thằng con trời đánh cứ tưng tửng chửi phụ với mẹ, mà nó tự chửi nó, cứ như là một ai đó đang nói về một thằng nào khác nữa, chứ không phải vẫn thằng con trai ấy đang nói về chính nó. Ngôn ngữ ở đây ra hết chất của "cao bồi thành thị" mà nhà văn Việt Nam ta ít có người am hiểu và viết kỹ như Trần Dần.
* Ông còn nhận ra nhiều dấu ấn của nhà thơ Trần Dần mà mình ngưỡng mộ trong cuốn tiểu thuyết trinh thám này nữa không?
– Nhiều lắm. Trong tất cả những pha trữ tình ngoại đề, những trường đoạn miêu tả tâm lý nhân vật. Những trang đằng đẵng không xuống dòng. Những triết lý về cuộc đời, về tình yêu, về chiến tranh, về thân phận con người. Có quá nhiều câu văn được dụng công và đẽo tạc đẹp như thơ mà tôi muốn trích dẫn, nhưng không thể, vì dẫn câu nọ thì không công bằng với câu kia.
Nhưng "Trần Dần" nhất, "thơ" nhất vẫn là khi ông đặc tả sự phân thân của nhân vật xưng tôi nhiều nhất trong tiểu thuyết: Dưỡng xưng tôi trong nhật ký để thuật lại sự giằng xé giữa trí tuệ của "Sọ" với tình cảm của "Bóng" trong con người anh ta. Kỹ thuật tự sự đa chủ thể của Trần Dần 45 năm trước đã "cao thủ" đến độ ông điều khiển cả một dàn nhân vật đầy cá tính không ai lẫn vào ai, và đạo diễn cuộc phân thân cam go của Tôi, Sọ và Bóng một cách ngoạn mục đến độ người đọc không nhận thấy mình đang bị dẫn. Người đọc vẫn cứ nghĩ mình đang trôi trên màn sương mờ ảo của thế giới ngôn ngữ đầy những hình tượng thơ của Trần Dần. Tôi thích cả cái tên Những ngã tư và những cột đèn. Nó đầy tính biểu tượng.
* Với tư cách một nhà nghiên cứu lịch sử văn học, ông có tin Những ngã tư và những cột đèn sẽ được đánh giá cao trong văn học VN hiện đại?
– Tôi tin điều đó, vì tầm vóc tư tưởng, những cách tân nghệ thuật và kỹ thuật ngôn ngữ đi trước thời đại rất xa của Trần Dần thể hiện trong tất cả những sáng tác của ông.
THU HÀ thực hiện
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn