Giới thiệu sách Người Đàn Bà Lưu Vong
Tác phẩm kể về cuộc đời chìm nổi của nữ tiến sĩ Vũ Bích Lương, một người phụ nữ đẹp, tài hoa mẫu mực với vầng trán cao và đôi mắt sáng thông minh. Bà sống một cuộc đời chìm nổi trôi dạt, với một gia đình nhìn phiến diện thì hạnh phúc đầm ấm, những người cha, người mẹ luôn mẫu mực “giường như tuyệt đối” với con cái… thế nhưng cuộc sống ấy, cuộc sống của một người đàn bà thật mô phạm, như một tấm gương để người ta soi rọi, như một hình tượng để người ta ao ước đạt được ấy… tất cả chỉ là vỏ bờ ngoài. Thực ra gia đình bà là địa ngục, là bi kịch… Cuộc sống thật đã được mổ xẻ một cách trực diện, trần trụi với những mâu thuẫn, những giằng xé nội tâm triền miên, những đau đớn ê chề… của một người đàn bà phải sống lưu vong ngay trong cuộc đời của chính mình
“… Tiếng nói lạnh lùng vang qua vai nàng, khiến nàng chết cứng cả người. Bố chồng nàng đã đứng ở đó từ lúc nào, đã nhìn thấy cảnh tượng nàng nhìn thấy, và cả những gì nàng chưa kịp thấy. Ông xô nàng ngã dúi lên chiếc bồn rửa mặt, rồi tiến đến, giáng một cái tát trời giáng vào mặt bà Bích Lương:
– Con đĩ già kia! Mày chết đi! Bức tranh kia ở đâu ra? Chiếc nhẫn này ở đâu ra?
Bà ngã quỵ xuống đất, hai bàn tay, hai đầu gối, và cả trán bà rơi ập xuống đống mảnh vỡ của tấm gương soi.
Dù bà bị ngã xuống rất mạnh, Mỹ Vân vẫn thấy bà xoè cả hai bàn tay ra vội nắm lấy một mảnh vải rách dưới đất. Khi mười đầu ngón tay bà run rẩy co quắp lại, nàng lại thấy một tia sáng màu xanh loé lên giữa những mảnh thuỷ tinh lấp loá.
– Buông ra, mày định giấu nữa hả. Buông ra, có nghe không?
Ông Hoàng Văn Khả bước đến giẫm mạnh đế giày dài và nhọn lên hai bàn tay vợ. Mỹ Vân hét lên, nàng đã thấy mặt đất vương những vệt máu dài. Nhưng bà Bích Lương vẫn bấu chặt lấy mảnh vải không rơi. Đôi mắt bà như như đã bị mù, nhường chút sáng suốt cuối cùng cho hai bàn tay yếu ớt tiếp tục run rẩy cố thoát ra. Nhưng không thể thoát được, ông Khả đã nắm tóc bà lôi bà dậy.
– Mày còn cố che giấu chuyện mày ngoại tình nữa sao? Hay là… mày còn tiếc những kỷ vật xấu xa này? Buông ra mau, trả lời tao đi. Mày đã viện cớ đi hội thảo để làm cái việc nhơ nhuốc ấy như thế nào? Lại còn trần truồng ra mà vẽ tranh nữa. Thú tội mau đi, đồ giả dối, đồ nhơ nhuốc, đốn mạt…
– Ba ơi!
– Mày không nói được sao! Hay là mày không thèm nói với tao nữa, hả? Tao biết, mày là thứ người ngoan cố nhất thế giới này. Mày không làm được gì tao nên đã bày trò trả thù phải không? để tao xem mày đã hiến tấm thân không đáng một đồng trinh của mày như thế nào cho cái thằng đàn ông khốn nạn đó!
Dùng hết sức, ông lột trần bà ra ngay trước mắt Mỹ Vân. Bà quằn quại, co người cố giấu sự loã lồ của mình, trong lúc ông vẫn không ngừng trút hận: “Mày thù tao, tao biết. Mày coi thường tao, tao biết. Nhưng ai cho mày thuê bọn côn đồ hiếp nó? Ai cho mày ngồi vẽ bức tranh này? Con đĩ! Con đĩ già! Sao mày không chết đi, sao mày không chết đi, hả?…
– Ba ơi, bớt giận ba ơi! – Mỹ Vân cố ôm ông lại, nhưng nàng bị ông đẩy cho đập đầu vào cánh cửa, đau điếng. Mắt nàng đổ hào quang đến tối tăm, và lúc đó, nàng đã nhận thấy có một nửa bức tranh nằm vắt trên bồn tắm – đã bị rách nát (còn nửa kia đang nằm giữa những ngón tay co quắp của bà Bích Lương). Nhưng từ cõi tối tăm và sâu thăm thẳm của đau đớn và ghê sợ, nàng vẫn nhận ra người trong tranh là mẹ chồng nàng. Bà đang ngồi quay lưng về phía biển xanh vô tận, một nửa tấm thân ngọc ngà rạng rỡ như vầng trăng.
– Không, tôi không… – Bà vẫn cố giơ tay lên phân trần điều gì đó. Và Mỹ Vân thấy lại chiếc nhẫn màu ngọc bích bà đã đeo rất lâu rồi.
– Mày chối hả? Mày chối hả? Hậu quả ngày hôm nay đã rành rành thế này mà mày vẫn còn chối hả?
Ông co chân đạp bà ngã lăn xuống đất. “Đây, mày sẽ được hưởng thành quả do thằng đàn ông đó làm ra”. Bà chưa gượng lên được ông lại bồi thêm một cú đá nữa, rồi một cú đá nữa. Tấm thân trần của bà găm đầy những mảnh thuỷ tinh…”.
Mời bạn đón đọc.
Bạn đọc đã làm quen với Trần Thu Hằng – một cây bút nữ luôn sống lặng lẽ, khiêm tốn và hết mình với văn chương qua tiểu thuyết Đàn đáy, một lần nữa chúng ta lại bắt gặp cây bút này qua một tác phẩm mới nhất của chị, một cuốn tiểu thuyết được cho là hay với phong cách lạ, một nét chấm phá riêng của một nhà văn trẻ với tựa đề Người đàn bà lưu vong (NXB Công an Nhân dân)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn