Với 15 truyện ngắn trong tập sách này, Trần Đức Tiến không dành cho bạn đọc bất ngờ, mà là một sự ổn định, nhuần nhị và đầy đặn của phong cách cũng như nội dung- thể loại…
Tái xuất giang hồ với "Lỏng và Tuột", tuyển tập gồm 15 truyện ngắn, nhà văn Trần Đức Tiến không dành cho bạn đọc bất ngờ, mà là một sự ổn định, nhuần nhị và đầy đặn của phong cách cũng như nội dung- thể loại, sau nhiều năm lặng lẽ, kiên trì viết hàng vài chục truyện ngắn cũng không kém phần duyên dáng, phóng túng, đăng tải rải rác trên các báo, tạp chí, từ Vũng Tàu, Cửa Biển (Hải Phòng) cho tới Văn nghệ, Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh…
Không còn nệ vào những tình tiết, sự kiện mô phỏng đời sống đang diễn ra, nhà văn trực tiếp miêu tả những vấn đề tâm lý tình cảm riêng biệt, rất cá nhân, bằng chính những diễn tiến nội tâm, cảm xúc, vừa cô đọng, vừa biến hoá bất ngờ. Vấn đề đạo đức mà nhà văn đặt ra trong các truyện ngắn của mình cũng hoàn toàn xa lạ với những quan niệm tuy hiển hiện bàng bạc, thấp thoáng, nhưng lại có sức ăn sâu bén rễ đến độ đã trở thành "một hoà điệu chính thống" của thứ đạo đức áp đặt, sáo rỗng, công thức hoá con người. "Đạo đức" của Trần Đức Tiến là một vấn đề hoàn toàn cá nhân.
Cũng như vậy, Trần Đức Tiến muốn xem xét con người theo những thang bậc hoàn toàn không định kiến, mà chỉ có sự cá nhân hoá một cách quyết liệt nhất mới dẫn đến khả năng lật giở, soi rọi những vi tế "cao quý" hay "thấp hèn" nhất của con người.
Chính vì thế, nhân vật của Trần Đức Tiến không có một hình ảnh hay giá trị quy chiếu nào song song tồn tại, thường chỉ tự đối diện với những trải nghiệm riêng biệt, không phán xét hay tự phán xét.
Truyện ngắn của Trần Đức Tiến còn là sự tích hợp nhiều phương diện miêu tả, với các nhân vật "không trung tâm", bí ẩn, nén chứa nhiều ý nghĩa chưa hiển lộ, như những hướng "mở" của truyện, đồng thời tạo ra hoà âm đa dạng của giọng kể. Đang cay độc chua chát với gã đàn ông vừa yếm thế vừa lọc lõi, ma cô, bỗng chuyển thành thân tình, hài hước, phóng túng với sư cụ chùa Bạch Vân "giọng Mỹ Tâm nheo nhéo trong túi áo", sang sảng giọng điều hành, bảo ban, mở ngay túi nhận tiền công đức…; và đột ngột đau đớn, khó hiểu, phi lý, hãi hùng với "con yêu nữ" trẻ măng, treo cổ chết tức tưởi không rõ nguyên do, bị bọn nghiện xì ke cắm nhầm ống chích vào bắp chân vì tưởng là cành cây. "Chuông chùa Bạch Vân", "Khối u", "Mù tăm" là những truyện ngắn xuất sắc của Trần Đức Tiến. Bên cạnh những truyện ngắn khai thác các vấn đề tâm lý một cách mạnh bạo, khoát đạt, ông còn thể hiện một lối khắc hoạ đằm thắm, trầm lắng chỉ thông qua các phản ứng và thói quen, các chi tiết nhỏ nhặt của đời thường, mà "Mưa ở V." hay "Đi bộ và chạy" là những truyện chặt chẽ, khá thành công.
Với nhà văn bắt kịp giọng điệu hiện đại và phong cách dầy dặn như Trần Đức Tiến, người ta mong đợi những tác phẩm giàu tính suy tưởng hơn, cũng như giá như, nhà văn có thể bớt đi phần nào những "giải pháp" thiên về khuếch trương bản năng thân xác của con người.
Khánh Phương (Vnexpress)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn