Giới thiệu sách Mô Hình Toán Kinh Tế – Tái bản 2004
Mô hình là một trong những công cụ quan trọng nhất của nhận thức khoa học, là hình ảnh có tính ước lệ của đối tượng nghiên cứu hay điều khiển
Phương pháp mô hình hoá là một quá trình bao gồm:
– Xây dựng mô hình dựa trên sự nghiên cứu đối tượng;
– Phân tích mô hình về mặt thực nghiệm và lý luận;
– So sánh kết quả và sửa lại mô hình.
Mô hình được gọi là trừu tượng (quan niệm), hay vật chất (vật lý, kinh tế) tuỳ thuộc nó là hệ thống như thế nào, tức là phụ thuộc vào việc lựa chọn mô hình hoá.
Một cách tiếp cận khác của phương pháp Mô hình hoá là Quy hoạch thực nghiệm khi không có đủ thông tin để xây dựng ngay mô hình giải tích. Người ta phải tiến hành thực nghiệm và từ kết quả thực nghiệm dự toán dạng mô hình, sau đó dùng phương pháp bình phương cực tiểu để nhận được mô hình biểu diễn gần đúng tốt nhất đối tượng thật sự, cuối cùng là dùng phương pháp thống kê kiểm định mô hình thu được. Ở mức độ cao hơn, người ta dùng mô phỏng ghi lại trên MTĐT quá trình xảy ra trong thực tế và phân tích kết quả để hiểu qui luật tác động của hệ thống, dự đoán hành vi của hệ thống, dự đoán hiệu quả và các biện pháp cũng như chiến lược điều khiển mà ta có thể áp dụng; từ đó chọn ra giải pháp thích hợp nhất.
Mô hình toán học là một trong các mô hình trừu tượng gồm một hệ thống các biểu thức toán học mô tả các đặt trưng của đối tượng được mô hình hoá.
Mô hình vật chất là các hình mẫu thu nhỏ các mô hình hoạt động của các dụng cụ và thiết bị, mô hình nhà cửa trong thiết kế cấu trúc, và các mô hình kinh tế.
Khoa học kinh tế từ lâu đã biết sử dụng mô hình. Một trong những mô hình kinh tế lớn đầu tiên là mô hình thống nhất sản xuất và tiêu dùng F. Quesnay (1758), các mô hình tái sản xuất của Mác (1863) và Lênin (1893). Sự phát triển về sau của việc mô hình hoá các quá trình kinh tế gắn với các mô hình toán kinh tế. Có thể kể ra các tác giả tiêu biểu của các mô hình toán kinh tế tương ứng:
L.Walras, V.Pareto (cuối thế kỷ 19)
J. M. Keynes, V.Neumann (những năm 30 của thế kỷ 20)
C.A.Feldman (1928-1929), VX. Nemtsiov (1963)
Trong thời gian gần đây là các tác giả Leontief, Erlango Wilson, Harod Domar.
Mục lục:
Mở đầu
Chương I. Mô hình kinh tế và mô hình toán kinh tế
1. Mô hình kinh tế
2. Hàm sản xuất
Chương II. Phương pháp cân đối liên ngành
1. Cân đối liên ngành tĩnh
2. Cân đối liên ngành động
3. Bảng cân đối liên ngành của Việt Nam
Chương III. Phương pháp sơ đồ mạng lưới (PERT)
Chương IV. Mô hình phục vụ đám đông
Chương V. Mô hình quản lý dự trữ.
Chương VI. Quy hoạch thực nghiệm
Phụ lục
Tài liệu tham khảo
Mời bạn đón đọc.