Đặt tên cuốn sách của mình là "Công ty đột phá", Keith McFarland định làm một cú đột phá trong nghiên cứu như bậc thầy Jim Collins của ông đã làm được với hai cuốn "Từ tốt đến vĩ đại" và "Xây dựng để trường tồn".
Những đặc trưng của công ty đột phá
Quan niệm của Keith về Đặt công ty lên hàng đầu không mới so với Jim và nhiều nhà nghiên cứu kinh doanh khác. Keith cũng cho rằng trong mọi công ty đột phá, nhân viên làm vì lợi ích của tổ chức chứ không làm vì lãnh đạo, cam kết công hiến cho tổ chức chứ không "ngu trung" với lãnh đạo, mọi hoạt động đều hướng tới việc phục vụ công ty chứ không phải phục vụ lãnh đạo.
Công ty đột phá có sức sống riêng, bản sắc riêng chứ hoàn toàn không phải là sự phản ánh đơn thuần những đặc điểm của người lãnh đạo. Sáng kiến đến từ mọi cấp chứ không phải là sản phẩm của lãnh đạo. Nhân viên được tuyên dương bởi đã âm thầm góp sức xây dựng công ty chứ không phải vì "to mồm" khoa trương cho lãnh đạo thấy.
Quan điểm của Keith về Tăng khoản đặt cược cũng không khó hiểu. Một công ty muốn đột phá theo Keith cần mạnh dạn đầu tư vào một thị trường mới, tuân thủ một quá trình mới, giành giật nguồn lực mới, tận dụng địa điểm mới hoặc khai thác kênh bán hàng mới một cách quyết liệt và triệt để. Họ phải có gan "đánh cược" phần lớn nguồn lực vật chất và tinh thần vào đó hơn là làng nhàng ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Ý tưởng Xây dựng đặc tính công ty của Keith là mới hơn cả so với các luận điểm khác của ông trong cuốn này. Keith cho rằng mọi công ty đều hô hào những tuyên bố giá trị rất hùng hồn nhưng thật ra chẳng mấy ai làm được như những gì họ tuyên ngôn. Những công ty đột phá thật sự tạo ra "đặc tính" "bản sắc" của riêng họ nhờ những gì họ đã làm chứ không đơn thuần là vẽ ra "trên giấy". Họ "tập trung vào việc thống nhất giữa những gì họ nói và những gì họ thật sự làm".
Hiện thực hay tấm gương?
Keith McFarland đã thật sự nỗ lực với Công ty đột phá. Bắt chước phương pháp của Collins, ông nghiên cứu tới 7000 công ty, trò chuyện với 1500 nhà điều hành, liệt kê 5600 bài báo. Từ đó, ông chọn ra 9 công ty đột phá nhất rồi so sánh chúng với những công ty đối thủ cùng ngành nghề nhưng không thành công. Dữ liệu nghiên cứu công phu và dày dặn như vậy dễ khiến người đọc cảm thấy yên tâm với những kết luận của Keith.
Với những doanh nhân hay sinh viên chưa từng đọc một cuốn sách quản trị kinh doanh nào, Công ty đột phá của Keith có thể làm họ bị ngợp, nhưng sẽ không đến mức bị mê hoặc như với Từ tốt đến vĩ đại hay Xây dựng để trường tồn của Jim Collins, bởi Keith chưa có được lối viết lôi cuốn nhiều ẩn dụ đến vậy. Nhưng rất dễ, họ sẽ "gửi trọn niềm tin" nơi Keith.
Họ nên biết thêm rằng phương pháp luận và những luận điểm của ngay cả ông thầy Collins cũng còn đang bị phê phán và coi là cần "xét lại" ở Mỹ. Nên đương nhiên, những kết luận như đúng rồi của Keith theo phương pháp Collins trong cuốn này cũng cần được thận trọng đặt dấu hỏi phía sau.
Muốn biết tại sao phương pháp và kết luận của Collins và Keith lại chứa đựng quá nhiều sơ hở, bạn đọc nên tham khảo cuốn sách nổi tiếng đã được xuất bản ở Việt Nam có tên Hiệu ứng hào quang. Chỉ xin nhắc lại một quan điểm nổi bật của nó là mọi nghiên cứu công ty dựa trên hàng núi cơ sở dữ liệu kiểu như Keith cũng không chắc đã có giá trị bởi những dữ liệu là bài báo, bài phỏng vấn, bài nghiên cứu ấy đều được viết vào thời điểm các công ty đó đang ở đỉnh cao thành công.
Mấy nhà điều hành, nhân viên, nhà báo lại nói những điều tồi tệ, viết những điều xấu xa về một công ty đang trong ánh sáng huy hoàng của vòng nguyệt quế. Họ cũng bị ngợp trong vòng hào quang ấy khi nhận định về công ty. Khi gió đổi chiều, công ty lao dốc thì mọi thứ bỗng đổi khác, tất cả họ sẽ lại thi nhau vùi công ty xuống bùn đen bằng những lời chỉ trích hoàn toàn ngược lại.
Đó chỉ là một trong nhiều những sai sót, ảo tưởng trong phương pháp luận mà cuốn Công ty đột phá của Keith McFarland mắc phải. Dữ liệu và phương pháp chưa chắc chắn thì không thể nói những kết luận của cuốn sách là chính xác trong bối cảnh nước Mỹ. Nó sẽ càng không thể là lý tưởng ở một môi trường như Việt Nam nơi từ môi trường kinh doanh đến chất lượng nhân lực đều hoàn toàn không lý tưởng. Áp dụng cứng nhắc những kết luận của Keith không đảm bảo cho bất kỳ "đột phá" nào.
Tuy vậy, tôi cho rằng Công ty đột phá là một cuốn sách nên đọc với các nhà quản trị và nghiên cứu quản trị kinh doanh. Nên đọc không phải bởi những kết luận của nó đã hoàn toàn chính xác với thế giới hay với Việt Nam, nên đọc bởi nó như một tấm gương để mỗi nhà quản trị công ty soi lại mình.
Tấm gương ấy không hẳn đã phản chiếu hiện thực, thậm chí còn phản ánh hiện thực lộn ngược. Nhưng chúng ta vẫn cần "soi gương" mỗi ngày để tìm thấy những vết bẩn trên khuôn mặt chính mình. Mỗi nhà quản trị phải soi lại và suy nghĩ liên tục mỗi ngày để sáng tạo ra những con đường mới trong thế giới kinh doanh đầy thách thức này.
Khánh Duy
(Nguồn: Báo Tuần Việt Nam)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn