Giới thiệu sách Những Biểu Tượng Đặc Trưng Trong Văn Hóa Truyền Thống Việt Nam – Tập 2: Các Vị Thần
Tiếp theo Tập 1 mang tên “Các bộ trang trí điển hình” phát hành năm 2012, tác giả Đinh Hồng Hải đã mang đến cho bạn đọc có một cái nhìn sâu sắc và mới lạ về các vị thần trong văn hóa truyền thống Việt Nam ở Tập 2: Các vị thần. Thông qua nội dung tập sách này, bạn đọc có thể nhận ra các vị thần trong vai trò những biểu tượng tồn tại trong đời sống văn hóa, được biểu hiện thông qua các hành vi tôn giáo và tín ngưỡng của con người. Qua đây chúng ta sẽ tìm thấy nguồn gốc và sự phát triển của các vị thần như Thần Đất, Thần Bếp, Thần Tài, Thánh Gióng, Di Lặc và Ông Trời trong văn hóa Việt Nam cũng như vai trò và vị trí của các vị thần này trong xã hội đương đại.
Trong phần đầu của cuốn sách, tác giả đã đặt ra một loạt các câu hỏi khiến người đọc phải suy nghĩ: Tại sao người ta có thể bỏ ra tiền tỷ để cầu cúng, “trấn yểm” cho đất đai, nhà cửa, tài sản của mình nhưng rất ít người nghĩ xem mình có nhầm không khi chưa biết rõ tên gọi, nguồn gốc và “hành trạng” của vị thần mà mình đang cầu cúng, khấn vái? Liệu có việc đặt nhầm hoặc cúng nhầm vị thần nào đó không? Để trả lời cho những câu hỏi đó, tác giả hướng người đọc đến việc phải tìm hiểu nguồn gốc và quá trình phát triển của các vị thần cũng như các loại hình tín ngưỡng này trong chính nền văn hóa mà nó tồn tại.
Từ những nghiên cứu dày công được thực hiện trong hơn 270 trang sách, tác giả Đinh Hồng Hải đã đi đến những nhận định hết sức xác đáng như: “… tôn giáo, tín ngưỡng là một phần quan trọng của văn hóa nhân loại nên sẽ không bao giờ mất đi. Vì vậy, sự tồn tại của tôn giáo, tín ngưỡng trong xã hội văn minh vừa mang tính tự nhiên vừa là một nhu cầu thiết yếu đối với đời sống tinh thần của con người” (tr37). “… tôn giáo, tín ngưỡng vừa là những thành tố cụ thể của văn hóa vừa là những công cụ truyền bá văn hóa cực kỳ hữu hiệu. Vì vậy mà hầu hết những nền văn minh cổ đại, trung đại đều ra đời trong quá trình phát triển của các tôn giáo, tín ngưỡng” (tr.192). Qua đó, tác giả đi đến kết luận: “hiểu biết sâu sắc về tôn giáo, tín ngưỡng cũng là một cách tôn vinh những giá trị đặc sắc của văn hóa dân tộc và khẳng định giá trị của những yếu tố cấu thành bản sắc dân tộc đó” (tr.262).
Có thể nói Các vị thần là chuyên khảo đầu tiên nghiên cứu một cách chuyên sâu và có hệ thống về đời sống văn hóa tín ngưỡng của người Việt từ trước đến nay. Cuốn sách không chỉ là một tài liệu tham khảo có giá trị cho các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, giảng viên, sinh viên mà còn là một cuốn sách nên có trong tủ sách của mọi gia đình. Từ bà nội trợ đến các nhà khoa học, từ một người bán hàng rong đến các tỷ phú,… ai đã từng cúng Thổ công, Ông Táo, ai đã từng thờ Thần Tài – Ông Địa,… đều rất nên có cuốn sách này ngay trong nhà mình để tránh những sự nhầm lẫn đáng tiếc và “tiền mất tật mang.”
Mời bạn đón đọc.