Giới thiệu sách Ngàn Cánh Sen Xanh Biếc
Tôi người thầy thuốc, một bác sĩ y khoa, vốn có cái học “khoa học thực nghiệm”, tò mò mà không dễ tin. Cũng vì cái “nghiệp” của mình mà lang thang trong rừng kinh sách của bậc Y vương tìm thuốc cứu mình, cứu người. Hơn mười lăm năm trước, do một “cơ duyên” khá đặc biệt, tôi đến với Tâm Kinh Bát Nhã, trả lời được cho mình câu hỏi “Tại sao ?”, rồi đánh bạo viết ra Nghĩ từ trái tim để chia sẻ cùng bạn bè trang lứa, đồng bệnh tương lân ;sau đó, không biết thúc đẩy thế nào mà lại lò mò tìm đến với Kim Cang để có được trả lời cho câu hỏi “Cách nào?”, rồi cũng đánh bạo mà viết Gươm báu trao tay ; và rồi, không dừng ở đó, mấy năm nay tự dưng lại say mê nghiền ngẫm Pháp Hoa và thấy hiện ra câu trả lời cho một câu hỏi bấy nay canh cánh bên lòng: “Cái gì?”. Giờ đây hình như tôi đã có chút ít hiểu biết tại sao người xưa luôn mong « Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa ‘…
Pháp Hoa với tôi như một bài thơ vĩ đại, một đà-la-ni khổng lồ, hàm chứa nhiều ẩn nghĩa sâu sắc, giấu nhẹm trong đó một bí tạng, một « bí kíp » của Như Lai. Pháp Hoa như tiếng nói ú ớ của người nói không được, về một điều « bất khả thuyết » đành phải dùng những ẩn dụ, những ngụ ngôn… nhiều khi huyền hoặc, xa mờ để che lấp nên phải chịu khó lật từng lớp « hoa lá cành” mù mịt kia, từng lớp vỏ trong vỏ ngoài nọ mới mong tìm thấy được cái « lõi cây » bên trong. Pháp Hoa vừa đòi hỏi phải suy tìm cho ra “ẩn nghĩa”, rồi phải miên mật « thực hành » mới thấy đây là diệu pháp, kia là liên hoa…
Nghiền ngẫm thực hành Pháp Hoa, thấy… thương Phật quá! Với lòng Từ bi vô hạn, luôn bằng mọi cách giúp giải thoát cho chúng sanh nên Phật muôn đời vẫn luôn là « Bổn sư Thích Ca Mâu Ni» đó vậy. Chưa lúc nào Phật gần gũi, dễ thương như ở Pháp Hoa. Có lúc hình như cũng lúng túng, cũng do dự, có lúc phải lặp đi lặp lại đôi ba lần rằng hãy tin lời Phật, trước sau như một, buổi đầu buổi giữa buổi cuối đều nhất quán, chỉ vì “phương tiện“ mà làm cho đôi lúc người ta hiểu lầm nhau thôi! Nước sông khác nước giếng, nhưng nước vẫn là nước. Cây to cây nhỏ khác nhau nhưng mưa rào, nắng sớm không phân biệt.
Rõ ràng Phật phải từng bước dẫn dắt chúng sanh. Phải dựa trên người học mà dạy. Phải sử dụng phương pháp giáo dục chủ động tạo tham gia… Ở Pháp Hoa, thấy Phật lo lắm. Lo thời mạt pháp, lo cõi Ta-bà đầy ác trược, lo khi Phật nhập Niết bàn – dù chỉ là thị hiện – nếu chúng đệ tử cứ ngồi mãi dưới gốc cây, hay « thõng tay vào chợ » mà quên đường về, hoặc say sưa hý luận… thì rồi ai sẽ truyền trao ngọn lửa thiêng này cho muôn đời sau. Cho nên Pháp Hoa tha thiết đào tạo một thế hệ « Pháp sư » – những sứ giả của Như Lai, những người có thể « vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai” để dấn bước vào đời truyền bá Pháp Hoa. Nên khi các đệ tử thề nguyền: ” Cúi xin đức Thế tôn chớ để lòng lo lắng…” ba lần thì Phật mới… an tâm !
Kinh này thẳm sâu thẳm sâu. Nghe một pháp mà tổng trì được hết thảy các pháp. Giúp phát Bồ đề tâm, mau thành đạo vô thượng bồ đề, thông đạt trăm ngàn muôn ức nghĩa, như một hạt giống sinh trăm ngàn hạt giống, vô lượng vô biên…
Pháp như ngàn cánh sen xanh biếc, vươn lên từ chốn bùn lầy mà vẫn tinh khiết thơm tho, Diệu vì giúp nhanh chóng thấy ra chân lý, thấy ra thực tướng vô tướng để không còn chấp bám khổ đau, thấy được Như Lai Đa Bảo vẫn tủm tỉm cười cười chờ đợi.
Sinh tử đại sự hóa ra… bất sanh bất diệt, chỉ quẩn quanh theo nhịp điệu của sóng, của hạt, của có của không, của chân không diệu hữu, của diệu hữu chân không, để rồi rốt ráo thấy « bổn lai vô nhất vật » !
Ngàn cánh sen xanh biếc là những cảm nhận chủ quan từ góc nhìn của một người thầy thuốc…
Chỉ mong được sẻ chia…giữa chốn thân quen
Mời bạn đón đọc.