Giới thiệu sách Luật Quốc Tịch Việt Nam Và Các Văn Bản Hướng Dẫn Thi Hành Mới Nhất
Quốc tịch là một khái niệm ra đời vào thời kỳ quá độ từ chế độ phong kiến lên chủ nghĩa tư bản. Khái niệm này xuất hiện cùng với tư tưởng tiến bộ của cách mạng tư sản. Thông thường, người nào cũng có một tổ quốc và từ khi sinh ra đều mang một quốc tịch nhất định. Đây không chỉ là vấn đề tình cảm và tâm lý mà còn là mối liên hệ giữa cá nhân đó với nhà nước. Mối liên hệ này xác định địa vị pháp lý của họ. Trong các xã hội khác nhau, thời kỳ lịch sử khác nhau, công dân sẽ có địa vị pháp lý khác nhau. Địa vị pháp lý đó được củng cố và hoàn thiện hơn qua từng giai đoạn phát triển của xã hội. Bởi vậy, thời điểm lịch sử thay đổi dẫn đến khái niệm về quốc tịch, pháp luật về quốc tịch thay đổi.
Trong hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia, quốc tịch là một chế định pháp lý bao gồm các quy định điều chỉnh hình thức và nội dung mối quan hệ pháp luật được thiết lập giữa cá nhân với một Nhà nước, trên cơ sở đó làm phát sinh quyền và nghĩa vụ qua lại giữa Nhà nước và công dân. Quốc tịch là căn cứ duy nhất xác định công dân của một Nhà nước, là “sự quy thuộc của một người vào một quốc gia nào đó”. Mỗi quốc gia có một chế định pháp lý khác nhau về quốc tịch, do vậy, Luật quốc tịch mỗi nước quy định cụ thể vấn đề về nhập quốc tịch, thôi quốc tịch, trở lại quốc tịch của mỗi công dân phù hợp với đặc thù của nước đó.
Pháp luật về quốc tịch của mỗi nước có những nội dung khác nhau trong đó có sự thừa nhận sự bình đẳng của các cá nhân với nhau trong mọi lĩnh vực đời sống đảm bảo thực hiện nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật phù hợp với luật quốc tế. Sự quy thuộc về mặt pháp lý trong vấn đề quốc tịch đồng nghĩa với việc một công dân nhận được các quyền lợi mà nhà nước và pháp luật nước này đảm bảo cho họ được thụ hưởng, đồng thời xác định trách nhiệm, nghĩa vụ của nhà nước đó đối với việc bảo vệ quyền lợi cho cá nhân trong mối quan hệ với cộng đồng dân cư của quốc gia mà họ là công dân, cũng như trong mối quan hệ quốc tế mà người đó tham gia nhân danh chính cá nhân họ.
Một yếu tố quan trọng góp phần cấu tạo nên quốc gia là cư dân sống trên lãnh thổ quốc gia và việc tổ chức Nhà nước có mối quan hệ qua lại với cư dân đó. Mỗi quốc gia có những tập hợp dân cư khác nhau và có mối quan hệ cũng rất khác nhau với Nhà nước. Mối quan hệ phức tạp này trong khoa học pháp lý gọi là quốc tịch.
Quốc tịch là một phạm trù chính trị – pháp lý, thể hiện mối quan hệ gắn bó, bền vững về chính trị và pháp lý giữa Nhà nước và cá nhân, là căn cứ pháp lý duy nhất xác định công dân của một Nhà nước và trên cơ sở đó làm phát sinh quyền và nghĩa vụ qua lại giữa Nhà nước và công dân.
Tuyên ngôn nhân quyền 1948 đã khẳng định “Tất cả mọi người đều có quyền có quốc tịch. Không ai được tùy tiện tước bỏ quốc tịch hoặc từ chối quyền thay đổi quốc tịch của người khác” (Điều 15 Tuyên ngôn nhân quyền 1948). Có thể nói, quyền có quốc tịch là kim chỉ nam xuyên suốt và là cơ sở đầu tiên cho việc thực thi các quyền công dân khác.
Mời bạn đón đọc.