Giới thiệu sách Kỷ Luật Không Nước Mắt – Phát Hành Dự Kiến 15/07/2019
Giống như mỗi cái cây khác nhau cần được chăm sóc trong điều kiện đất và ánh sáng khác nhau, mỗi đứa con của bạn cũng cần kiểu kỷ luật phù hợp với riêng bé. Hiểu được động cơ của con sẽ giúp bạn loại bỏ một số “cây” hành vi xấu trong mảnh vườn gia đình mình và gieo vào đó những hạt giống mới tốt lành.
Trong cuốn sách “Kỷ luật không nước mắt”, TS. Tâm lý học trẻ em Peter L. Stavinoha và nhà báo chuyên viết về trẻ em và sức khoẻ Sara Au đã chia sẻ quan điểm – kỷ luật không hẳn là hình phạt; thay vào đó, hình phạt chỉ là một phương tiện của kỷ luật. Vì vậy thay vì dùng hình phạt, các bậc phụ huynh có thể sử dụng những “chiến thuật” khác nhau nhằm giáo dục con cái hiểu ra “điều hay, lẽ phải” mà không phải sử dụng những hình phạt có khả năng tổn thương con trẻ.
Cốt lõi của phương pháp giáo dục này xuất phát từ việc thấu hiểu trẻ, quan tâm đến những lý do thật sự đằng sau cách xử sự của trẻ cũng như tác động từ môi trường xung quanh. Từ đó, các bậc phụ huynh thay vì trừng phạt con trẻ, có thể tìm các cách phù hợp – bao gồm hành động hoặc lời nói, nhằm đưa ta thông điệp đâu là hành vi đúng đắn, đâu là hành vi không tốt cho trẻ. Cụ thể, đó là phương pháp làm mẫu cho hành vi tốt, rút lui và phớt lờ với hành vi xấu. Với hành vi xấu, thay vì trừng phạt hoặc la mắng con, các bậc phụ huynh có thể bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng của con, hướng dẫn con theo cách thích hợp và rồi thái độ xấu của bé sẽ tự tiêu tan.
Cuốn sách “Kỷ luật không nước mắt” cũng chia sẻ những bước chủ động mà bạn có thể thực hiện để phát triển những nét tính cách tích cực ở con, giúp con trở thành một người trưởng thành hạnh phúc, sống hữu ích và thành công, cũng như phát hiện những trạng thái tiêu cực gây nguy hiểm cho trẻ, cách làm lành và tìm hướng giải quyết tốt nhất với con.
Cuốn sách chắc chắn sẽ là cuốn cẩm nang hữu ích dành cho những người sắp bước vào hành trình làm cha mẹ, các bậc phụ huynh đang tìm cách nuôi dạy con tốt hơn, cũng như các bậc cha mẹ đang tìm cách xử lý những “khủng hoảng” trong quá trình này. Bởi kỷ luật – không phải là trừng phạt con, mà là một hình thức khác của yêu thương, giúp con hoàn thiện mình và thấu hiểu bản thân trong quá trình trưởng thành.
Mời bạn đón đọc.