Nguyễn Nhật Ánh
Nguyễn Nhật Ánh là tên và cũng là bút danh của một nhà văn Việt Nam chuyên viết cho tuổi mới lớn. Ông sinh ngày 7 tháng 5 năm 1955 tại huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Năm 13 tuổi ông đăng báo bài thơ đầu tiên. Tác phẩm đầu tiên in thành sách là một tập thơ: Thành phố tháng tư …
- Vào trang riêng của tác giả
- Xem tất cả các sách của tác giả
Mở cuốn sách mới của tác giả Nguyễn Nhật Ánh, bạn sẽ gặp những cái tên quen thuộc của những người nổi tiếng ngay trang 5 trang trọng đề tặng "các bạn văn hữu": nhà thơ Bùi Chí Vinh, Phạm Sỹ Sáu, Lê Minh Quốc, nhà văn Nguyễn Đông Thức, nhà phê bình Huỳnh Như Phương, nhà báo Nguyễn Công Khế, Kim Hạnh, … Tuổi niên thiếu của "những thằng quỷ nhỏ" trong truyện có gắn gì với họ không, có phải là họ không, chỉ họ và tác giả mới biết, nhưng bạn đọc thì có thể tưởng tượng ra một nhóm "thằng" thân thiết, bắt đầu lớn, biết thinh thích con gái và ngập mộng văn chương.
Chuyện của bút nhóm học trò, truyện nằm trong truyện, những cơn giận dỗi ghen tuông bạn gái bạn trai với nhau, nhiều nhất vẫn là chuyện nhà trường có các cô giáo hơn trò vài tuổi coi trò như bạn, có thầy hiệu trưởng tâm lý và yêu thương học trò coi trò như con…Trở lại với đề tài học trò, hóm hỉnh và gần gũi như chính các em, Nguyễn Nhật Ánh chắc chắn sẽ được các bạn trẻ vui mừng đón nhận. Cứ lật đằng cuối sách, đọc bài thơ tình trong veo là có thể thấy điều đó "… Khi mùa xuân đến / Tình anh lại đầy / Lá nằm trong lá / Tay nằm trong tay".
Mời bạn đón đọc.
Thư về lớp 9
PN – Chào em lớp 9, em có ngạc nhiên khi đọc Lá nằm trong lá của Nguyễn Nhật Ánh? Lớp 9 ngày xưa “già” quá phải không? Lớp 9 gì mà có bạn gái, tập ngồi quán cà phê, hút thuốc, than mây khóc gió! Nhưng bên cạnh đó cũng đầy những sự ngờ nghệch so với bây giờ. Lớp 9 ngày đó đâu có điện thoại di động, không hề biết vi tính, chơi games.
Tác giả cố tình không để lộ bối cảnh của truyện, nhưng ai cũng biết đó là câu chuyện của một thời đã xa. Vậy có gì gặp nhau giữa lớp 9 ngày ấy và lớp 9 bây giờ? Có lẽ đó là một thoáng rung động đầu đời, là sự ngỗ nghịch của tuổi mới lớn, và nhất là giấc mộng văn chương.
Bút nhóm Mặt Trời Khuya chỉ là một thí dụ. Ở miền Nam thời đó có cả trăm bút nhóm như vậy từ nông thôn đến thành thị. Các thành viên thi nhau chọn những bút hiệu thật "kêu" như Cỏ Phong Sương, Trầm Mặc Tử… Mỗi năm gần Tết hay trước khi nghỉ hè, lớp 9 lại rủ nhau làm báo in ronéo, đem báo đến tận lớp của trường huyện, trường tỉnh để chào hàng. Mặt Trời Khuya may mắn có thầy hiệu trưởng và những cô giáo tuyệt vời, đã nâng niu giấc mơ của họ mà không làm chết yểu khát vọng "biến những điều không thể thành có thể".
Điều kỳ diệu đó của văn chương cũng là điều kỳ diệu của tình bạn. Văn sĩ Mã Phú xuất hiện giữa bút nhóm đúng lúc để "điều chỉnh hành vi" của cả nhóm. Mã Phú là thuốc thử làm xốc dậy lòng tự tin vào chính mình. Cây hoa bông tai, hoa móng tay, bụi chuối trồng bên giếng nước nhà nhỏ Duyên đã hóa thân vào câu chuyện chàng chăn ngựa của Mã Phú. Người kể chuyện thấu hiểu sức mạnh nào đã cuốn hút Lợi, ban ngày vét bùn dưới ao hay thả bò trên đồng, tối về miệt mài với trang giấy trắng: "Khi sắp xếp những ý nghĩ tươi sáng đó rồi rón rén bày ra trên giấy, có thể Lợi đang mỉm cười cho tương lai, cũng có thể nó đang nhỏ nước mắt tong tong xuống hiện tại. Nhưng tôi tin, dù nụ cười hay nước mắt thấm vào những trang văn thì câu chuyện tuyệt vời về chàng chăn ngựa có lẽ đã góp phần ru nó qua những cơn ác mộng của cuộc đời. Giống như người bị sóng nước nhấn chìm đang cố quờ tay vào cọc nhọn, một đứa bị số phận nhấn chìm như Lợi có vẻ cũng đang cố níu lấy một giấc mơ để vượt qua giông bão của cuộc đời" (trang 205).
Rồi Mặt Trời Khuya sẽ phai dần kỷ niệm. Rồi sẽ quên đi những trò nghịch ngợm, giận hờn vô cớ tuổi 15. Lớp 9 phải tản mác đi xa về thành phố, Cúc Tần một phương và Hòa ở một phương. Nhưng cả hai đừng khóc nữa. Lớp 10 lại có những giấc mơ đang chờ đợi…
Huỳnh Như Phương
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn