Như một sự trở lại của “buồn nôn” ở một thời đại mới. Lần này, với Houellebecq, buồn nôn không cứ gì phải bắt đầu từ sự tấn công của những giá trị vật chất, mà từ bản thân năng lượng tiến hoá của giống người văn minh. Dường như đang có một cơn khủng hoảng khi ngắm nhìn thế giới mà chính mình dựng lên, những tù ngục chuẩn mực đạo đức, tư tưởng mà chính mình tự đặt ra, phá bỏ và lại lục đục xây dựng…
G.Maupassant lên cơn điên không phải là biến chứng từ bệnh giang mai mà vì nhìn thấy thấu đáo ý nghĩa của thế giới hiện thực chủ nghĩa hoá ra chẳng còn gì khác nữa. Bởi vì đơn giản, ở vai trò của người quan sát, ông ta đã tách bạch mình với thế giới còn lại. Cách cắt nghĩa thế giới trong vai trò của một người quan sát ở quãng lùi lạnh lùng của nó, bao giờ cũng mang lại sự chua chát và bế tắc.
Vậy thì người ta cứ việc sống dấn sâu vào cái thế giới ấy để quay cuồng và không còn nhận thức được nó? Vũ trường và những cuộc cọ quẹt gái gú, giải quyết thèm muốn bằng thủ dâm hay lánh mình trong công việc nhàm chán luôn mang lại những cơn stress cực độ? Hai kỹ sư tin học tuổi ba mươi đã “mở rộng phạm vi đấu tranh” của mình bằng cách dấn thân vào một thế giới của thất vọng. Những chuyến về vùng quê, miền biển… thì ở đó vẫn ngập ngụa vũ trường với vòng tròn luẩn quẩn: tán gái, thất vọng, thủ dâm, rồi lại tán gái…
Chàng trai Tisserand cố gắng bấu víu vào vai trò cá nhân góp phần trong cuộc cách mạng viễn thông và đôi khi tìm thắng lợi tinh thần với vai trò một kỹ sư tin học, mức lương cao, được xã hội tôn trọng và có thể chuyển việc dễ dàng. Nhưng những trục trặc buồn tẻ, không khớp về tình dục trong những chuyến đeo đuổi, những không gian tâm trạng luẩn quẩn đã khiến anh nhận ra sự rỗng không của tuổi trẻ. Một kẻ chẳng bao giờ buồn nôn bỗng một hôm phát hiện cô gái mình đeo đuổi đang làm tình với một tay chơi, anh ta đã buông con dao sáng trong tay. Và có thể lắm, vụ tai nạn chết người xảy ra với Tisserand trong đêm cũng là sự buông bỏ thế giới của chính anh ta.
Trong một đối cực khác. Nhân vật “tôi” như một giả thiết chưa hẳn là xác đáng của cuốn sách. Một kẻ có quan hệ tình dục lần gần nhất cũng cách hai năm trời. Và chuyên viên tâm lý muốn giúp anh ta tìm lại khả năng quyến rũ để gần gũi và có khả năng quan hệ với những cô gái trẻ. Nhưng “trong phạm vi đấu tranh” của anh, thế giới đáng khôi hài về những trò duy cảm cũ kỹ. Anh ta luôn nhìn thấy một sự rỗng hoác nào đó trong tâm thức thời đại phía sau các cuộc “xử lý nội bộ” bằng cách cắt cổ lẫn nhau của các băng đảng, sự cô đơn của những người già trong viện dưỡng lão phải nhờ đến những hỗ trợ thuốc men cho “sự ra đi êm ái”, hay một cô gái trong trẻo hiền lành phải vào khoa phân tâm học để xác định lại một thứ gì đó gần như “hệ quy chiếu”, “khả năng tập trung” trước đời sống…
Cũng như trong cuốn tiểu thuyết Hạt cơ bản, ở Mở rộng phạm vi đấu tranh, Michel Houellebecq đặt hai nhân vật trong một thế đối kháng về nhận thức, quan niệm giữa một bối cảnh đời sống gần như đồng nhất để giải quyết vấn đề cốt lõi của tiểu thuyết: thằng người đang hiểu thế và kết nối thế nào với những thằng người khác trên mặt đất? Và câu hỏi vẫn là sau khi tìm ra ý nghĩa đời sống thì người ta sẽ làm gì với nó? Liệu người ta có thể nằm hoài trên cỏ xanh trong rừng sâu để nhìn mây bay hay đứng xiếc trên một miệng vực để thấy đời sống chẳng có gì quan trọng?
Kết cấu cuốn sách theo hướng triển khai chi tiết, nên đôi khi thách thức bạn đọc luôn phải rơi vào trạng thái “ly tâm” dù đây là một văn bản cô đọng và sắc bén. Ở đó, người đọc nhận ra bầu không khí đặc quánh của hiện sinh trong thế giới ở một cấp độ và phạm vi khác. Đó còn là một sự phủ định và gây hấn đời sống vật dục (được cho là ý nghĩa) đang dần nhàm chán và phía sau lời văn hài hước, châm chọc. Ở đó, sứ mạng văn chương thiên về thái độ quan sát thế giới chứ không thể là sự múa may hoa mỹ thừa thãi của chính nó.
Và phía sau sự khiêu khích giễu cợt thế giới là một nỗi dằn vặt, báo động trước một sự khủng hoảng, xơ hoá đang lây lan trong nền văn minh của nhân loại giữa kỷ nguyên mới.
Về sự hấp dẫn mà nói, đây là một cuốn tiểu thuyết dưới mức giải trí hay gây ngủ, nhưng lại đạt đến một mức suy tưởng và truy vấn rất cao. Nhất là khi văn chương cởi bỏ cái vỏ lốt tầm phào ra vẻ sang trọng.
Nguyễn Vĩnh Nguyên
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn