- Vào trang riêng của tác giả
- Xem tất cả các sách của tác giả
“…Tôi cũng mơ thấy chị. Những bóng đen ngồi chật trên ngực chị. Những bóng đen cố làm chị ngộp thở. Chị cầm trong tay bông cỏ vòi voi. Những bông hoa nhói trắng như ngọn lửa nhỏ…”
– Làm thế nào ra khỏi những giấc mơ? (Đinh Thị Như Thúy)
“…‘Kh’ nhắm mắt để khỏi bị quay cuồng trước nghìn vạn vì sao đang chấp chới rơi. Vịnh Nha Trang vẫn ngửa mình hứng nắng, những giọt nắng rồi sẽ chìm sâu, lặn vào những viên trai ngọc lấp lánh và những dải san hô rực rỡ chốn thủy cung. Tháp Ponagar vẫn trần mình đón gió. ‘Kh’ nghe rõ những âm thanh của sóng từ vịnh Nha Trang đang hăm hở trườn mình hôn lên bờ cát trắng. ‘Kh’ nghe rõ cả tiếng gió xô nghiêng rồi hắt ra từ thành tháp cổ…”
– Biển vỡ (Triệu Văn Đồi)
“…Từng nghĩ, tất cả là vĩnh viễn. Từng lầm lũi ô tô chạy trong mưa hun hút đường dài những đêm mùa đông vắng miền Tây Bắc. Từng buộc hai thân xác vào nhau bằng một cái khăn choàng, trên mô tô phân khối lớn mò mẫm leo dốc Tam Đảo đêm mưa mùa đông chông chênh miệng vực.
Đã từng rất nhiều.
Bây giờ thì như hai người quen, không thân không sơ, biết là vẫn tốt với nhau, nhưng không thể hiểu là đây có phải cái người đã từng là máu thịt với mình tám năm…”
– Chúng ta cần suy nghĩ về chuyện này (Nguyễn Thị Thu Huệ)
Mời bạn đón đọc
Làm thế nào ra khỏi những giấc mơ?
PNO – Làm thế nào ra khỏi những giấc mơ? (NXB Hội Nhà văn) là tuyển tập truyện ngắn của một số cây bút quen và lạ trên văn đàn hiện nay.
Có thể kể đến Làm thế nào để ra khỏi những giấc mơ (Đinh Thị Như Thủy), Biển vỡ (Triệu Văn Đồi), Chúng ta cần suy nghĩ về chuyện này (Nguyễn Thị Thu Huệ) v.v… Mỗi người một phong cách khác nhau, vì thế, tập truyện này hợp với "tạng" của nhiều người.
Với Nguyễn Thị Thu Huệ, chị có cách nhìn mới về một nhân vật nghệ sĩ. Anh ta bị người yêu bỏ nhưng cô ta lại bảo: "Em không bỏ anh. Em đi vì có còn anh nữa đâu". Tại sao như thế? Bởi là một họa sĩ chuyên nghiệp nhưng anh ta lại hài lòng, an phận với một chức vụ hành chính quèn! Vì lý do này, cô ta quyết liệt: "Bây giờ thì như hai người quen, không thân không sơ, biết là vẫn tốt với nhau, nhưng không thể hiểu là đây có phải cái người đã từng là máu thịt với mình tám năm". Rõ ràng, đây không còn là chuyện tình mà nhà văn còn muốn nói đến phẩm chất đích thực và trách nhiệm của người nghệ sĩ hôm nay.
Người đọc còn có thể buồn cười với nhân vật ông giáo sư tiến sĩ trong Bữa tiệc gà tây của McAmmond Nguyễn Thị Tư. Ông Tây già ngây thơ này, nhân chuyến du lịch hội thảo khoa học lại "say nắng" với người đàn bà bán dạo đĩa CD.
Cũng bi hài không kém là chuyện của các bô lão trong Trăng làng Nhân Mục của Đoàn Ngọc Hà. Họ đấu tranh để con đường làng lát gạch từ cổ xưa không biến thành một con đường bê tông. Cuối cùng thế nào? Ngôi đình cũng cổ xưa bề thế của làng đã bị bê – tông – hóa trước đó, thì con đường làng cũng chung số phận.
Nhiều chuyện về nông thôn tương tự như thế cũng được các nhà văn cảnh báo. Trong Phấn hoa vàng của Phạm Thanh Thúy là hình ảnh người nông dân phủ xanh một rừng đồi, nhưng cuối cùng lại là nơi của bọn thầu khoán khai thác các dịch vụ giải trí, săn bắn bừa bãi trong vườn chim…Nhà nghiên cứu Khánh Phương nhận xét: "Những câu chuyện tưởng chừng đơn sơ, thậm chí gợi nhớ sự "tất định" kiểu như mạch truyện cổ tích, nhưng cái trong trẻo và cả quyết của người viết với những ý tưởng nhân sinh đã làm lay động chúng ta".
(Báo phunuonline.com.vn giới thiệu 29/1/2013)
M.N
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn