Makiko, 40 tuổi, phụ nữ sau ly hôn, trải qua các công việc như: làm văn phòng ở siêu thị, làm bán thời gian ở nhà máy, nhân viên đánh máy thu ngân, và cuối cùng là một tiếp viên nhà hàng. Một người dễ xấu hổ, ít nói, thiếu tự tin về hình thể, thường xuyên nghĩ đến chuyện phải nâng ngực để "bắt mắt" đàn ông hơn, nhất là trước khi chị đang chuẩn bị phải gặp lại người chồng sau nhiều năm ly hôn. Điều này ít nhiều tạo ra mâu thuẫn giữa chị và Midoriko – đứa con gái đang tuổi dậy thì.
Midoriko, theo những dòng nhật ký, thì nó bực bội vì những chuyển biến sinh lý của tuổi dậy thì. Nó không muốn trở thành một người đàn bà với quá nhiều rắc rối từ kỳ kinh nguyệt đầu tiên tới chuyện ngực nhú lên bất thường, những kiến thức đọc được trong sách vở về cái gọi là thiên chức làm mẹ… Nó cô độc lắng nghe và phản ứng lại những thay đổi đang diễn ra trong chính bản thân mình. Nó không nghĩ rằng có những lúc đàn bà phải trang điểm, chưng diện, can thiệp, xử lý khuyết điểm hình thể đến độ đánh mất cả bản thân để chỉ nhằm thoả mãn hưng phấn tạo ra cho người khác giới. Thậm chí, sau những cuộc đụng độ quan niệm với người mẹ, nó tâm niệm rằng sẽ chẳng bao giờ sinh con (hay làm một người đàn bà đúng nghĩa) khi trở thành người lớn. Nó viết trong nhật ký: "Nghĩ lại thấy thật đáng sợ khi trong cơ thể mình đã hình thành cái gốc gác của việc sinh nở từ trước khi được sinh ra. Từ trước khi được sinh ra ta đã có chức năng sinh sản rồi. Khi mình nghĩ nếu việc này không ở trong sách vở nữa mà giờ lại thực sự xảy ra ở trong bụng mình tức là ở trong cái trước khi được sinh ra lại có cái đã hình thành từ trước khi sinh ra, mình chỉ muốn cào cấu cái gì đó, muốn đấm đá mà thôi".
Những dòng nhật ký ngây thơ của Midoriko là những suy nghĩ vụn vặt và vụng về từ "nguyên lý thụ thai" đến những tò mò về tính dục được đưa vào xen kẽ câu chuyện hành trình từ Osaka lên Tokyo nương náu ở gia đình người thân để mẹ nó dò hỏi các thẩm mỹ viện, thay đổi hình dáng "màn hình phẳng" của mình.
Một câu chuyện hoàn toàn không có gì gay cấn trên bề mặt. Sự gay cấn, xung đột vận động từ từ bên trong cái im lặng và khoảng cách lớn dần giữa hai mẹ con. Sự không khoan nhượng giữa hai đối cực quan niệm cứ gia tăng dần. Nhân vật tôi, người dì đã cho hai mẹ con trú ngụ trong nhà, đứng ở góc độ khách quan nhất, trong vai chủ thể trần thuật nhưng lại giữ một khoảng cách rất xa văn bản, để cho câu chuyện cứ thế diễn tiến cơ hồ không gút thắt.
Gì đến sẽ phải đến. Việc người đàn bà 40 tuổi sau khi gặp người chồng cũ trở về quyết định không đi nâng ngực nữa đã để lại một khoảng trống cho người đọc. Một khoảng trống nữa để người đọc tham gia xử lý cùng tác giả cái văn bản đã dọn sẵn nhưng không dễ thấu đạt tới cùng này, đó là phần "vĩ thanh" cuốn sách có tên Tình yêu hấp hối như lách ra khỏi bối cảnh câu chuyện mâu thuẫn giữa hai mẹ con Midoriko và Makiko. Đó là chuyện xảy ra trong các quầy mỹ phẩm, thời trang của những cô gái trẻ trên phố Shinjuku và chuyện dưới ga tàu điện ngầm Tokyo, những cô gái tấp nập say sưa kiếm tìm các mẫu son phấn, thời trang mới để chưng diện. Ở đó, có một cô gái trẻ nuôi ý nghĩ về chuyện làm sao để quyến rũ người đàn ông xa lạ trong đêm đầu tiên cô được làm đàn bà.
Một chủ đề tưởng chừng rất cổ điển nhưng được xây dựng trong một văn cảnh mới, suy tư mới làm cho trang viết của Mieko đạt đến một sự trực diện mà trong sáng, kín đáo đến lạ. Viết về những sự tế nhị nhưng không gợi cảm giác nhầy nhụa phức tạp, mà tinh tế và hết sức cẩn trọng. Trong ngôn từ phóng túng, vốn đặc trưng của một sản phẩm văn học mạng, có sự chín chắn của một tác giả trẻ không coi văn chương là thứ tung hê phô trương hay lên gân hình thức, mà để khám phá chiều sâu tâm hồn và giúp con người soi tìm bản ngã.
Có lẽ trên nền tảng giá trị đó, mà từ một blogger, Mieko Kawakami, với Ngực và trứng, đã nhận giải Akutagawa dành cho tác giả trẻ năm 2008 và trở thành một hiện tượng xuất bản. Sách của cô được xếp trang trọng bên cạnh các tác phẩm của Haruki Murakami.
Tiểu thuyết này, xa hơn câu chuyện tính dục hay những trải nghiệm thầm kín trong thế giới đàn bà, là cuộc kiếm tìm bản ngã con người.
(Ngực và trứng, Mieko Kawakami, Song Tâm Quyên dịch, Khánh Duy chú giải, Phương Đông & NXB Phụ Nữ, 2011, 134 trang, 30.000 đồng)
NGUYỄN VĨNH NGUYÊN (CHỌN)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn