"Tôi muốn trở thành người đàn ông thực thụ và tôi tin rằng chiến đấu là con đường để trở thành người đàn ông thực thụ. Tôi biện luận rằng có lẽ sự can thiệp của Mỹ sẽ giúp kết thúc cuộc chiến giữa hai miền Bắc và Nam Việt Nam, và đưa tới một giải pháp có lợi cho hai bên. Và quan trọng hơn cả là tôi trở thành một người lính vì tôi muốn là anh hùng" – trang 27 trong cuốn hồi ký của mình, John Merson ghi lại những biện minh thời trai trẻ khiến ông nhảy vào cuộc chiến.
Nhưng rồi, trong khoảng thời gian từ tháng 4.1966 đến tháng 5.1967, với vai trò là một lính thuỷ đánh bộ tham chiến tại Việt Nam, ông cay đắng nhận ra những biện minh, "lý tưởng nhà binh" trên không đủ sức đứng vững trước sự phi nghĩa từ thực tế chiến trường.
Nhiều người trẻ ở nước Mỹ thời của John Merson cũng đến chiến trường Việt Nam với một niềm tin "đồng nhất chủ nghĩa anh hùng với hình ảnh người lính" và rơi vào một thực tế bi đát mà cuốn hồi ký này mô tả: họ như những người bị chính cái ý nghĩ ấy đánh lừa, họ rơi vào cái bẫy sống hoang mang, sợ hãi, rơi vào triệu chứng "ưa làu bàu" (nói theo cách của sử gia Nigel Cawthorne trong Chiến tranh Việt Nam được và mất) và mất kiểm soát trong hành động tự vệ lẫn giết chóc. John Merson cắt nghĩa những màn bắn giết phi nhân tính mà lính Mỹ nhằm vào dân thường có nguồn cơn từ nỗi hoảng loạn mà người lính phải chịu đựng trong chiến tranh.
Có muôn ngàn lý do để một người trẻ cầm súng bảo vệ đất nước thì cũng có muôn ngàn lý do – thậm chí lý tưởng – để những người trẻ ở một đất nước khác ra đi đóng quân nơi một vùng đất xa lạ và hiểm nguy. Ví dụ, trong khi John không thể giải thích thấu đáo được cái lý do vì sao mình từng đến Việt Nam thì những đồng đội của anh như Clayton, Billy, William… bước vào cuộc chiến với những động cơ đơn giản hơn: tham chiến như một việc làm tránh được thất nghiệp, tránh phải è sức trên cánh đồng.
Nhìn người lính như một nạn nhân của thời cuộc, John Merson hướng ngòi bút của mình cắt nghĩa những vấn đề tâm lý qua nỗi sợ, sự thảm sát, điên loạn nơi chiến trường và vết thương hằn sâu trong tinh thần, sự mất cân bằng hậu chiến. Và không chỉ có Mỹ Lai mà còn nhiều cái tên khác như Đại Lộc, Đức Phổ… những cái tên mang sức nặng ký ức khác được tác giả tái hiện như một sự giải thoát dằn vặt cho chính mình.
Với những người lính Mỹ, những vết thương hậu chiến thực sự là một cuộc chiến dai dẳng sau khi họ trở về quê nhà và bị “chăm sóc đặc biệt” như những kẻ có mầm mống tâm thần. Bản thân John Merson, suốt tám năm sau khi trở về từ Việt Nam, luôn phản bác những gợi ý hỗ trợ tâm lý trị liệu và thường xuyên sống trong cảm giác “buồn đến đờ cả người ra”.
“Đối với người lính, đài tưởng niệm cũng là một điều khó xử bởi đài tưởng niệm thể hiện những sai lầm đau thương”, John Merson viết. 35 năm sau khi cuộc chiến chính thức kết thúc, đã đủ một khoảng lùi để nhìn lại sự thật sâu sắc hơn về thân phận con người, bao dung hơn khi nghĩ về lịch sử.
Những người trẻ Mỹ và Việt Nam hôm nay khi tiếp cận với John Merson ngoài đời cũng như trên trang sách sẽ nhận ra một điều – ông luôn nói về tuổi trẻ của mình với một nỗi ngậm ngùi, nuối tiếc.
Nguyễn Vĩnh Nguyên (Báo SGTT)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn