Đó là thế giới kỳ lạ của những con người dị biệt với rất nhiều huyễn tưởng, những kẻ "buông thả mình trọn vẹn vào sách vở", những kẻ cô độc kỳ quái trong cái thế giới sáng tạo "đam mê sách vở dẫn anh đến điên dại", những kẻ trở thành nạn nhân cho cái thế giới ma quái của anh ta.
Rất nhiều truyện ngắn trong tập truyện của Linda Lê là những nhà văn. Đó là những nhà văn đơn độc, cô độc và luôn sống trong "cảm thức thất bại". Trong truyện ngắn Người khách, nhân vật chính là một nhà văn viết: "Thường thì những ngày tháng soạn thảo một cuốn sách tôi mỏi mòn vì ngờ vực và khi xong thì kiệt quệ với cảm thức thất bại". Còn trong truyện Con nhện thì: "Tôi đã tưởng, trở thành kẻ làm văn, tôi sẽ lớn lên trong mắt mình và đứa trẻ hãi hùng sẽ biết cách, bằng tấm khiên chữ nghĩa, đương đầu với cái bóng tàn độc khổng lồ. Đôi lần gắng gỏi văn chương lại tăng thêm khiếp hãi thay vì giải thoát cho tôi"…
Cái thế giới đơn độc, dị biệt và bị chữ ám của những người viết này khiến họ trở thành nạn nhân của cái thế giới kỳ quái do chính mình tạo ra, bằng ảo giác, bằng huyễn tưởng, sự điên rồ không lối thoát và cuối cùng dẫn đến những cái chết – vụ giết người kỳ dị không kém. Trong truyện ngắn Con ruồi, nhà văn chọn con ruồi là một nàng thơ để làm cảm hứng sáng tạo trong thế giới đơn độc của mình, đến nỗi "chữ hoá thành ruồi" và cuối cùng trở thành xác chết "hiến sinh cho ruồi". Trong Vết cắn, một người đam mê sách vở đến điên dại: "Anh đang đọc câu chót một chương chấm dứt bằng từ sách. Thình lình, từ ấy tách ra khỏi trang giấy, nhảy vọt lên cắn vào cổ người đọc". Cuối cùng, kẻ đam mê sách vở điên dại ấy cũng tự sát, để lại những trang viết cuối cùng là đoạn nhật ký kể về 20 ngày hoá thân kỳ lạ, "vừa thê lương vừa kinh nghi". Trong Lọ mực, một truyện ngắn mang màu sắc ngụ ngôn chính trị, giọng nói trong lọ mực ra lệnh cho nhân vật xưng tôi, một "ghost writer" (2) cho tên độc tài chính trị lao đến giết chết ông chủ của mình bằng 13 nhát dao. Trong Ngày Bonel gặp người viết điếu văn khóc mình thì cuối cùng cả nhà phê bình và nhà văn đều chết trong một vụ án mạng với sự bí ẩn không lời giải mà chỉ có hai người họ biết, trong cuộc gặp gỡ đầu tiên và cũng là cuối cùng giữa họ.
Rất nhiều tầng ý nghĩa ẩn dụ trong những câu chuyện siêu thực và kinh dị khó có thể lý giải, và đôi lúc cũng chẳng cần phải cố để lý giải. Trong Con mắt của Brion, một truyện ngắn có lẽ là "kinh dị" nhất trong tập truyện này, kể về Brion, một cậu bé được sinh ra ở vùng nhiệt đới. Sau một tai nạn, nó bị mắc một chứng bệnh kỳ lạ về mắt mà không một bác sĩ nhãn khoa nào có thể chữa khỏi, chứng bệnh "nhìn thế giới toàn được tô màu hồng". Brion thấy tuyệt vọng và từ tuyệt vọng trở thành giận dữ và ra tay hành động. Tội ác đầu tiên của nó là một con mèo, nhưng thấy "cay đắng vì mình đặc biệt thế này mà chỉ giết một con mèo". Brion tiếp tục ra tay, danh sách của nó nối dài, từ một con bé bị nó bắn ná thun đến mù mắt, một ông già mù bị đẩy xuống vực sát mép biển, một đứa bạn thân bị chết trôi, một chuyến tàu bị trật bánh khỏi đường ray với 50 xác chết, một đứa trẻ sơ sinh chết do phòng hộ sinh bất ngờ bị hỏng hệ thống sưởi… Nó lớn lên cùng với những vụ giết người càng lúc càng man rợ nhưng vẫn giấu mình đằng sau vẻ ngoài dễ thương và đa cảm như mẹ nó nghĩ. Nạn nhân tiếp theo là bố mẹ nó. Cuối cùng nó chỉ còn lại một mình trơ trọi trên đời. "Brion đã hy vọng cứ gây đổ máu nó sẽ tô được một màu khác lên thế giới, nhưng tất cả vẫn cứ hồng một cách thê thảm". Hắn nghĩ đến chuyện lấy vợ, bởi nghe nói: "hễ lập gia đình là hết thấy đời màu hồng", nhưng trong đêm tân hn, hắn lại nghe vợ thì thầm bên tai: "Em phải cho anh hay một bí mật, em mắc một chứng bệnh kỳ quặc, em thấy đời màu hồng". Một cái kết thật sốc, như câu cuối cùng của truyện "Và nó cảm thấy một lưỡi dao đâm ngập vào bụng mình".
Phần cuối của tập truyện ngắn gồm những truyện ngắn hiện thực hơn nhưng đâu đó vẫn mang không khí siêu thực: Sợi tóc, Giàn giáo, Mổ xẻ một ảo tưởng, Nói với tôi đi, Con nhện. Nếu phần đầu là những truyện ngắn hư cấu rõ nét thì những truyện ngắn này cho thấy một Linda Lê đời hơn và gần hơn với thân phận của kiếp người, của cõi u minh dày đặc, của những ảo tưởng bị mổ xẻ, của cái ác thắng thế: "Toàn bộ minh triết trên đời này đều vô dụng trước sự điên rồ tìm huỷ diệt kẻ khác". (Con nhện). Đâu đó, trong một vài truyện còn mang dấu ấn tiểu sử của tác giả.
Truyện ngắn cuối cùng của tập, Tiếng ngoài hình là một truyện khá độc lập, tách biệt khỏi mê lộ văn chương chung của cả tập nhưng vẫn mang cái không khí của những kẻ trong thế giới sáng tạo điên rồ, bệnh hoạn, hoang tưởng và hư vô. Một truyện ngắn cho thấy Linda Lê của niềm đam mê điện ảnh bên cạnh văn chương.
"Giữa hư vô và khổ não, tôi chọn khổ não", câu nói của William Faulkner, là cứu cánh cho nhân vật cô gái, người tự thú nhận, "đời tôi là một hư vô không viết hoa", một kẻ mắc kẹt vào một cuộc tình mười năm, làm một nô lệ tinh thần và vật chất cho một tay đạo diễn hoang tưởng, giả dối, ích kỷ và bệnh hoạn nghĩ mình là vĩ nhân nhưng mãi mãi là một kẻ thất bại toàn tập. Điều khiến cô gái nhận ra bộ mặt của gã sau một thời gian dài chung sống mà không đủ can đảm để thoát ra khỏi gã, có lẽ bởi vì gã đã đưa cô, từ một con bé tỉnh lẻ lên Paris bước vào với thế giới điện ảnh của những bậc kỳ tài…
Lê Hồng Lâm
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn