Giới thiệu sách Nhà Lao An Nam Ở Guyane
“…Guyane là một vùng đất rừng sâu nước độc đầy rẫy những bệnh giết người như bệnh sốt vàng da, buộc bất cứ ai muốn vào đây phải chích ngừa trước 10 ngày. Bị tống đến các nhà tù ở Guyane coi như cầm chắc là xuống địa ngục chỉ trong vài ngày. Ngay từ trước khi Guyane được quy hoạch thành “bãi tập kết rác rưởi xã hội” bên ngoài lãnh thổ Pháp, đi Guyane đã bị coi như là cầm chắc cái chết. Năm 1793, một phái đoàn khai phá Pháp định cư tại Kourou, nơi sau này nổi tiếng là địa điểm phóng tên lửa Ariane. Mới chân ướt chân ráo đến đã ngã gục vì bệnh tật. Số còn lại “bơi thuyền” ra khơi đến mấy hòn đảo ngoài khơi tá túc. May là khoảng cách chục hải lý trên biển đã ngăn chận sự lây lan của muỗi mòng, nên những người đào tẩu này thoát chết. Từ đó, ba hòn đảo này gọi là dãy đảo Cứu rỗi (Iles du Salut). Nơi đây sau này trở thành nhà lao chính, cùng hai nhà lao khác trên hai hòn đảo nhỏ gần đó là đảo Quỷ (Ile du Diable), đảo Hoàng Gia (Ile Royale) và đảo Saint Joseph (thánh Giu – se).
Sau này, sau khi Guyane chính thức trở thành xứ sở nhà lao, có lúc tù nhân chết vì bệnh tật quá đỗi nên năm 1867 các trại tù ở đây bị đóng cửa, và Tân Đảo (Nouvelle Calédonie) – nơi có khí hậu và điều kiện thiên nhiên “bao dung” hơn – được chọn thay thế cho Guyane trong vai trò nhà lao biệt xứ. Tuy nhiên, đến năm 1873, nhà tù Guyane lại được tái lập sau khi tân Quốc hội ở Pháp ra nghị quyết phải trừng phạt tù nhân hơn nữa. Có lẽ chi tiết này là một giải thích cho việc đày một số tù nhân An Nam và Đông Dương sang Tân Đảo trong giai đoạn trên. Đây là một chi tiết cần làm sáng tỏ thêm nữa.
Papillon – người tù khổ sai nổi tiếng trong phim và tự truyện đã “thường trú” trên các đảo Cứu rỗi. Các đồng đội gốc Đông Dương của Papillon là Chang và Văn Huê cũng bị giam tại đây. Nay, nhà lao này trở thành di sản văn hoá thế giới. Vấn đề là tuyệt đại đa số tù nhân Việt Nam bị đày sang Guyane không may mắn được sống ngoài đảo Cứu rỗi như Papillon để khỏi bị muỗi mòng gieo bệnh, mà bị đưa vào trong đất liền, đến Crique Anguille, Saut Tigre, La Forestière… Hơn 70.000 tù nhân, từ chính quốc đến thuộc địa, đã bị đưa sang đây từ lúc khởi đầu đến khi chế độ lao tù ở Guyane này bị chấm dứt vào năm 1953.
Các cụ tù nhân An Nam từ cuối thế kỷ 19 đến đợt cuối cùng năm 1931 nằm trong số đó và trong chính sách “điệu hổ ly sơn” đó. Theo nhà nghiên cứu Danielle Donet – Vincent trong Les bagnes des Indochinois en Guyane 1931 – 1963, từ 1855 đến 1922 đã có 977 tù nhân Đông Dương bị đưa sang Guyane. Nếu tính thêm 535 cụ trong chuyến năm 1931 thì tối thiểu cũng đã có 1532 tù nhân Đông Dương bị đi đày ở Guyane, chưa rõ từ năm 1922 đến 1931 có đợt nào khác nữa hay không…”.
Mục lục:
Thay lời tựa
Phần 1: Guyane – “Địa ngục trần gian” xưa
Vài nét về Guyane
Tại sao có nhà tù Guyane?
Từ Yên – Bái đến Guy – An
Phần 2: Chúng tôi đã đến đây
Gặp con cháu các tù nhân biệt xứ
Những số phận lưu lạc
Đường vào nhà lao
Hương khói giữa rừng Amazon
Từ Guyane đến bến Bắc Kỳ
Chúng tôi đã đến đây
Chùa Một Cột ở Guyane
Lính tập An Nam ở Siberia
Phần 3: Những người Việt Ái Quốc đi đày ở Guyane
Nguyễn Quang Diêu: một kiếp thề ghi với nước non – Nguyễn Đình Đầu
Nghĩa quân Đề Thám đi đày ở Guyane – Nguyễn Đình Đầu
Vượt ngục về nước tiếp tục đấu tranh – Huỳnh Thanh Bình
Tổ quốc – một con đường – Uyên Ly
Một lòng đền nợ nước non – Nguyễn Phúc Nghiệp
Hành trình quê hương – Nguyễn Trường Uy
Phần 4: Bài học lịch sử sống động
Cuộc tìm kiếm cần được tiếp tục
Guyane và số phận những con người – Nguyễn Duy Nghĩa
Vừa mừng vừa xấu hổ – Nguyễn Đắc Xuân
Hãy gìn giữ dòng máu Lạc Hồng – Hà Xuân Thông
Việt Nam vạn tuế! – Thái Duy
Ai chết cho quê hương là sống đời đời – Vũ Văn Hằng
Không chỉ nhà lao An Nam ở Guyane – Triều Anh
Cuộc “về nguồn” độc đáo – Phong Thịnh
Cần lắm những việc làm tri ân
Không thể để lãng quên lịch sử – Phạm Vũ
Mời bạn đón đọc.
Có một ngày cách nay đã 80 năm, một người tù biệt xứ đã lôi từ đáy ruột tượng ra một mẩu xơ mướp và mang xuống suối tắm. Trong mẩu xơ mướp ấy còn giắt lại hai hạt khô đen. Và hạt mướp hương đã đâm chồi trong bàn tay nâng niu và nỗi nhớ quê hương tha thiết của những người tù. “Đúng vào ngày 1-5-1932, bảy trái mướp hương gốc Việt đầu tiên được hái xuống và chuyền tay nhau khắp trại giam Guyane như một báu vật mà quê hương ban tặng…”.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn