Giới thiệu sách Người Đọc (Tiểu Thuyết)
“Một trong số ít ký ức sinh động từ hồi trẻ con là một buổi sớm mùa đông, lúc tôi lên bốn tuổi. Phòng ngủ của tôi hồi ấy không được sưởi, đêm đến hay sáng sớm thường rất lạnh. Tôi nhớ đến phòng bếp ấm áp và cái bếp lò nóng, một cái lò gang nặng trịch, trong đó nhìn thấy lửa nếu lấy móc kéo tấm che và vòng kiềng ở chỗ nấu ra, và có cả một bồn luôn trữ nước nóng sẵn sàng. Mẹ tôi đẩy chiếc ghế tôi đang đứng trên đó ra trước bếp lò, tắm rửa và mặc quần áo cho tôi”.
Đối với Hanna, Berg vừa xem như “bạn tình”, vừa là một hình bóng của một người mẹ. Đôi khi, cậu so sánh Hanna với mẹ, cậu yêu thích những gì Hanna làm cho cậu vì nó giống với ngày xưa, cái hồi mà mẹ cậu vẫn hay làm cho đứa con đau ốm của mình.
Cuộc tình với Hanna được tác giả miêu tác rất chóng vánh và đứt quãng. Đó là những lần hai người gặp nhau, Hanna muốn Berg đọc truyện cho nàng nghe rồi khi phần truyện kết thúc, hai người tắm mình trong bồn nước nóng để rồi kết thúc bằng một cuộc mây mưa mà Hanna luôn là người chiếm hữu: “Đọc truyện, tắm, làm tình rồi nằm rốn lại cạnh nhau đã trở thành nghi thức của những lần chúng tôi gặp nhau”
Chàng thanh niên 15 tuổi như Berg đầy sóng động nội tâm. Berg hay nghĩ suy mà suy nghĩ nào cũng nông cạn và hời hợt. Thật ra cậu cũng có thắc mắc, cũng tìm hiểu nhưng rồi đứng trước một Hanna quá mạnh mẽ và thích chiếm hữu mỗi khi làm tình, Berg luôn là người thua cuộc: “Khi tôi cũng phản ứng một cách cáu bẳn, chúng tôi cãi nhau và Hanna lạnh nhạt với tôi thì nỗi sợ mất Hanna lại trở lại. Tôi nhịn nhục và xin lỗi, cho đến khi cô chấp nhận tôi. Nhưng trong lòng tôi đầy căm hận”
Đột nhiên, Hanna biến mất, Berg kiếm tìm trong tuyệt vọng.
Theo dòng thời gian, “cậu bé” (từ Hanna hay gọi khi ân ái cùng chàng) Berg ngày nào giờ là một chàng sinh viên luật. Trong một phiên tòa, chàng nhìn thấy Hanna trên ghế bị cáo với tội danh “Tội phạm chiến tranh”. Bao nhiêu ký ức đổ xô về ngập lối. Trong Berg bây giờ là những nỗi nhớ thương, kỷ niệm và niềm đau, căm giận. Chàng không làm gì được để giúp Hanna. Chàng còn nhớ Hanna thích nghe chàng đọc truyện, mãi về sau này chàng mới hiểu tại sao nàng không tự đọc, không biết lời nhắn trong mẩu giấy nhỏ mà chàng để lại cho nàng. Đó là vì Hanna không biết chữ.
Berg đọc truyện rồi thu vào những cuộn băng gởi vào nhà tù cho Hanna nghe cho đến khi nàng được đặc xá sau 18 tháng tù tội. Sau khi ra tù, Hanna chọn cái chết thay cho lời từ tạ, không chịu đựng nỗi những nhục nhã và tội lỗi mà cuộc đời nàng đã đạp lên.
Berg đứng trước mộ Hanna lần đầu và cũng là lần duy nhất trong đời để thông báo cô biết chàng đã gởi tiền cho quỹ chống mù chữ bằng cái tên Hanna Schmitz.
Không giống như những tác phẩm đang tạo cơn sốt trên thị trường vì liên quan đến tình dục. Đọc “Người đọc”, bạn không tìm đâu ra những câu tả tỉ mỹ kiểu như màu của chiếc quần lót, những chi tiết đặc tả về ngực trần, cặp mông… như nhiều tác phẩm hiện nay đã lạm dụng. “Người đọc” chỉ nói cho bạn biết bên trong căn gác nhỏ đó có đứa bé 15 tuổi cùng cô gái 36 tuổi đang đọc tiểu thuyết, họ ôm ấp và làm tình bên nhau.
Mời bạn đón đọc.
Lạ lùng… Người đọc
(Tiểu thuyết Người đọc, Lê Quang dịch, NXB Phụ Nữ và Viện Goethe phối hợp ấn hành)
TT – Bối cảnh phố ga. Một cậu bé 15 tuổi mê cô soát vé gấp đôi tuổi mình. Tình yêu là những khoảnh khắc chọn lọc, ghi nhớ. Nhớ bởi vì riêng và khác. Sau, trước, và xen lẫn những lần gặp gỡ, cậu bé thường đọc sách cho người tình của mình nghe. Hanna (tên cô soát vé) rất thích đọc sách (nói đúng hơn là nghe đọc sách). Một quan hệ lạ lùng.
Rồi Hanna đột nhiên biến mất. Như một giấc mơ, suốt bao năm cậu bé đi tìm hình bóng người mình yêu. Không có một sự thay thế. Rồi họ tình cờ gặp nhau ở tòa án. Cậu bé bây giờ là sinh viên luật thực tập. Còn Hanna là bị cáo.
Tòa cáo buộc cô từng tham gia tổ chức SS, trực tiếp can dự vào một vụ thảm sát. Một tình tiết cho thấy cô chính là người đã viết bản báo cáo. Nhưng lúc này, hệ thống lại các sự kiện, chàng sinh viên luật biết chắc rằng cô là một người mù chữ (!).
Câu chuyện tưởng chừng có thể kết thúc trong một sự giải tỏa nhẹ nhàng. Nhưng không, nó dẫn ra một lối khác. Lối ấy không phải ở câu chuyện mà ở những biến thể phức cảm của lòng người. Liệu tình yêu có còn? Tình yêu có phải là thứ còn mãi qua thời gian?
Người đàn ông tiếp tục đọc sách thu băng cassette gửi vào tù cho người đàn bà. Nhưng không một dòng thư. Người đàn bà học đọc và viết qua những băng cassette ấy (bằng cách đối chiếu từng chữ cái trong các cuốn sách nhờ mua). Và, bà viết những lá thư tình yêu ngắn. Có một cái gì đó như vừa vỡ ra rồi lịm tắt. Đã bắt đầu nhưng chẳng biết đi về đâu. Đã sống quá lâu mà thấy như chưa từng bắt đầu (!)…
Tiểu thuyết Người đọc của nhà văn người Đức Bernhard Schlink từng được dịch sang 40 thứ tiếng, đoạt một số giải thưởng quan trọng. Một câu chuyện không huyền ảo, ẩn dụ, trái lại rất rõ ràng. Rõ ràng mà quá lạ lùng. Một sự rung động lớn lao vì tất cả đều rất tự nhiên.
Sức hấp dẫn không dựa vào kỹ thuật cài đặt “sách trong sách” mà giản dị hơn nhiều, nó chỉ nói đến việc con người tìm đến sách như một sự khai sáng và chia sẻ (còn nói như một nhà văn người Đức khác – tức Guenter Grass thì: “Không có gì có thể thay thế văn hóa đọc”). Thú vị khi là người đọc… Người đọc (!).
TRẦN NHÃ THỤY
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
Người đọc | |
(SGGP:: Cập nhật ngày 12/11/2006) | |
|