- Vào trang riêng của tác giả
- Xem tất cả các sách của tác giả
"…
– Anh đi đâu? Chúng tôi hỏi.
– Đâu biết đi đâu. Sông nước mênh mông cứ theo đó mà đi. Tao đâu có ý gì xấu, phá hàng rào chỉ để nhà cửa thông thoáng con nít chạy chơi, bà con mình qua lại gần gũi, rảnh rỗi tao đi cà khêu đến từng nhà chào hỏi làm trò giúp vui. Nhưng chưa làm được gì đã nên thân như thế này. Đành vậy thôi. Chắc tao không còn dịp trở lại. Tụi bây lớn lên ráng giữ gìn, phá hàng rào phải cho cẩn thận, dính với đàn bà con gái phải dè chừng… Tụi bây nghe lời tao không?
– Nghe
…"
(Anh cà khêu ghé qua làng)
"… Có một đứa con trai mười lăm tuổi đến nhờ ông viết một bức thư gởi má nó đi lấy chồng khác. Nó sống với người cha say xỉn không thể chịu nổi, nhờ nhiều người viết thư hoài không thấy má nó hồi âm, nghĩ do thư không hay má nó không trở về, nhờ "ông thầy" là ông viết một bức thư thật đặc sắc thống thiết, từng câu chữ đẫm nước mắt, cho má nó động lòng nhớ thương trở về với nó…".
(Người viết thư thuê)
"… Chính con ông nhắn tin cho ông, một lá thư nhỏ nhờ người khác viết (nó không biết chữ) nói rõ nó từ ông, không còn cha con gì nữa, nó đi làm cướp sống cuộc đời ngang tàng phiêu bạt, con đường của tên cướp là con đường máu không có chỗ cho tình cha con. Ông đốt lá thư coi như không đọc, nó từ ông nhưng ông không từ nó, không có chuyện cha từ con, ông là cha nó bất kể nó đi đâu làm gì, còn sống hay đã chết…".
(Đứa con trở về)
Mời bạn đón đọc.
Lên núi thả mây
SGTT.VN – Tuyển tập truyện ngắn của nhà văn Lê Văn Thảo, giải ASEAN 2006. Truyện Lê Văn Thảo đậm màu đồng đất sông nước Nam bộ, chân thật, không nhiều “gia vị” kỹ thuật, nhiều khi giọng điệu nhẹ tênh cà rỡn nhưng để lại dư vị gây xúc động đủ để nhớ. Lên núi thả mây cho thấy độ chắc tay của ông với truyện ngắn.
Tuyển tập truyện ngắn của nhà văn Lê Văn Thảo, giải ASEAN 2006. Truyện Lê Văn Thảo đậm màu đồng đất sông nước Nam bộ, chân thật, không nhiều "gia vị" kỹ thuật, nhiều khi giọng điệu nhẹ tênh cà rỡn nhưng để lại dư vị gây xúc động đủ để nhớ. Lên núi thả mây cho thấy độ chắc tay của ông với truyện ngắn.
N.V
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
Ngạc nhiên ở điều bình dị…
TT – Làng nằm dưới chân một ngọn núi cao nhất. Người đàn ông chưa bao giờ lên đỉnh núi ấy, suốt ngày ngồi đan lát trước sân nhà. Một bữa, ông đang ngồi một mình thì có hai đứa nhỏ bước vào.
ụi nhỏ báo là ba của chúng sẽ tới để rủ ông cùng lên núi thả mây. Lên núi thả mây là sao? Là lên núi lùa mây nhốt vào một cái nhà, rồi chờ những ngày trời trong mở cửa thả mây ra. Chuyện lạ kỳ này đã từng xảy ra với ông chưa? Trí nhớ là không, nhưng cảm thức chập chờn hư thực. Lên núi thả mây là chuyện tầm ruồng hay chuyện quan trọng đời người? Thôi đời ông không bàn tới nữa, nhưng ông dặn con: "Hai đứa còn nhỏ cứ bắt đom đóm chơi, giỡn với con chó, nhưng lớn lên thì phải làm công chuyện gì. Như một lần phải lên đỉnh núi".
Đó là chuyện trong truyện Lên núi thả mây của Lê Văn Thảo. Một chuyện "không đâu", được viết "như không", nhưng tất cả như không mà lại có. Có thật một xáo trộn tự nhiên, một xúc cảm rất đẹp với hình ảnh người đàn ông trèo lên đỉnh núi, cất nhà, nhốt mây, thả mây… Nhẹ nhõm một nụ cười nhân gian, hay thong dong một lối viết truyện ngắn, đó là điều đáng xác nhận về nhà văn Lê Văn Thảo không chỉ thông qua truyện ngắn này mà cả tập sách mới này.
Chỉ bằng chất mộc, không son phấn, nhưng ngòi bút của Lê Văn Thảo lại vẽ ra những miền ảo trong đời sống, phục hồi tính thiện nơi con người.
Chuyện một anh chàng cà khêu không chịu được những cái hàng rào, đi tới đâu là bày trò phá "tanh banh" hàng rào tới đó (Anh cà khêu ghé qua làng), chuyện một ông già viết thư thuê tưởng vô can lại dính líu đủ chuyện hỉ nộ ái ố trên đời (Người viết thư thuê), chuyện người cha cả đời đi tìm con dù hắn là kẻ cướp hay thánh sống (Đứa con trở về)…
Truyện nào của Lê Văn Thảo đọc rồi cũng có thể kể lại được, nhưng cái hay trong truyện ngắn Lê Văn Thảo không phải để kể mà để cảm (mà người kể chuyện ở đây có lẽ không ai thay thế được tác giả), cái ngạc nhiên không phải ở những chuyện lạ lùng mà ở những điều bình dị, điều thích thú không nằm ở thông điệp mà ở chi tiết. Tính hư cấu và phi hư cấu được trộn lẫn một cách nhuần nhuyễn trong truyện ngắn của Lê Văn Thảo.
Và, có lẽ cũng đừng nghĩ viết là "làm công chuyện gì" to tát, mà chỉ như một chuyến lên đỉnh núi thả mây chơi. Thả vào mênh mang…
TRẦN NHÃ THỤY
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn