- Vào trang riêng của tác giả
- Xem tất cả các sách của tác giả
Từ mười bảy đến hai mươi mốt tuổi, tôi viết nhiều: Những câu chuyện- những giấc mơ kéo dài, đến độ, tôi không phân biệt được khi nào là tỉnh, khi nào là mộng? Tập truyện này được viết trong quãng giữa tháng năm ngủ nhiều, mơ nhiều, ôm trong mình nỗi mơ mộng và cô đơn.Và nhiếu mất mát…
…nhân vật của Yến Linh dù có lý lịch bản thân khác nhau thế nào, đang sống cuộc sống khác nhau ra sao, điều ấy hình như không quan trọng. Cái quan trọng chính là tâm trạng của họ. Nói cách khác, "nhân vật" chung nhất của Yến Linh chính là tâm trạng của một "nhóm" người, nhóm nhân vật mà cô quen thuộc: lớp trẻ. Một tâm trạng nhàm chán và "khó ở" vì cảm thấy không thể thay đổi được nhiều thứ.
Vẻ ngoài các nhân vật thường được tác giả phác vẽ khá sơ sài, có tính tượng trưng, không sắc nét. Cái quyết định là phần bên trong của những con người đó. Câu chuyện của họ cũng không quá xốn xang, gây cảm giác mạnh. Nó chỉ như một cung trầm, lẳng lặng ngân lên, và bằng lòng với những hiệu ứng phù hợp.
Yến Linh còn khá trẻ. Có lẽ rồi sự trải nghiệm cuộc sống sẽ giúp cô phong phú hơn nữa trong cách dựng nhân vật, cách khai thác những câu chuyện cá nhân – được hiểu là một thành tố để tạo nên cộng đồng- bên cạnh văn phong điềm tĩnh mà cô đang sở đắc. (Nhà Văn Ngô Thị Kim Cúc)
Mời bạn đón đọc.
Chân dung tự họa của giới trẻ
PN – Trong năm tập truyện ngắn của các nhà văn thuộc thế hệ 8X vừa được NXB Văn hóa – văn nghệ phát hành, tập Một phẩy sáu nhân hai của Yến Linh, dẫu tựa nghe khá lạ nhưng lại mang rất nhiều suy nghĩ, sự trải nghiệm của những người trẻ ngày nay.
Tập sách gồm 11 câu chuyện về tình yêu, gia đình, xã hội của lớp trẻ sống ở đô thị. Không chỉ có văn phong điềm tĩnh vốn là thế mạnh của Yến Linh, ở tác phẩm này, bạn đọc còn cảm nhận sự chỉn chu trong lối hành văn, trong sự vận dụng từ ngữ khá đặc sắc và ấn tượng. Tựa sách Một phẩy sáu nhân hai cũng là tên một truyện ngắn trong số ấy. Người đọc sẽ thú vị khi khám phá cái tựa ấn tượng này chẳng qua là chiều dài và chiều rộng của cái giường ngủ đôi (1,6m x 2m) dành cho hai người(!). Qua chiếc giường đôi ấy, tác giả mang đến một thông điệp của cuộc sống: "cái giường, bạn ơi, là tất cả cuộc đời ta. Chính ở đấy người ta sinh ra, chính ở đấy người ta yêu đương. Chính ở đấy, người ta chết".
Không hời hợt, không vô cảm, không ngại khó giống như những gì nhiều người vẫn hay nhận xét về lớp trẻ hiện nay, những người trẻ ở Một phẩy sáu nhân hai là những con người có đời sống nội tâm sâu sắc, thích thử thách và đầy tính quyết đoán. Thế giới nội tâm và những bi kịch, những nỗi niềm của người trẻ cũng được Yến Linh gửi gắm rất thật và tinh tế ở nhiều góc độ khác nhau trong mỗi câu chuyện ngắn của mình. Nhà văn Ngô Thị Kim Cúc – trong lời bạt cho quyển sách cũng đã dành lời khen tặng về cách xây dựng nhân vật của tác giả: "Nhân vật của Yến Linh dù có lý lịch bản thân khác nhau thế nào, đang sống cuộc sống khác nhau ra sao, điều ấy hình như không quan trọng. Nói cách khác, "nhân vật" chung nhất của Yến Linh chính là tâm trạng của một "nhóm người", nhóm nhân vật mà cô quen thuộc: lớp trẻ".
Với tác phẩm mới nhất Một phẩy sáu nhân hai, cô gái sinh năm 1989 quê ở Quảng Ngãi vẫn còn đang học năm cuối ngành Văn học trường ĐH KHXH-NV đã góp cho mình một bộ sưu tầm khá dày sau các tác phẩm đã xuất bản như: Dù thế nào Adam cũng sinh trước Eva (2006), Mọi người đều đặc biệt (2007), Tôi vẫn chỉ là con nít, Ngày thôi không chờ đợi (2008), Nụ cười hồn nhiên (2010).
Hoài An
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn