Giới thiệu sách Nguyễn Chí Thanh – Những Góc Nhìn Từ Hậu Thế
Thưa quý độc giả!
Đây là cuốn sách nhỏ của những người hậu thế, và như tiêu đề: “Nguyễn Chí Thanh – những góc nhìn từ hậu thế”, sẽ có câu hỏi đặt ra, rằng những trang viết này ra đời để làm gì và dành cho ai? Cũng có thể, ai đó sẽ tỏ ý hoài nghi, thậm chí ngờ vực rằng, liệu những kẻ đầu xanh tuổi trẻ đã đủ chín chắn, đủ tầm suy nghĩ để bàn luận về một vị danh tướng lỗi lạc, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của thời đại Hồ Chí Minh, một người đã đi xa nửa thế kỷ?
Câu trả lời sẽ thật giản dị, rằng cuốn sách này hướng đến cho những người thích đặt câu hỏi về lịch sử, muốn khám phá lịch sử. Chỉ có điều, đó sẽ không phải là thứ “lịch sử vô nhân xưng”, chỉ nói về những biểu tượng, những khái niệm nhiều hơn là nói về những con người và số phận của con người. Cuốn sách này muốn bàn về lịch sử của đất nước trong thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc, thông qua số phận một con người cụ thể, bằng những cách tiếp cận khác, và hơn nữa là với cảm xúc của những niềm vui và nỗi buồn có thật…
Những người trẻ muốn học và cần phải học, hành trình khám phá này là cách để họ tự học. Học từ ngày hôm qua, sống ngày hôm nay, hy vọng cho ngày mai. Điều quan trọng nhất là không ngừng đặt câu hỏi . Chúng tôi không chỉ muốn hiểu về riêng một con người Nguyễn Chí Thanh, mà dành sự trân trọng, tôn kính và ngưỡng mộ về một “THẾ HỆ VÀNG” – những con người tiêu biểu đã vùng lên làm cách mạng, đã thay đổi vận mệnh, tương lai của dân tộc, để lại cho đời sau cả một cơ đồ sự nghiệp và những tấm gương về nhân cách. Đó là những nhà cách mạng tiền bối, những người có công khai sáng, hoàn thiện, có những thành tích vượt trội và có tầm ảnh hưởng trong nhiều lĩnh vực như chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội, giáo dục, văn chương, nghệ thuật… Những thành tựu của họ được đất nước và đời sau tôn vinh, không chỉ vì sự phát triển toàn diện, vượt bậc, mà vì họ đã cống hiến hết tất cả sức lực, tài năng và đạo đức cho đất nước nhưng không hề đòi hỏi quyền lợi và danh vọng.
Nửa thế kỷ đã qua đi kể từ ngày 6 tháng 7 năm 1967, ngày mà trái tim Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thốt nhiên ngừng đập. Đã có nhiều tác phẩm, bài viết về Nguyễn Chí Thanh, rất nhiều tác giả đã lý giải về nhiều điều lớn lao xung quanh ông, rằng vì sao một người nông dân mà lại có thể trở thành Đại tướng? Vì sao Nguyễn Chí Thanh có thể làm được những việc to lớn và khác nhau như thế, từ Bí thư Tỉnh ủy, chỉ huy du kích quần nhau với giặc Pháp, Chủ tịch Thanh niên, làm Tuyên huấn, sang Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, phụ trách nông nghiệp… và rồi giai đoạn cuối của cuộc đời, ông lại khoác ba lô lên đường vào Nam đánh Mỹ?… Vì sao, nhờ vào đâu, và làm cách nào ông có thể hoàn thành những nhiệm vụ khó khăn và đa dạng đến như vậy? Vì sao một cuộc đời, một con người tuy ngắn ngủi – lại có thể làm được nhiều việc có ích và tốt đẹp như thế?…
Nhưng, những câu hỏi không chỉ dừng lại ở đó! Chúng ta mong muốn được biết về nhiều điều khác nữa: hiểu xem người nông dân, người lính, vị Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nghĩ gì về lợi ích quốc gia – dân tộc, nghĩ gì về chiến tranh và hòa bình. Để rồi ông và những người lãnh đạo đất nước đã trả lời cho mục đích của “ĐÁNH” là gì? Đánh để giành độc lập, đánh để có hòa bình! Trả lời cho câu hỏi “đánh ai”?, “ai đánh”? Làm gì để đánh, để đánh thắng và đánh như thế nào? Làm gì để khẳng định con đường NHẤT ĐỊNH THẮNG của dân tộc?
Chúng ta từng nói nhiều về cuộc chiến với kẻ thù, nhưng chưa nói nhiều về những khó khăn từ “bên trong” và cả “bên cạnh” – khi có một kẻ thù lớn đang đứng trước mặt. Liệu những người đương thời đã hiểu hết những gì những nhà cách mạng lỗi lạc của Đảng đã làm, đã dám làm, khi vượt lên sự chèn ép, lôi kéo và chi phối của các nước lớn trong ván bài lợi ích và cạnh tranh – thỏa hiệp chiến lược nửa thế kỷ trước? Nếu không có một lãnh tụ tối cao của toàn dân tộc, một “minh chủ” của cuộc kháng chiến là Bác Hồ vĩ đại, một niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo và sự trong sáng của Đảng, sự tất thắng của cuộc cách mạng, liệu họ có thể làm được những điều đó không?
Thế hệ trẻ luôn ham đổi mới và thích cái mới, họ nên biết và cần biết về một trong những người Việt Nam tiêu biểu nhất cho tư duy mới và SỰ ĐỘT PHÁ, người dám làm những việc KHÓ mà ít ai dám làm. Đột phá trong những chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo, đột phá trong tổ chức thực tiễn, nhưng trước hết là đột phá từ chính tư duy. Vì sao Nguyễn Chí Thanh xuất hiện ở đâu thì ở đó có cái mới, là ở đó tình hình có những chuyển biến tích cực? Từ đấu tranh chính trị, gây dựng và củng cố phong trào cách mạng ở Thừa Thiên đẩy lên đấu tranh vũ trang, kết hợp chiến tranh du kích và từng bước gây dựng lực lượng chủ lực, chuẩn bị cho những trận đánh lớn hơn. Bằng việc bám sát bộ đội, những người nông dân mặc áo lính, từng bước thẩm thấu, giáo dục lòng yêu nước và lý tưởng cách mạng cho họ, làm cho họ trở thành chiến sĩ cách mạng được vũ trang. Thật đặc sắc và ngỡ ngàng với hình ảnh vị Đại tướng bám sát nông dân và mặt trận nông nghiệp, góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm của nông dân, chuyển biến tình hình nông thôn. Và cũng thật khâm phục khi thấy ông bám sát chiến trường miền Nam, bám sát bộ đội, du kích và đồng bào, dấy lên phong trào “Nắm thắt lưng Mỹ mà đánh; tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, nhân rộng mô hình “Vành đai diệt Mỹ”… Thực tiễn ấy đã chứng tỏ ở sự kết hợp của một nhà cách mạng, một nhà tổ chức, một vị lãnh đạo, một nhà lý luận, một người thủ lĩnh, nhưng đặc biệt hơn cả là một BỘ ÓC SÁNG TẠO. Ông luôn tiềm tàng một tư duy trí tuệ cách mạng mà khoa học; trung thành, kiên định mà vô cùng sáng tạo, linh hoạt. Và chính ông luôn cổ vũ lan tỏa sự sáng tạo ấy ở tất cả mọi nơi, với tất cả mọi người.
Có nhiều bài viết, những câu chuyện đã kể về vị Đại tướng nhân hậu và đầy tính nhân văn, nhưng tại sao mà một vị tướng nông dân lại đứng ra bảo vệ quyết liệt đến thế cho một khúc ca quan họ trên chiến trường Điện Biên; một Ủy viên Bộ Chính trị chăm lo, quan tâm đến thế cho hạnh phúc của một đôi thanh niên nam nữ trên cánh đồng lúa chín; một Chính ủy Quân giải phóng miền Nam lại có thú vui tăng gia, chụp ảnh, câu cá…? Người ta hay nói đến một Nguyễn Chí Thanh cương quyết, sắt đá, chứ chưa hiểu hết một Nguyễn Chí Thanh sâu lắng, nhân hậu, sống thật đời thường và vô cùng tình cảm.
Và hãy thử lý giải, từ những tư duy như thế nào mà ông lại viết nên được những bài báo rực lửa từ miền Nam của “Hạ sĩ Trường Sơn”, của “Người quan sát”? Những thế hệ sau này không có được vinh dự và may mắn vào Nam tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhưng đọc những bài báo ấy là có biết bao hình dung – đó là những bài báo của một “Hạ sĩ” thôi, nhưng lại được viết từ trên đỉnh Trường Sơn, ngay cái tên thôi cũng đã thôi thúc những ước mơ được sống, được chiến đấu cùng biết bao người khác trong cuộc chiến rực lửa anh hùng ấy. Những bài báo ấy với một thế hệ ngày đó, hay như một bài hịch, đẹp như những trang văn hấp dẫn và hào hùng như lời kêu gọi ra mặt trận. Những bài báo đó, cách khơi gợi hào sảng của một “nhà hùng biện”, một người truyền lửa hừng cháy nhưng lại thật giản dị, gần gũi…
Tư tưởng ấy, trí tuệ ấy, đạo đức và nhân cách ấy từ nửa thế kỷ trước đã làm xúc động triệu triệu con người, là gương sáng đẹp đẽ, lớn lao, cao thượng. Đó cũng là những tài sản vô giá, là giá trị cốt lõi mà các thế hệ sau này cần gìn giữ, phát huy và trước tiên là trở về với những giá trị thực sự đó.
Nỗi suy tư, trăn trở luôn đau đáu trong ông khi nghĩ về nguồn cội từ DÂN. Thời nào cũng vậy, ở bất cứ nơi đâu thì người dân cũng có nhiều tâm tư. Nhưng quan trọng nhất là họ có niềm tin vào lãnh đạo để trải lòng hay không. Niềm tin ấy không tự dưng mà có, và sẽ không bao giờ có khi người lãnh đạo chỉ ngồi ở văn phòng đọc báo cáo và ra chỉ thị, nghị quyết. Bởi “trăm nghe không bằng một thấy”, người lãnh đạo phải trực tiếp đến và lắng nghe, đặt mình vào hoàn cảnh của một người dân để cảm nhận và suy nghĩ tại sao, phải làm như thế nào mới tốt… Từ những việc nhỏ nhất, cho đến những quyết sách lớn nếu xuất phát từ thực tế đời sống, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân mà ra thì mới thực sự bền vững và giữ được lòng dân. Niềm tin của người dân còn phải được xây dựng thông qua mối quan hệ thật sự vì dân, giữa các cơ quan công quyền, của mỗi cán bộ Ðảng, cán bộ Nhà nước, quân đội đối với nhân dân.
Nói đến Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, niềm tin của nhân dân nơi ông bắt đầu từ những lời nói, việc làm nhỏ nhất. Tình cảm của người dân, lòng tin nơi nhân dân, đó là thứ lớn nhất mà ông có được, và cũng là bài học lớn để lại cho đời. Đó là gốc rễ của một người nông dân, cũng là gốc rễ của một người cách mạng. Phong cách sống đó, lòng người đó sao thật dễ hiểu, dễ gần như những người ái quốc chân chính của một “THẾ HỆ VÀNG” – Thời đại Hồ Chí Minh.
Từ những lý giải về nhiều điều lớn lao trong cuộc đời của Nguyễn Chí Thanh, các tác giả của cuốn sách này muốn truyền tải một thông điệp rất mạnh mẽ về Nhân cách và Niềm tin của con người. Nguyễn Chí Thanh có niềm tin tuyệt đối và không khoan nhượng vào con đường cách mạng mà mình lựa chọn. Ông luôn tin tưởng vào chiến thắng, dù trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Ông đặt niềm tin to lớn vào nhân dân, vào người lính và người nông dân. Đồng thời, cũng chính nhân cách, trí tuệ và khả năng thu hút quần chúng của ông đã làm cho người nông dân và người lính tin tưởng ông. Nhân cách và Niềm tin – những điều không thể thiếu được cho cuộc sống hôm nay và mai sau. Đó cũng là những giá trị của cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Chí Thanh mãi mãi để lại cho hậu thế và sẽ luôn được hậu thế trân trọng.
Nội dung trong cuốn sách này được chắt lọc, hệ thống lại từ các công trình nghiên cứu riêng biệt của nhiều tác giả. Có những góc nhìn chân thực của những nhà báo, nhà khoa học và cũng có cảm xúc của những nhà văn, nhạc sĩ. Có tư duy hệ thống của những nhà quản trị và cách lập luận của nhà quân sự, nhưng cũng có cả cách suy nghĩ, cảm nhận của những người thuộc thế hệ 8x, 9x mà bạn chưa từng biết họ là ai. Trong cuốn sách này, nhiều thông tin được trích lục từ nguồn tài liệu đã ấn hành trước đây và cũng có cả rất nhiều nội dung mới mẻ từ trong và ngoài nước, thậm chí là cả những gì “lần đầu tiên được công bố”. Mỗi chương sách là một câu chuyện kể, là một vấn đề gợi mở và tất cả những gì được gửi tới bạn, dù có thể câu chữ còn chưa được gọt giũa, ý tứ chưa tròn trịa, nhưng là những gì chúng tôi dám đọc, nghĩ, nói và viết, một cách chân thành và tự tin.
Xin một lần nữa nhắc lại câu hỏi rằng lịch sử là gì? Đó là tiếng vọng của quá khứ trong tương lai và là ánh phản chiếu của tương lai trên quá khứ. Cuốn sách này dù chỉ là một hạt cát bé nhỏ nhưng vẫn mong góp phần đắp giữ niềm tin của những thế hệ trẻ Việt Nam luôn trân trọng, tự hào, hứng thú tìm hiểu về lịch sử đất nước.
Một lần nữa mong người đọc ghi nhận những nỗ lực, mong muốn và sự mạnh dạn của chúng tôi trong việc tiếp cận với những câu chuyện lịch sử liên quan đến một VỊ TƯỚNG CỦA LÒNG DÂN.
Xuân 2017 – Thay mặt nhóm tác giả
Bùi Chí Trung
Mời bạn đón đọc.