Ngoài cách trình bày bắt mắt như một đòi hỏi bắt buộc đối với sách ảnh mỹ thuật, cuốn sách này cho thấy được biên soạn, thiết kế rất khoa học, phù hợp với tâm lý tiếp nhận của trẻ em, lại có sự chọn lọc và sức thâu tóm vấn đề rất lớn. Cuốn sách cung cấp một bản đồ hướng dẫn người đọc du hành ngược thời gian để tìm thấy những chuyển động của mỹ thuật nhân loại từ thời kỳ hang động tiền sử đến đương đại.
Xa xưa, người ta vẽ để làm gì? Những con bò tót dài 5m trên các hang động Lascaux nước Pháp được vẽ 15.000 năm trước, con hươu cao cổ, người thợ săn và con chó trên vách hang động trên sa mạc Libya châu Phi, gần hơn, những hình khắc trên khối đá Newspaper rock của bang Utah nước Mỹ… mang trong nó những “ký hiệu” tâm linh, sinh hoạt đời sống, phương thức sống của con người tiền sử.
Quả thật, mỹ thuật còn hướng đến những mục đích khác ngoài việc trang trí và vẽ lại hiện thực. Người Ai Cập, với truyền thống tâm linh mạnh mẽ đã có một nền nghệ thuật bích hoạ khá phát triển qua những tác phẩm trên hầm mộ, nhà thờ; trong khi đó, người La Mã lại có khái niệm nghệ thuật bích họa đích thực (buon fresco) để trang trí các công trình. Thổ dân Úc lại sáng tác mỹ thuật với những chất liệu đặc biệt: vẽ trên người, đá, khắc trên vỏ cây… để tôn vinh đấng sáng tạo Vật tổ, mỹ thuật Mộng thời (dreamtime)…
Câu chuyện mỹ thuật trải dài qua hàng vạn năm, với những thời kỳ khác nhau (Phục hưng, Baroque, Rococo, Hiện đại, Đương đại). Bên cạnh việc giới thiệu đặc điểm các phong cách nghệ thuật, cuốn sách chỉ ra, ở mỗi phong cách, thời kỳ là những tác phẩm, hồ sơ các hoạ sĩ tiêu biểu. Nhiều giai thoại lý thú gắn với các tác phẩm được kể hài hước như chuyện Michelangelo Buonarroti đánh lừa tâm lý của nhà quý tộc trong việc đẽo mũi của bức tượng David, chuyện Van Gogh mua một chiếc gương và vẽ chân dung chính mình 30 lần trước khi… vào nhà thương điên…
Phần viết về mỹ thuật điêu khắc và các hình thức mỹ thuật đương đại cũng được thể hiện khá kỹ, cập nhật, đầy cảm hứng.
Cuốn sách có những trang “nhịp nghỉ”, như những gallery giúp độc giả thưởng ngoạn, phân tích các bức tranh như những bài tập giúp nâng cao khả năng thẩm định.
Những ai vốn tò mò, ưa thực hành các bước để có thể sáng tác theo các chất liệu và phương pháp khác nhau từ vẽ kiểu hang động đến màu nước, từ bắt chước Mộng thời đến sơn dầu “vằn vện” kiểu Vincent Van Gogh, từ cách làm tranh khảm theo (mosaic) đến trừu tượng kiểu Paul Klee, từ cắt dán kiểu Henri Matisse đến sơn tường graffiti… đều nhận được những hướng dẫn khá cụ thể để thử làm hoạ sĩ.
Cuối sách, còn có bảng chú dẫn và giải thích thuật ngữ giúp người đọc tiện tra cứu.
Mỹ thuật cho trẻ em nằm trong tủ sách ảnh nghệ thuật dành cho độc giả nhỏ tuổi của nhà xuất bản DK, một thương hiệu sách ảnh cho trẻ em nổi tiếng thế giới. Tháng 11.2010, cuốn sách này được ra mắt bạn đọc Việt Nam với chất lượng hình thức không thua kém ấn bản gốc. Cầm cuốn sách này trên tay, hẳn sẽ có nhiều người lớn xuýt xoa: giá như mình được đọc những cuốn sách như thế này sớm hơn!
Nguyễn Vĩnh Nguyên
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn