Giới thiệu sách Một Người Hà Nội
Với vị thế là trung tâm văn hóa của đất nước, Hà Nội đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử thăng trầm diễn ra ở đây, từ những cuộc thay đổi vương triều đến những giờ phút chiến thắng vĩ đại chống giặc ngoại xâm. Quá trình đó, giúp người Hà Nội mở rộng được nhiều nhãn quan chính trị, trân trọng truyền thống, nhưng cũng nhạy cảm với cái mới, cái tiến bộ. Cô Hiền trong “Một người Hà Nội”, hay ‘bà cô tôi’ trong “Nếp nhà”, bà Mặm trong “Người của ngày xưa”, bà Mão trong “Mẹ và các con”… đều được xây dựng lên như một tinh thần, một linh hồn của Hà Nội.
Xuyên suốt toàn bộ tập truyện các nhân vật được tác giả thể hiện luôn làm chủ được cuộc sống của mình trước thời cuộc. Đó chính là cuộc sống của những người không xu thời, không chịu sống luồn cúi, xu nịnh để bảo vệ khí tiết của người kinh kỳ. Họ biết thích ứng nhanh để hòa nhập nhưng không chịu để mất những niềm tin riêng, cái cốt cách riêng của mình. Tất cả những điều đó đã làm nên đời sống tinh thần của người dân Hà Nội.
Và không phải ngẫu nhiên tác giả lại tập trung ca ngợi những con người, những nhân cách sống mà qua đó ông muốn giúp chúng ta khám phá phá bản sắc văn hóa Hà Nội, mà người Hà Nội chính là trung tâm – là sản phẩm đặc biệt của không gian văn hóa Hà Nội. Họ sẽ mãi là “những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió bay lên cho đất kinh kỳ chói sáng những ánh vàng”.
Mời bạn đón đọc.