Theo lời mời của đức vua Pháp, vị danh họa tài ba đã chấp nhận chuyển đến sống trong một lâu đài nằm bên bờ sông Loire. Ở đó, có một nữ gia nhân không rõ tuổi tác, với quá khứ bí ẩn đang chờ đợi để lặng lẽ phục vụ những người chủ của mình, cho đến khi họ chết. Hàng ngày, bà nhẫn nại bên cạnh ông. Bà giặt giũ, nấu nướng, quét dọn, còn ông thì vẽ tranh, đo đạc phác họa các thành phố và thành lũy,… Suốt từ mùa này sang mùa khác, họ chỉ âm thầm thực hiện những công việc của mình mà không hay biết tự khi nào đã có một tình yêu chớm nở.
Nguyện ước mang một không khí trầm buồn, mạch truyện chậm rãi, không có nhiều sự kiện. Tác giả sử dụng những đoạn văn dài, tập trung vào những hành động của các nhân vật, những biến đổi của thời gian qua từng mùa. Các nhân vật liên hệ với nhau bằng sự im lặng gần như là tuyệt đối. Ông theo dõi bà làm việc, còn bà quan sát ông vẽ tranh. Họ chỉ trao đổi với nhau bằng những ánh mắt, những nụ cười kín đáo. Đó cũng là phong cách đặc trưng của Michèle Desbordes khi đã khéo léo chuyển tải thông điệp của sự im lặng, của những điều không nói được bằng lời bằng một ngòi bút tinh tế và điêu luyện. Dù tác giả không hề nhắc đến tên vị danh họa kia, nhưng có thể dễ dàng nhận ra, ông chính là thiên tài người Ý: Leonardo da Vinci. Như vậy, dựa trên những sự kiện có thật, Michèle Desbordes đưa người đọc trở về với những năm tháng cuối đời của vị danh họa lỗi lạc khi ông chấp nhận lời mời của vua François I tới phục vụ triều đình Pháp.
Giữa hai nhân vật là những vách ngăn vô hình. Ông là người chủ, còn bà chỉ là tôi tớ. Ông là một họa sĩ-nhà điêu khắc-kiến trúc sư-kỹ sư nổi tiếng, còn bà chẳng được học hành tử tế. Cả hai đều đã ở độ tuổi sắp gần đất xa trời. Chính những khác biệt rõ rệt đó cùng với định kiến của thời đại đã ngăn không cho hai con người đến với nhau. Nhưng cuối cùng bà có một quyết định bất ngờ khiến người đọc phải sửng sốt. Câu chuyện lên đến cao trào khi bà thổ lộ với ông nguyện ước kỳ lạ đầy xúc động của mình. Đó là sau khi chết vẫn xin được tiếp tục phục vụ ông bằng cách hiến dâng cơ thể bà cho những nghiên cứu về giải phẫu học đang còn dang dở của ông.
Michèle Desbordes viết Nguyện ước bằng một thứ ngôn ngữ quyến rũ, đầy chất thơ. Đặt trong bối cảnh nước Pháp thế kỷ 16, cuốn tiểu thuyết là một ẩn dụ về nghệ thuật, về cuộc sống và cái đẹp. Để cống hiến cho nghệ thuật, con người không chỉ trút hết tất cả sức lực mà còn có thể hy sinh cả thể xác. Ngoài ra, thành công của Nguyện ước là còn khắc họa được phần nào hình ảnh của bậc danh họa kỳ tài của nhân loại. Ngay cả khi về già, Leonardo da Vinci vẫn lao động và sáng tạo không ngừng để tạo ra những tuyệt phẩm cho đời.
Mất năm 2006, Michèle Desbordes để lại Nguyện ước như một viên ngọc quý giá của văn học. Cũng như nhân vật của mình, bà trở thành nhà điêu khắc tài ba, trở thành họa sĩ vẽ nên một bức tranh vô cùng đẹp đẽ. Tác phẩm đã giành được Giải thưởng France-Télévision dành cho tiểu thuyết, Giải thưởng của hội đồng giám khảo Jean Giono, Giải thưởng của Đài phát thanh truyền hình Bỉ do thính giả bình chọn.
Sách do NXB Hội nhà văn ấn hành, Nguyễn Giáng Hương chuyển ngữ, giá 30.000đ.
Thanh Nhàn
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn