Trong cuốn sách mới nhất của Orhan Pamuk được chuyển sang Việt ngữ, Những màu khác (Lâm Vũ Thao dịch, Nhã Nam & NXB Văn Học), chúng ta gặp lại những tiểu thuyết của ông qua việc ông nói về chúng (Pháo đài trắng, Tên tôi là Đỏ, Tuyết và những cuốn khác), quê hương của ông qua việc ông viết về nó (nước Thổ hiện đại nằm trên lằn ranh Âu – Á đang đối mặt khốc liệt với các vấn đề của truyền thống và hiện đại, ít nhiều đã được ông đề cập đến trong hồi ký trác tuyệt trước đó: Istanbul – hồi ức và thành phố), và cả những nguồn cội văn chương hun đúc nên sự nghiệp của ông: nền văn hoá Thổ truyền thống, thực tại thế tục Thổ với những liên đới vượt ra ngoài nó, nhất là, tiểu thuyết châu Âu như một đại diện của ý niệm văn hoá châu Âu vừa mời gọi, vừa áp đặt và thách thức nỗ lực văn chương của thế giới bên ngoài nó.
Khi Pamuk nói rằng, Những màu khác được kiến trúc trên một bộ khung có tính tự truyện mà kết cấu của nó gồm các mảnh của "những khoảnh khắc kỳ lạ khi chân lý bằng cách nào đó được rọi sáng", để che giấu trong nó một trung tâm còn bỏ trống gọi nghĩa kiến tạo từ phía người đọc, ông đã không phô bày cho ta thấy một Orhan có thực, người sáng tạo nên cuốn sách này, dù có rất nhiều những câu chuyện về thời thơ ấu, những nỗ lực văn nghệ thời trẻ, những bước lữ hành, những dấn thân chính trị, những suy tưởng về đời sống và nghệ thuật… Tự truyện về một cái trung tâm rỗng ấy chỉ cho ta thấy hoạ tiết phía ngoài của chiếc bình tư tưởng được đan dệt bởi "hiện diện mảnh vỡ" những "màu sắc của từ ngữ", "màu sắc trong giọng nói", "màu sắc của đam mê say đắm" và của "cơn giận dữ bùng nổ" hay "sâu thẳm trong lòng". Bởi nó là thực tại được thụ cảm bằng nhìn ngắm, lắng nghe, đụng chạm và suy tưởng. Thế giới giống như trang sách, được tri nhận thông qua hành vi đọc. Pamuk chia sẻ với người đọc ở điểm này, khi tất cả cùng được quan sát những hiện diện mảnh vỡ ấy trong sự đọc, để cả tác giả và người đọc cùng đổ đầy tư tưởng vào cái trung tâm còn bỏ trống ấy, cái trung tâm mà tác giả chỉ gợi ra chứ không giành quyền phán quyết.
Những màu khác chứa quá nhiều điều được viết, trải nghiệm sống, kinh nghiệm đọc, sự dấn thân, sự viết, sự lựa chọn, sự dịch chuyển (sang không gian khác, lối viết khác, và trong các đối thoại). Tất cả, nói như Pamuk, "là cái cớ để nói về cuộc đời". Hai phần ba cuốn sách được viết trong sự đổ bóng thường trực của châu Âu như một trung tâm, phần còn lại dành cho sự quan sát từ phía ngoài, thăm dò khả năng ngoại hoá những điều thân thuộc, và cuối cùng, với đáp từ nhận giải Nobel, hoạch định một quan niệm sống và viết. Tư cách người đọc của Pamuk thể hiện một cách sâu đậm ở phần đầu, nhất là ở những khúc đoạn xem châu Âu hiện đại ở đặc trưng bản chất nhất của nó là tiểu thuyết, và bản thân nó hiện hữu như một văn bản. Đây thực sự là những vỉa từ, những mảng màu hắt sáng vào sự nghiệp của Pamuk, đẹp một vẻ vừa dữ dội vừa thâm trầm.
Pamuk dành một tình yêu nồng nhiệt cho Dostoyevsky, người kế tục truyền thống nghệ thuật Dyonisos và khai mở nghệ thuật hiện đại trong hình dạng của tiểu thuyết đa thanh, phức điệu. Song điều quan trọng nhất ở Dostoyevsky mà Pamuk thụ hưởng lại không chỉ đơn thuần ở tính chất hiện đại ấy (điều mà ở chỗ khác, ông bày tỏ sự ngưỡng mộ một phong cách trái ngược Dostoyevsky hoàn toàn, qua Lolita và Ada của Nabokov). Pamuk học ở bậc thầy Dostoyevsky thái độ nước đôi đối với châu Âu, cảm nhận tận đáy tình cảnh "giằng xé", "mắc kẹt" giữa hai phương trời Đông – Tây, Âu – Á. Tình yêu với phương Tây và lòng thù ghét nó, nỗi sân hận phương Đông quê nhà và sự đoái thương, nhân vật trong sáng tác của Dostoyevsky luôn luôn trở nên cô độc, khờ khạo, lập dị giữa mọi người, trở thành kẻ phẫn hận trò vè của tạo hoá. Pamuk đọc thấy ở đấy tính hiện đại tương hợp với tình hình Thổ Nhĩ Kỳ nói riêng và thế giới thứ ba nói chung, sự sẻ chia nỗi dằn vặt với những nhà văn đứng bên lề, mép rìa thế giới châu Âu như là ý niệm về sự cao cả, bất chấp huyền thoại khai minh bị giải bỏ, bị lợi dụng hay trở thành di sản còn và mất giá.
Cũng như châu Âu hiện đại ở bình minh của nó, khi tiểu thuyết song sinh với dân tộc, nhà văn mặc nhiên trở thành trí thức dấn thân (theo nghĩa gắn bó với cuộc đời chứ không phải bó hẹp trong dấn thân chính trị một thời được tạo sinh bởi J. P. Sartre), Pamuk nhận thấy sự trỗi dậy của mối liên kết ấy trong đời sống ngoài phương Tây thời hiện đại, nhưng không sống động và tươi tắn như xưa mà khô cứng, tăm tối trong sự vây phủ của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Cái tính nước đôi hậu thực dân làm cho văn chương trở nên ngập tràn giận dữ ở cả trong và ngoài đời sống đất nước, với tất cả sự "kiêu hãnh" và "hổ thẹn" với việc đất nước, nhà văn và văn học được và không được trở thành chính nó. Ở giữa trung tâm của Istanbul, bên bờ vịnh Bosphorus, hay trên đảo Heybeliada, dịch chuyển giữa phía ngôi sao hay lưỡi liềm của quốc kỳ Thổ, bên một cửa sổ hay một hàng hiên, Pamuk nhìn thế giới ở chính nơi bản lề của nó, giữa hai thế giới, hai phương trời, "bằng từ ngữ". Sự bất tòng thuộc hai phía làm thành sức mạnh của Pamuk, khiến "những khoảnh khắc hiện hữu" của sự viết, sự đọc, sự sống hiện diện "như những phân mảnh" trong khát vọng về một bức tranh không có ranh giới, chỉ có màu, Những màu khác. Pamuk mơ ước một tác phẩm như thế, và bạn đọc đang có được một tác phẩm như thế, không có ranh giới, chỉ có màu, Những màu khác.
(Báo sgtt.vn giới thiệu ngày 17/10/2013)
Đoàn Ánh Dương
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn