Mặc dù sự nổi tiếng của Ryu Murakami tại Nhật Bản không hề kém cỏi, nhưng sự quảng bá rầm rộ của truyền thông và ngành xuất bản phương Tây đã khiến cái bóng quá lớn của Haruki Murakami đổ nhòe lên Ryu Murakami.
Xuất hiện một cách lặng lẽ hoặc do Haruki Murakami đã quá "rầm rộ" với Rừng Na Uy, Biên niên ký chim vặn dây cót, Kafka bên bờ biển, Người tình Sputnik… nên Xuyên thấu (Lê Thị Hồng Nhung dịch) và Màu xanh trong suốt (Trần Phương Thúy dịch) của Ryu Murakami ít được bạn đọc biết đến. Thậm chí nhiều người không phải ngoại đạo với sách vẫn ồ lên ngạc nhiên "thế có đến hai Murakami cơ à?".
Ryu Murakami (sinh năm 1952) từng được Tạp chí Time bình chọn là "một trong 11 người sẽ cách mạng hóa Nhật Bản". Năm 1976, Ryu đoạt giải Tác giả mới Gunzo (Haruki cũng nhận giải này, nhưng là vào năm 1979) và giải Akutagawa, giải văn học cao quý nhất của Nhật Bản.
Màu xanh trong suốt (1976) là tác phẩm khởi đầu nghiệp văn của Ryu, chỉ khoảng 180 trang nhưng dễ "hù dọa" được ai yếu bóng vía, bởi lối sống của một nhóm thanh niên Nhật ở gần khu vực căn cứ quân sự của Mỹ, hằng ngày tiêm chích ma túy, quan hệ đồng giới, sinh hoạt tình dục tập thể, đánh đập nhau, bế tắc, tự tử… Ryu banh xã hội Nhật Bản như banh một vết thương bị nhiễm trùng. Từ trang đầu tiên đến trang cuối đều là một màu u tối với những căn hộ sặc mùi heroin, những thanh niên chưa đầy 20 nhưng có hàng chục vết sẹo do tiêm chích. Thế nhưng, đằng sau lối sống bị xem là suy đồi ấy thực chất là gì? Sex với liều lượng khá nhiều cũng nằm trong ý đồ của Ryu: những sự chung đụng thể xác cũng không cứu vãn nổi tâm hồn của những con người cô đơn, những sinh linh bầy đàn nhưng cô độc, sống bất cần nhưng thực chất là khép mình trước thế giới, tự dựng lên những hàng rào tâm lý, tự buộc mình cách ly với cộng đồng.
Nếu Màu xanh trong suốt hấp dẫn người đọc bởi tình tiết ly kỳ, gay cấn của các nhân vật còn quá trẻ thì Xuyên thấu cuốn hút bởi cách miêu tả tâm lý cực kỳ độc đáo của tác giả. Nó ít nhiều gợi nhớ đến Mùi hương của Patrick Suskind nhưng Ryu còn "độc ác" hơn khi cho nhân vật chính chỉ có khao khát gây án chứ không gây án được. Nhân vật chính là một nhân viên thiết kế, có vợ đẹp và một đứa con mới chào đời. Tuy nhiên, thỉnh thoảng anh lại có cảm giác như "các dây thần kinh ở mắt, mũi và tai như chập vào nhau và những đốm sáng như pháo hoa lập lòe trước mắt". Anh thấy xung quanh mình như đang ngập ngụa "một mùi cháy khét của mỡ động vật" và mỗi lúc như vậy anh lại không thể kiểm soát nổi bản thân mình. Lúc đó, trong anh như có một nỗi đe dọa, ám ảnh rằng có thể một lúc nào đó, anh sẽ dùng cái dùi đập đá đâm chính đứa con gái bẻ bỏng của mình. Và để có thể thoát khỏi nỗi ám ảnh đó, anh đã quyết định sẽ phải đâm một người phụ nữ khác. Kết quả là đã có một cuộc hội ngộ tương phùng kỳ lạ giữa một người đàn ông có mưu đồ giết người và một người phụ nữ mang ý định tự sát.
Một sự bù trừ, đối xứng hoàn hảo nhưng rất hài hước, mỉa mai giữa nhân vật muốn giết người có một người mẹ bạo hành, thường xuyên đánh đập anh vô cớ lúc còn nhỏ, suốt ngày chửi rủa và nhốt anh một mình, còn nhân vật anh dự định giết – nhưng đang mang ý định tự sát lại có một ông bố bệnh hoạn và loạn luân. Ẩn trong những trang sách phản ảnh mảng tối của đất nước giàu truyền thống và văn hóa ấy chính là nỗi lòng của Ryu Murakami "Vì vậy, tôi đã học được rằng, cố gắng tưởng tượng và diễn đạt cho mọi người hiểu được những tiếng kêu than, những lời thì thầm của những con người bé nhỏ khốn khổ kia chính là công việc của các tiểu thuyết gia".
Năm 1970, Ryu Murakami học Đại học nghệ thuật Musashino ở Tokyo và ở trọ gần căn cứ quân sự Mỹ trong 2 năm. Ngoài hai tác phẩm đã có mặt tại VN, ông còn có các tiểu thuyết khác nổi tiếng như 69 kể về đời sống học sinh năm 1969 phản chiến, ham mê rock và tình dục, In the Miso Soup xuất bản năm 1997 vào thời kỳ tệ nạn nữ sinh mại dâm, Coin Locker Babies kể về hai bé con bị bỏ lại trong ngăn tủ khóa của nhà ga, lớn lên trong trại mồ côi và tìm cách trả thù người đã đối xử tệ với mình… và tập truyện ngắn Topa-zu viết về gái mại dâm. Màu xanh trong suốt đã giúp Ryu nhận giải thưởng Gunzo và đến nay đã bán hơn 2 triệu cuốn.
Trâm Anh Ken
(Nguồn: Báo Thanh Niên)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn