- Vào trang riêng của tác giả
- Xem tất cả các sách của tác giả
Thái Mỹ Phương (minh họa)
- Vào trang riêng của tác giả
- Xem tất cả các sách của tác giả
“Ngày nảy ngày nay, có một ông bố như bao ông bố khác…
Hằng ngày đi xe máy, hình như là một chiếc honda dream cà tàng, theo một tuyến đường nhất định, và vượt qua:
– nhiều đèn xanh đỏ
– nhiều chú công an giao thông
– đôi cây xăng cứ liên tục tăng giá
– nhiều đám tắc đường
– vô số vỉa hè
– và biết bao khói bụi không rõ nồng độ có vượt mức cho phép hay không…
để đưa con đến trường.
Đây là câu chuyện về ông bố bình thường ấy, dù có nhiều cảnh tượng khác biệt, nhưng hầu như vẫn là một ngày dài dằng dặc…”
Một ngày của Bố bắt đầu như thế. Phải rồi, một ngày của những kẻ làm cha làm mẹ sẽ luôn bắt đầu bằng cái công việc tưởng chừng nho nhỏ nhưng luôn cần sự nhẫn nại vô hạn ấy. Mỗi buổi sáng trên khắp mọi nẻo đường, mọi con phố, đoàn quân những bố những mẹ, chở xe máy đưa con tới trường. Sau yên xe, những đứa trẻ, vai đeo cặp xách to cộ, xòe tay bám eo người lớn, và cái xe cứ thế lao đi, luồn lách trên những con đường ngập ngụa người và khói xe.
Đưa con đến nơi tới chốn rồi, sau đó bố mẹ mới làm tới việc của mình: đi ăn một bát phở, một tô miến, một bát cháo, rồi sau thì đến cơ quan, cống hiến hoặc phung phí tám giờ hoặc vàng ngọc hoặc cám bã của ngày.
Trong bề bộn khói bụi và nỗi mệt nhọc nơi những cơn tắc đường, kẹt xe, người bố và người mẹ của thời hiện tại vẫn tận tụy sớm hôm đưa đón lũ trẻ tới lớp, về nhà, đi học thêm. Dẫu trời mưa cũng như trời nắng, đông cũng như hè, đường tắc cũng như thông, đi thảnh thơi hay phải phóng lên hè…
Bọn trẻ vẫn phải được đưa đến trường! Bởi chúng là tương lai, là cái neo của số phận. Và do đó, mẹ hoặc bố vẫn sẵn sàng lên đường! Trong Hạnh phúc và Trách nhiệm! Một nghìn lần!
Trong câu chuyện này, dù nhân vật là người Bố, nhưng có Bố nào mà thiếu được Mẹ! Vì thế, Bố cũng là Mẹ nữa! Vả lại, trong mắt của đứa con, ngày của bố cũng là ngày của mẹ!
Đây là một câu chuyện giản dị, nhưng nó xứng đáng được kể ra, bằng cách này hay cách khác.
Một câu chuyện hàm chứa nhiều tầng ẩn dụ, như mọi câu chuyện ngụ ngôn mà cha mẹ thường kể cho các con nghe. Mỗi người sẽ tìm thấy ở đây những tầng ý nghĩa riêng. Người tất tả kiếm đồng tiền vun vén cho gia đình thấy nỗi nhọc nhằn cay cay đọng nơi khóe mắt. Người khổ đau vì giao thông Việt Nam đương đại thấy tiếng thở dài khe khẽ. Người phụ nữ đã có gia đình thoáng giật thột thấy hình bóng người chồng mình hay bỏ quên. Người con gái còn son rỗi thấy một chút hiện thực.
Nhưng có một điều ăm ắp nhất mà ai cũng thấy, cũng cảm nhận được: Tình Yêu Thương giữa những thành viên trong gia đình. Nó càng đặc biệt khi được kể từ góc độ của một thành viên xưa nay thường khá kiệm lời và ít thể hiện tình cảm hơn: Người Cha.
Bao năm qua, ở Việt Nam, thể loại picture book (sách tranh truyện) hầu như vẫn ở giai đoạn sơ khai, không có bước tiến nào đáng kể, ngoại trừ một vài bộ sách tranh cổ tích do một hai đơn vị xuất bản đầu tư. Trong khi đó, sách tranh là một thể loại sách quan trọng ở hầu hết các nền xuất bản khác, ở Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, thậm chí cả Thái Lan… Trong điều kiện ấy, Một ngày của bố có thể coi như một nỗ lực đáng trân trọng và ghi nhận của ê-kíp làm sách. Thoát ra khỏi những khuôn mẫu sáo rỗng bó hẹp về đề tài, cuốn sách đã đạt tới một trình độ cao về chất lượng tranh truyện, kể một câu chuyện hiện đại, thấm đẫm tính thời sự, mà vẫn giàu suy tưởng và hàm chứa nụ cười hài hước. Phần minh họa của họa sĩ Thái Mỹ Phương, được đầu tư hơn một năm trời để làm phác thảo và vẽ… cũng đã vượt ra khỏi vẻ “thật thà” thường thấy trong sách tranh truyện, gợi nhiều liên tưởng hơn, kích thích trí tưởng tượng bay xa hơn.
Mời bạn đón đọc.
Ra mắt sách và triển lãm “Một ngày của bố”
(HNMO) – Ngày 6-8 tới, công ty văn hoá và truyền thông Nhã Nam tổ chức triển lãm, giới thiệu cuốn sách "Một ngày của bố" với sự tham gia của nhà giáo Văn Như Cương, tác giả của cuốn sách – Thụ Nho.
"Một ngày của bố" do tác giả Thụ Nho viết với những câu chuyện hết sức bình thường mà bất cứ gia đình nào cũng phải trải qua. Đó là câu chuyện của những ông bố, bà mẹ hàng ngày đèo con đến lớp, vượt qua những đoạn đường nhất định và làm những công việc đã được lập trình sẵn.
Những mẩu truyện ấy được viết bằng văn phong vui vui, hài hước dưới con mắt của một người bố nhưng lại mang thông điệp thể hiện tình cảm, hi sinh của những bậc cha mẹ dành cho con cái. Có lẽ vì thế, "Một ngày của bố" được NXB Phụ nữ, công ty văn hoá và truyền thông Nhã Nam cùng Trung tâm văn hoá Pháp tổ chức một buổi giới thiệu sách và triễn lãm khá đặc biệt nhân dịp cuốn sách ra mắt.
Cuốn sách "Một ngày của bố" không được thực hiện dưới dạng sách tranh, một nỗ lực rất lớn của của ê-kíp làm sách. Thoát ra khỏi những khuôn mẫu sáo rỗng bó hẹp về đề tài, cuốn sách kể một câu chuyện hiện đại, thấm đẫm tính thời sự, mà vẫn giàu suy tưởng và hàm chứa nụ cười hài hước. Phần minh họa của họa sĩ Thái Mỹ Phương, được đầu tư hơn một năm để làm phác thảo và vẽ… cũng đã vượt ra khỏi vẻ "thật thà" thường thấy trong sách tranh truyện, mà gợi nhiều liên tưởng hơn, kích thích trí tưởng tượng bay xa hơn.
Cuốn sách sẽ ra được giới thiệu tới bạn đọc vào 18h ngày 6-8-2013 tại Trung tâm Văn hoá Pháp l'Espace 24 Tràng Tiền, Hà Nội. Khách mời của chương trình gồm: Nhà giáo Văn Như Cương; nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên; tác giả Thụ Nho; hoạ sĩ Thái Mỹ Phương và MC Thanh Tùng.
(Báo hanoimoi.com.vn giới thiệu ngày 5/8/2013)
Hoàng Lân
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
Một ngày của Bố
(GĐVN) Một ngày của bố là một ấn phẩm độc đáo, nhiều tầng ý nghĩa về gia đình, về thành phố mà mỗi thành viên trong gia đình đều có thể đọc và có những suy cảm riêng.
"Ngày nảy ngày nay, có một ông bố như bao ông bố khác… Hằng ngày đi xe máy, hình như là một chiếc honda dream cà tàng, theo một tuyến đường nhất định, và vượt qua: nhiều đèn xanh đỏ, nhiều chú công an giao thông, vô số vỉa hè và biết bao khói bụi để đưa con đến trường.
Đây là câu chuyện về ông bố bình thường ấy, dù có nhiều cảnh tượng khác biệt, nhưng hầu như vẫn là một ngày dài dằng dặc…"
Một ngày của bố bắt đầu như thế. Một ngày của những người làm cha làm mẹ sẽ luôn bắt đầu bằng cái công việc tưởng chừng nho nhỏ nhưng luôn cần sự nhẫn nại vô hạn ấy. Mỗi buổi sáng trên khắp mọi nẻo đường, mọi con phố, đoàn quân những bố những mẹ, chở xe máy đưa con tới trường. Sau yên xe, những đứa trẻ, vai đeo cặp xách to cộ, xòe tay bám eo người lớn, và cái xe cứ thế lao đi, luồn lách trên những con đường ngập ngụa người và khói xe.
Đưa con đến nơi tới chốn rồi, sau đó bố mẹ mới làm tới việc của mình: đi ăn một bát phở, một tô miến, một bát cháo, rồi sau thì đến cơ quan, cống hiến hoặc phung phí tám giờ hoặc vàng ngọc hoặc cám bã của ngày.Trong bề bộn khói bụi và nỗi mệt nhọc nơi những cơn tắc đường, kẹt xe, người bố và người mẹ của thời hiện tại vẫn tận tụy sớm hôm đưa đón lũ trẻ tới lớp, về nhà, đi học thêm. Dẫu trời mưa cũng như trời nắng, đông cũng như hè, đường tắc cũng như thông, đi thảnh thơi hay phải phóng lên hè…
Trong câu chuyện này, dù nhân vật là người Bố, nhưng có Bố nào mà thiếu được Mẹ! Vì thế, Bố cũng là Mẹ nữa! Vả lại, trong mắt của đứa con, ngày của bố cũng là ngày của mẹ!
Nhưng có một điều ăm ắp nhất mà ai cũng thấy, cũng cảm nhận được: Tình yêu thương giữa những thành viên trong gia đình. Nó càng đặc biệt khi được kể từ góc độ của một thành viên xưa nay thường khá kiệm lời và ít thể hiện tình cảm hơn: Người Cha.
Bao năm qua, ở Việt Nam, thể loại picture book (sách tranh truyện) hầu như vẫn ở giai đoạn sơ khai, không có bước tiến nào đáng kể, ngoại trừ một vài bộ sách tranh cổ tích do một hai đơn vị xuất bản đầu tư. Trong khi đó, sách tranh là một thể loại sách quan trọng ở hầu hết các nền xuất bản khác, ở Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, thậm chí cả Thái Lan… Trong điều kiện ấy, Một ngày của bố có thể coi như một nỗ lực đáng trân trọng và ghi nhận của ê-kíp làm sách. Thoát ra khỏi những khuôn mẫu sáo rỗng bó hẹp về đề tài, cuốn sách đã đạt tới một trình độ cao về chất lượng tranh truyện, kể một câu chuyện hiện đại, thấm đẫm tính thời sự, mà vẫn giàu suy tưởng và hàm chứa nụ cười hài hước.
Phần minh họa của họa sĩ Thái Mỹ Phương, được đầu tư hơn một năm trời để làm phác thảo và vẽ…. cũng đã vượt ra khỏi vẻ "thật thà" thường thấy trong sách tranh truyện, gợi nhiều liên tưởng hơn, kích thích trí tưởng tượng bay xa hơn.
(Báo baomoi.com giới thiệu ngày 7/8/2013)
An Khê
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
‘Một ngày của Bố’ – cuốn sách ảnh đọc là yêu của Thụ Nho và Tamypu
Tối ngày 6/8/2013, tại L'Espace (Hà Nội) đã diễn ra buổi ra mắt sách "Một ngày của Bố" – một tác phẩm sách ảnh đầy ấn tượng của tác giả Thụ Nho (Nguyễn Nhật Anh) và họa sĩ trẻ Tamypu do nhà xuất bản Nhã Nam phát hành.
Với các độc giả của Hoa Học Trò – Trà Sữa Cho Tâm Hồn, hẳn bạn không còn lạ lẫm gì với cô bạn Thái Mỹ Phương (Tamypu) – họa sĩ minh họa cho các ấn phẩm của nhà số 5 Hòa Mã phải không?
Tối 6/8/2013 vừa qua, cô bạn Thái Mỹ Phương cùng tác giả Thụ Nho (Nguyễn Nhật Anh) vừa cho ra mắt một tác phẩm sách ảnh rất thú vị mang tên “Một ngày của Bố”. Mặc dù dịch giả Thụ Nho sống và làm việc tại Hà Nội, còn cô bạn Tamypu hiện đang ở TP.HCM nhưng khoảng cách về địa lý không ngăn cản được sự sáng tạo của họ.
”Một ngày của Bố” với 66 trang là những bức tranh minh họa sinh động cảnh đời thường của một ông Bố trong mắt một bé con đầy hồn nhiên, trong sáng. Tác phẩm được Tamypu vẽ minh họa trong hơn một năm và được tác giả Thụ Nho viết lời thơ hóm hỉnh nhưng cũng đầy sâu sắc.
Trong buổi họp báo ra mắt sách ảnh, tác giả Thụ Nho và họa sĩ trẻ Tamypu cho biết câu chuyện kể bằng tranh tuy không hoàn toàn là câu chuyện riêng của mỗi người, nhưng từ hiện thực đời sống, các tác giả đã chắt lọc qua lăng kính riêng của mình để đem tới độc giả những vần thơ, những bức tranh chạm tới lòng người. Chính vì thế mà các khách mời, độc giả có cơ hội thưởng thức “Một ngày của Bố” trong ngày đầu ra mắt đã phải bất ngờ khi tìm thấy một phần kí ức, tâm sự của mình qua những bức tranh.
Tamypu chia sẻ: “Khi thực hiện cuốn sách ảnh “Một ngày của bố”, mình gặp không ít áp lực vì trước giờ chỉ hay vẽ cho teen, lại không phải là một người bố nên gặp nhiều khó khăn. Sau đó thì mình nghĩ nên chú trọng vào việc vẽ cái gì hơn là vẽ như thế nào. Cũng có những khoảng thời gian, mình bị chững lại, cảm thấy bức vẽ của mình chưa tới, thiếu đề tài. Khi không biết tạo hình người bố như thế nào, mình có nhìn vào bố mình, nhưng sau đó bỏ cuộc luôn. Người Bố trong tác phẩm là mình lấy tạo hình từ ông nội, một người khá là tưng tửng.”
Tác giả Thụ Nho tâm sự: “Tôi thích bức hình cả gia đình sống trên gác xép. Tuy đó là một gia đình nghèo nhưng họ lại giàu tình cảm và có sự tròn trịa trong bức vẽ”. Đây cũng là bức vẽ được Giáo sư Văn Như Cương đánh giá cao trong cuốn “Một ngày của bố”.
Còn nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên – một khách mời trong chương trình lại bày tỏ sự hào hứng với tác phẩm gia đình ba thế hệ gắp thức ăn cho nhau.
Là một tác phẩm được đánh giá cao về nội dung và hình thức, “Một ngày của Bố” không chỉ thu hút người đọc qua nét vẽ đẹp, sáng tạo, những vần thơ dí dỏm mà tác phẩm này còn là câu chuyện hàm chứa nhiều ẩn dụ thú vị, mà chỉ “đọc” thôi không đủ, bạn còn cần phải “xem”, quan sát và suy ngẫm để hiểu hết được cái hay, cái sâu sắc ẩn sâu bên trong.
(Báo hoahoctro.vn giới thiệu ngày 7/8/2013)
Thùy Dương
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
‘Một ngày của bố’ – cuốn sách tranh giản dị
Tác phẩm nhỏ xinh với phong cách kể chuyện nhí nhảnh giống như một 'gia vị đặc biệt' được nêm thêm vào bể sách mênh mông.
Ngày 6/8, Nhà xuất bản Phụ nữ cùng công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức ra mắt sách tranh "Một ngày của bố" của hai tác giả Thụ Nho và Thái Mỹ Phương. Bên cạnh đó, một triển lãm cùng tên trưng bày những bức tranh trong cuốn truyện được in khổ lớn tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội diễn ra từ 5/8 đến hết ngày 31/8.
Giống như một câu chuyện cổ tích có thật thời hiện đại, ông bố hai con Thụ Nho bắt đầu kể: "Ngày nảy ngày nay, có một ông bố như bao ông bố khác… hàng ngày đi xe máy, hình như là một chiếc Honda Dream…", còn cô họa sĩ trẻ chưa chồng Thái Mỹ Phương thì mở đầu tác phẩm bằng bức tranh vẽ một ông bố tất bật sau giờ tăng ca lao đi đón con tan học.
Rồi cứ như một guồng quay, hết trang này đến trang khác dần hiện ra một ngày của một ông bố thời nay, xoay quanh chuyện vợ con, tắc đường, chờ con tan học, xem phim chưởng, đi công viên, uống bia, chém gió… Tất cả được vẽ bằng những hình ảnh ngộ nghĩnh, được viết bằng những vần thơ nhí nhảnh, dí dỏm khiến một người lớn tuổi như nhà giáo Văn Như Cương cũng phải thốt lên: "Thật thú vị khi đọc cuốn sách tranh Một ngày của bố".
Không đi đến một chân lý đậm sâu, đao to búa lớn nào, gấp cuốn sách lại người đọc sẽ chỉ thấy sự nhẹ nhàng, phấn chấn. Nếu có thời gian, mỗi chúng ta đều có thể lật chậm từng trang, đọc từng vần thơ dí dỏm, trúc trắc rồi nhìn kỹ từng hình ảnh. Nếu bận rộn cũng kịp giở lướt qua mà bật cười với những cảnh thật chân thật, giản đơn mà đầy ắp hạnh phúc:
"Tối em làm tính đố
Chị mần tập làm văn
Mẹ ngồi cạo lông chân
Bố nằm xem chưởng bộ"
Vẫn có những ý kiến cho rằng những dòng chữ trong cuốn sách dường như chưa phải là thơ vì nó trúc trắc, không vần điệu. Có ý kiến chê nội dung nhàn nhạt, thiếu điểm nhấn. Nhưng bất cứ ai cũng sẽ thấy: "Đọc muốn bật cười. Bố khổ mà sướng. Con sướng mà khổ. Sướng khổ ngậm ngùi bố con cùng vui", như nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên chia sẻ.
Cuốn sách nhỏ nhắn, giản dị "Một ngày của bố" ra mắt còn mang theo những kỳ vọng vào một thể loại sách mới mẻ ở Việt Nam – sách tranh – sẽ ngày càng phát triển và được độc giả Việt quan tâm, đón nhận.
(Báo vnexpress.net giới thiệu ngày 7/8/2013)
Hiền Đỗ
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
Ông bố Hà Nội kể khổ chuyện tắc đường
(Thethaovanhoa.vn) – Nếu nói vậy về cuốn sách tranh châm biếm của hai tác giả Thụ Nho – Thái Mỹ Phương: Một ngày của bố có thể chỉ đúng một nửa. Bởi tâm tư người bố làm "xe ôm" cho con vượt tắc đường mỗi ngày ở đô thị, rõ ràng không chỉ xoay quanh chuyện giao thông.
Buổi ra mắt cuốn sách Một ngày của bố và triển lãm tranh cùng tên (gồm các bức tranh của họa sĩ Thái Mỹ Phương vẽ trong sách) vừa diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội.
Ngoài hai tác giả, chương trình còn có các khách mời: GS Văn Như Cương, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, GS Ngô Bảo Châu cũng đưa 3 con gái đến dự.
1. Một ngày của bố, đúng như cái tên, kể về cuộc sống đời thường của một ông bố Hà Nội, hay rộng hơn là một ông bố sống ở đô thị. Điều kỳ lạ là "một ngày" chỉ thực sự bắt đầu vào cuối ngày, khi ông bố rời công sở và cuống cuồng đi đón cậu con trai đang đợi ở cổng trường.
Câu chuyện được kể bằng lời thơ, hoặc vần vè, rất dí dỏm của tác giả Thụ Nho, kết hợp với phần tranh minh họa bắt mắt và rất đời thường của Thái Mỹ Phương.
Tâm tư của người bố được bộc lộ chỉ trong hành trình đưa con về đến nhà: phiền toái, bực dọc và lo toan vì tắc đường, đến nỗi phải hỏi "Nhà có không về nổi/ Thời này là thời gì?". Nhưng chính sự châm biếm hóm hỉnh của cuốn sách đã khiến chuyện tắc đường nhẹ nhõm hơn, và tình cảm của người bố thì sâu sắc hơn.
Cũng giống như Sát thủ đầu mưng mủ (tác giả Thành Phong), một cuốn sách tranh trước đây cũng của Nhã Nam xuất bản, Một ngày của bố sử dụng nhiều "thành ngữ sành điệu" vần vè phổ biến hiện nay, chẳng hạn "Hà Nội không vội được đâu" hay bức tranh lấy cảm hứng từ câu "Hy sinh đời bố, củng cố đời con".
Cuốn sách hơi tưng tửng này cũng có những lúc thật lắng đọng, chẳng hạn đoạn "Bóng con ở cổng trường/ Trông sao mà đơn độc/ Bố như bị cái gì/ Đột nhiên bay vào mắt…" với hình ảnh cậu bé đợi bố một mình khi các bạn đã về hết. Không chỉ các ông bố, mà các bà mẹ, các cô bé cậu bé, nói chung là mọi thành viên trong gia đình, đều có thể tìm niềm đồng cảm trong cuốn sách này.
2. Sách tranh là một dạng sách rất dễ "tiêu hóa" cả với trẻ em và người lớn, nhưng lâu nay sách tranh ở Việt Nam chủ yếu là sách dịch và có bối cảnh không gần gũi với Việt Nam.
Còn ở Một ngày của bố, bên cạnh cảnh sinh hoạt gia đình, hai tác giả đã cập nhật những chuyện thời sự như: văn hóa giao thông, môi trường công sở, chuyện giáo dục, cảnh thức thâu đêm và xô đổ cổng trường để nộp đơn nhập học cho con (gợi liên tưởng đến sự kiện trường Thực nghiệm), báo lá cải chuyên đăng tin sự cố lộ hàng…
"Trẻ con có đôi mắt để nhìn, đôi tai để nghe, đôi tay để vẽ… Thế nên ngoài kiến thức học ở trường, tôi nghĩ chúng ta không nên bỏ phí các môn thủ công, mỹ thuật và âm nhạc trong trường học" – dí dỏm khi viết sách nhưng tác giả Thụ Nho lại nghiêm túc khi phát biểu.
Cuốn Một ngày của bố in trên giấy cứng có màu. Hai tác giả đều là những cái tên quen thuộc. Thụ Nho (tức Nguyễn Nhật Anh) chính là soạn giả cuốn tuyển tập thơ Bùi Giáng – Đười ươi chân kinh – với bút danh Thiên Hải Đoạn Trường Nhân. Còn nữ họa sĩ Thái Mỹ Phương từng vẽ minh họa cho "tiểu thuyết toán hiệp" Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình của GS Ngô Bảo Châu và blogger Nguyễn Phương Văn.
(Báo thethaovanhoa.vn giới thiệu 8/8/2013)
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
Một ngày của bố
PNO – Một ngày của bố (NXB Phụ Nữ) gồm 66 trang là tập sách "tranh – thơ" của bố con dịch giả Thụ Nho – họa sĩ Thái Mỹ Phương.
Bố viết lời và con vẽ tranh. Được biết, Thái Mỹ Phương – con gái dịch giả Thụ Nho là họa sĩ chuyên vẽ sách cho thiếu nhi. Nhiều tựa sách do cô vẽ minh họa được các độc giả "nhí" yêu thích như Sự tích dưa hấu, Kho báu mặt trời, Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình… Tranh trong tập sách này nét vẽ cũng hồn nhiên, dí dỏm như thế. Mỗi bức tranh kể lại những công việc mà một người bố bận rộn trong ngày.
Chẳng hạn, khi tác giả Thụ Nho kể: "Ngày nảy ngày nay, có một ông bố như bao ông bố khác… hàng ngày đi xe máy, hình như là một chiếc Honda Dream…", thì cô con gái Thái Mỹ Phương minh họa bằng bức tranh ông bố tất bật sau giờ tăng ca vội vã đi đón con tan học. Từ trang này qua trang khác là những câu chuyện đời thường mà ai ai cũng trải qua như chờ con tan học, đi làm về bị tắc đường, xem phim, đi dạo chơi công viên v.v… Qua đó, có những câu thơ ngộ nghĩnh:
Tối em làm tính đố
Chị mần tập làm văn
Mẹ ngồi cạo lông chân
Bố nằm xem chưởng bộ
Khi vẽ các tranh minh họa này, Thái Mỹ Phương chia sẻ: "Mình gặp không ít áp lực vì trước giờ chỉ hay vẽ cho teen, do đó có lúc mình bị chững lại, cảm thấy bức vẽ chưa tới. Người bố trong tác phẩm là tạo hình từ ông nội của mình, một người khá là tưng tửng". Còn tác giả Thụ Nho tâm sự: "Tôi thích bức hình cả gia đình sống trên gác xép. Tuy đó là một gia đình nghèo nhưng họ lại giàu tình cảm và có sự tròn trịa trong bức vẽ".
Chia sẻ về Một ngày của bố, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng: "Đọc muốn bật cười. Bố khổ mà sướng. Con sướng mà khổ. Sướng khổ ngậm ngùi bố con cùng vui".
(Báo phunuonline.com.vn giới thiệu ngày 12/8/2013)
K.B
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn