Cả thế giới đã từng chú ý và dành sự quan tâm đặc biệt cho Nhật kí Anna Frank – cái nhìn của Cô gái Do thái nhỏ bé, yếu đuối về những sự kiện xảy ra xung quanh cô trong hơn hai năm thời kì chiếm đóng của quân Đức (Thế chiến thứ 2). Qua nhật kí của mình cô đã, đang và sẽ mãi mãi là một biểu tượng của khát vọng sống, của lòng yêu tự do, hòa bình, chống lại chiến tranh, nạn diệt chủng, bạo lực, bất công và kỳ thị.
Cũng là một cuốn nhật kí của một cô gái về những đạo luật bài Do Thái thời kì chiếm đóng của Đức Quốc Xã thời Thế chiến thứ 2, nhưng khác Anna Frank, Nhật kí Hélène Berr là cái nhìn của một cô gái Pháp 22 tuổi, gốc Do Thái. Năm 1942, những đạo luật bài Do Thái làm chao đảo và nhấn chìm cuộc đời của Hélène Berr. Tháng 11/1942, chính sách bài Do Thái khiến Hélène Berr không tham dự được kỳ thi lấy bằng thạc sỹ chuyên nghành tiếng Anh. Ngày 8/3/1944, cô bị bắt và đưa về trại tị nạn Drancy, rồi lần lượt bị đưa đến trại tị nạn Auschwitz và Bergen-Belsen. Tại đây, ngày 10/4/1945, cô bị tra tấn cho đến chết chỉ vài ngày trước khi trại tị nạn được giải phóng.
Nhật kí Hélène Berr "mô tả cuộc sống ở Paris bị chiếm đóng", đồng thời cũng là một câu chuyện cảm động về người phụ nữ trẻ anh hùng, bất khuất khi đối mặt với thành kiến và chiến tranh.
" Mình không muốn điều đó, bởi vì như thế sẽ có nghĩa là mình không còn ham muốn cuộc sống nữa. Chắc chắn là có một cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc ở những nơi khác trên địa cầu này và để dành cho tương lai. Còn mình, nếu mình sống thì chắc chắn là vì người khác…"
Cuốn nhật ký được viết viết bằng tay trên các trang giấy vở học sinh và mang đậm nét cá tính của Hélène. Từng đoạn, từng đoạn một trong cuốn nhật ký, hầu như không gạch xóa, không sửa chữa. Văn phong sáng sủa, mạch lạc đến ngạc nhiên, những dòng suy nghĩ tuôn chảy một mạch không chút do dự thể hiện sự cân bằng hoàn hảo giữa ý nghĩ và cảm xúc". Trong cuốn nhật ký của mình, Helene đã viết về văn học, âm nhạc, tình yêu và vẻ đẹp thành phố Paris – nơi cô sống.
Nhưng dần dần, niềm hạnh phúc, vẻ đẹp đẽ và cuộc sống bình yên ở thành phố Paris không còn nữa. Sự xuất hiện của Đức Quốc Xã đã khiến cuộc sống của cô và tất cả những người Do Thái bị đảo lộn. Và lúc này, những dòng nhật ký của cô là một bằng chứng đanh thép tố cáo tội ác, sự tàn bạo của Đức Quốc Xã. Từ những trải nghiệm thực tế của mình, Hélène Berr đã khắc họa sống động và rõ nét cuộc sống hàng ngày của những người dân Do Thái, của chính gia đình cô tại Paris dưới sự chiếm đóng của Đức Quốc Xã. Đó là một thời đau thương và buồn thảm ẩn dưới chiếc phù hiệu sao vàng mà mỗi người Do Thái buộc phải đeo.
Trong cuộc sống ngắn ngủi của mình, Hélène Berr từng tin rất nhiều ở tương lai, bằng lời tâm sự giản dị, hết sức chân thành và đầy sức hút. Vậy là sau Anna Frank, thêm một cô gái Pháp gốc Do Thái nhỏ bé lên tiếng trước nạn kì thị và phân biệt chủng tộc dã man – một trong những tội ác lớn nhất của loài người. Cũng như số phận của cô bé Anna, một tài năng văn chương và một tâm hồn tươi đẹp đã nằm xuống vì sai lầm khủng khiếp ấy.
Vân Sam.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn