Là con trai của bác sĩ Đặng Văn Ngữ, nhưng không đi theo nghề của cha mà ông lại chọn nghệ thuật thứ bảy. Bạn đọc yêu văn chương hết sức bất ngờ với tập truyện ngắn Ngôi nhà xưa (NXB Trẻ) của ông vừa ấn hành.
Với văn chương, ông tâm sự: "Khi viết văn, tôi muốn mang đến cho người đọc cảm thụ thông qua ngôn ngữ. Còn khi làm phim là thông qua hình ảnh và âm thanh. Dù văn hay phim của tôi đều nhất quán ở giọng điệu và cái hồn của chúng đều là một, đó là con người tôi. Người ta nói văn là người, tôi xin nói thêm: phim cũng là người. Tôi không lẫn lộn hai việc viết văn và làm phim.
Trong các tác phẩm của tôi, có những tác phẩm thoạt đầu viết ra không phải để làm phim, bản thân chúng là truyện ngắn hay truyện vừa, rồi sau này có dịp mới chuyển thể thành phim, ví dụ như Thị xã trong tầm tay viết năm 1980. Tôi viết sau khi đi thực tế ở Lạng Sơn, viết xong gửi đăng báo Văn nghệ.
Làm phim mất nhiều thời gian lắm, từ khi có ý tưởng đến khi làm được phim phải mất 2 hay 3 năm. Còn viết thành truyện có cái lợi là sớm đến được với độc giả, có khi chỉ một tháng. Đối với tôi viết văn phải có nhiều chi tiết, tôi rất quan tâm đến chi tiết. Phim cũng thế. Điều tác giả muốn nói, phải nói bằng những chi tiết, nói bằng tính cách của nhân vật, những chuyển động bên trong và những biểu hiện bên ngoài của nhân vật".
Tác phẩm Ngôi nhà xưa ra mắt bạn đọc cũng nằm trong mạch suy nghĩ đó.
Những câu chuyện của Đặng Nhật Minh hấp dẫn bạn đọc ở chỗ ông đan xen tâm lý, tính cách nhân vật từ những trái nghịch nhau. Có thể đó là sự ích kỷ cá nhân với lòng thiện hướng về cộng đồng; hoặc những gút mắc giữa trách nhiệm hiện tại với quá khứ. Dù lãnh vực nào ngòi bút của ông cũng thâm trầm và có nhiều chi tiết khiến bạn đọc khó quên. Âu cũng là thế mạnh nhà văn khi viết bằng con mắt quan sát đến từng chi tiết của nhà đạo diễn.
Những truyện ngắn Cô gái trên sông; Bao giờ cho đến tháng Mười… có lẽ nhiều người đã xem phim, nhưng qua tài năng và trang viết của ông thì chất văn chương vẫn thấm đượm. Các truyện ngắn khác như Ngôi nhà xưa, Gặp gỡ ở cửa rừng, Thị xã trong tầm tay, Trở về, Nước mắt khô… là những cái nhìn về thế giới đương đại với nhiều suy tư, trăn trở mà giàu chất trữ tình.
Trường hợp của đạo diễn Đặng Nhật Minh cho ta thấy, có những người tài hoa dù sử dụng "tay trái", không phải lãnh vực thuộc sở trường nhưng họ vẫn có thể cho ra đời tác phẩm hấp dẫn bạn đọc.
L.N
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn