Đó là tập Để viết phóng sự thành công, Kính thưa Osin (NXB Thông Tấn). cả hai tập sách này cho thấy Huỳnh Dũng Nhân là cây bút phóng sự tài hoa, độc đáo và theo đuổi bền bĩ thể loại này. Theo đánh giá của nhà báo Hữu Thọ – nguyên Tổng biên tập báo Nhân Dân; nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương; Nguyên Trợ lý Tổng bí thư BCH TW Đảng Cộng sản Việt Nam:
"Tôi biết Huỳnh Dũng Nhân là cây bút phóng sự, cũng biết anh là giảng viên môn Phóng sự ở Trường Đại học KHXH và Nhân văn, Tp. Hồ Chí Minh. Đó cũng là lẽ bình thường đi "từ trang viết tới giảng đường" của nhiều nhà báo trong đó có tôi.
Mỗi nhà báo có thế mạnh về từng thể loại và có những kinh nghiệm riêng. Nhưng đã đứng trên bục giảng thì lúc đầu có thể nói kinh nghiệm riêng về từng bài viết, nhưng rồi phải nghiên cứu lý luận, kinh nghiệm của các bạn đồng nghiệp để đúc kết thành những nguyên tắc, quy phạm thì mới có thể hướng dẫn các bạn sinh viên khi bước vào nghề. Đọc bản thảo giáo trình phóng sự của anh thấy rõ cuốn sách đã hội tụ những yếu tố đó.
Tôi biết Nhân từ lâu, từ lúc anh còn bé, rồi sau thấy anh theo nghề báo nối nghiệp cha – cha anh là một người bạn của tôi – một nhà báo rất sắc sảo, lại tham gia giảng dạy mấy bài về nghề khi anh lấy bằng đại học thứ hai về báo chí, cho nên tôi luôn theo dõi công việc của anh, bài viết nào của anh tôi cũng đọc, và nhận thấy anh làm việc rất tận tụy, bài nào cũng thấy mồ hôi, gió bụi đường trường. Đọc sách về nghề của anh cũng thấy sự công phu đó.
Một nhà báo lăn lộn trong cuộc sống, tận tụy với nghề, có những thành đạt trong thể loại phóng sự mà nói (hoặc giảng) về phóng sự thì thật đáng quý, là tài liệu tham khảo rất bổ ích đối với các bạn nhà báo mới vào nghề hoặc đang làm nghề".
Để bạn đọc của PNO có dịp thưởng thức trang phóng sự của Huỳnh Dũng Nhân, chúng tôi được phép post lại phóng sự Ngoài ấy là Trường Sa do anh viết từ năm 1993. Vấn đề của anh đặt ra vẫn còn có ý nghĩa thời sự trong tình cảm của chúng ta dành cho biển đảo của Tổ Quốc.
NGOÀI ẤY LÀ TRƯỜNG SA
Huỳnh Dũng Nhân
Chúng tôi lên đường đi thăm Trường Sa với một chuỗi điều kiện thuận lợi nhất, may mắn nhất, lý tưởng nhất. Về thời tiết, tháng 3 âm lịch là tháng biển êm ả, xanh trong, sóng chỉ cấp 1, cấp 2. Chẳng thế mà dân gian có câu: "Tháng ba bà già đi biển". Nếu biển không êm ả như vậy, chất mơ màng và mọi ý thơ điệu nhạc chắc sẽ phải nhường chỗ cho những trận say sóng nhớ đời. Điều thuận lợi thứ hai là chúng tôi đi vào mùa trăng sáng. Suốt đêm, biển mờ ảo, xanh lơ trải mênh mông, sóng hai bên thân tàu trắng xóa, dạt dào kéo theo những đàn cá thích bơi theo tàu làm quen. Hơn nữa, chúng tôi được đi trên chiếc tàu HQ 957. Tàu này nguyên thủy là tàu kéo của Liên Xô đóng năm 1981, đến năm 1989 thì bàn giao cho Hải quân Việt Nam. Ngoài nhiệm vụ làm tàu kéo, cứu hộ, nó còn được trang bị đầy đủ tiện nghi để chở các đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước đi thăm bộ đội hải đảo. Hiện nay tàu HQ 957 được coi là "á hậu" của quân chủng hải quân, sau hoa hậu Ti Tan của CHLB Đức tặng Việt Nam. Nếu bạn được đi trên chiếc tàu này thì gian khổ đã được giảm đi một nửa, vì trên tàu đầy đủ nước sinh hoạt và các đầu bếp dã chiến thành thạo.
Nhờ những may mắn như thế, chuyến đi của chúng tôi ra thăm bộ đội hải đảo không khác gì một chuyến du ngoạn trên biển. Ngay từ lúc tàu thả neo ngoài khơi Vũng Tàu, bạn đã được chiêm ngưỡng Vùng Tàu lấp lánh đèn màu, từ ngoài biển nhìn vào chứ không phải từ trong bờ nhìn ra như thường ngày. Ở đây, bạn sẽ thấy những con sứa dập dềnh với thân thể trong suốt, chúng đã quá quen với tàu bè qua lại vùng này nên chỉ xuất hiện "chào hỏi" qua loa rồi lặn mất tiêu.
Hôm sau, bạn sẽ thức dậy sớm để thấy mặt trời mọc. Bạn cứ nhắm chếch phía tay phải mạn tàu, bạn sẽ thấy dàn khoan Bạch Hổ sừng sững xếp hàng trên biển, với khoảng 10 tháp khoan, vài chiếc tàu vào "ăn" dầu. Dễ thấy lắm, vì dàn khoan nào cũng đang đốt khí thừa, tạo thành những luồng lửa đỏ chói giữa biển xanh ngắt.
Biển là một tác phẩm thiên nhiên tuyệt vĩ. Không có màu xanh nào của các họa sĩ có thể nói đúng lên cái màu xanh của biển, muôn màu mà không pha tạp, có lúc chỉ thấy biếc, thấy huyền, thấy thẫm, có lúc thấy trong vắt đến sờ sợ, đến hoang mang trước tạo hóa.
Đi trên biển Đông của đất nước, tàu thuyền thường có những người bạn nhỏ, nếu không có chúng thì thật buồn, vì có lúc lênh đênh trên biển người ta có nhu cầu nhìn, nhu cầu gặp gỡ gấp vạn lần lúc thường. Đó là những chú hải âu mình trắng, cánh và lưng có mảng đen. Chúng đi theo tàu như người đồng hành, nhưng hoàn toàn thờ ơ, lạnh lùng với sự chú ý của du khách. Chúng chỉ nhìn chăm chú xuống làn sóng do tàu tạo ra, để bắt cá. Khi phát hiện ra mục tiêu, chúng xếp cánh lại, lao xuống như một quả rốc-két. Nếu chụp trúng chú cá chậm chạp, chúng sẽ dùng bữa ngay trên mặt sóng. Còn vồ trượt, chúng sẽ cất cánh như một chiếc thủy phi cơ để sau đó tiếp tục quy trình bắt mồi kiêm biểu diễn cho khách đi trên tàu. Chẳng biết vô tình hay cố ý, mấy chú hải âu vồ cá thường trượt nhiều hơn trúng, làm cho khách trên tàu thêm hồi hộp.
Mỗi diễn viên không kém phần hấp dẫn là các chú cá chuồn, một loài cá biết bay. Khi tàu đến gần, từng tốp cá chuồn như giật mình phóng lên mặt nước. Chúng lấy trớn bằng cách nào đó rất tài tình, rồi giương "cánh" bay rất nhanh và xa hàng chục mét. Một đồng nghiệp chuyên theo dõi các nhóm đua xe tốc độ ở thành phố quả quyết rằng nhóm cá chuồn này còn "lạng lách" rất điệu nghệ.
Tàu càng đến gần đảo Trường Sa, mọi sự thú vị càng lớn. Có lúc mọi người đang mắc võng lim dim ngủ ở hai bên mạn tàu, bỗng có người la lên: "Cá heo". Lập tức mọi người đổ xô ra mạn tàu. Ôi! Những chú cá heo huyền thoại. Chúng quả là động vật đoàn kết và vui tính. Từng đoàn cá heo nhào lộn trên mặt nước nửa đùa nghịch, nửa nghiêm túc báo cho người đi biển sắp biển động. Người ta bảo cá heo là cứu tinh của những người đi biển, chỉ thấy bấy nhiêu thôi cũng đủ làm mọi người nhìn bầy cá với tất cả thiện cảm.
Chúng tôi ngồi ở boong tàu, chiều mát, uống một tý rượu với cá khô chỉ vàng. Rồi thả vỏ chai rượu nút kín xuống biển, trong đó có đề tên tuổi của cả nhóm nhà báo đi thăm Trường Sa, có ai lượm được cũng vui. Cha ông ta xưa kia vẫn lãng mạn như vậy.
Khi tàu neo lại tất cả đều nhìn xuống nước. Đó thật sự là chốn thủy cung. Màu nước trong đến vô cùng khiến bạn có thể nhìn được tận đáy biển lấp loáng như kính vạn hoa dưới ánh nắng mặt trời. Ở đó có san hô từng vồng như mỏm núi, từng cây san hô óng ánh xanh, tím ẩn hiện. Hàng đàn cá màu sắc sặc sỡ đến khó tin, hoặc chỉ có thể tin khi bạn xem trên tivi chương trình "Thế giới đó đây" mà thôi. Chúng tôi được giới thiệu rằng ở đây có loài ốc nón rất quý. Lính đảo Trường Sa thường lặn xuống biển mò ốc đem về mài bóng lên bán cho tàu buôn, tàu buôn bán lại cho các cơ sở sơn mài để lấy vỏ ốc xà cừ cẩn vào tranh. Vùng biển Trường Sa có trên 1.000 loài cá, trong đó có hơn 100 loài cá xuất khẩu có giá trị cao, lại là thềm lục địa có dầu, khiến cho chúng tôi càng thấy rõ hơn ý nghĩa của câu "đất nước ta rừng vàng biển bạc". Ngay cả cảnh đẹp của vùng biển Trường Sa cũng rất có thể trở thành một nơi du lịch. Hiện nay ở quần đảo Trường Sa đã bắt đầu xây dựng cầu cảng, đèn biển, đã có Ăng-ten Parabol bắt được sóng vệ tinh, đã có hướng phát triển cụm dịch vụ khoa học kỹ thuật cho huyện đảo.
Lính đảo – những "cây phong ba"
Từ tàu HQ 957, chúng tôi được đưa xuống xuồng máy để đổ bộ vô bờ. Nước trong xanh lạ thường. Các chiến sĩ hải quân rất trẻ, người cao tuổi nhất chỉ 36, 37 tuổi nhưng đã mấy năm ở đảo. Đây gọi là Trường Sa Lớn, tên là "Lớn" nhưng cũng chỉ rộng bằng khoảng ba, bốn cái sân bóng đá. Đứng đầu này thấy đầu kia của đảo. Nắng chói chang, rất ít gió. Không có cây cối nào sống sót ngoài một loài cây được lính đảo đặt tên là cây "Phong Ba". Đảo trưởng Nguyễn Bá Ngọc đón chúng tôi bằng một bài "diễn văn" rất lính. Anh tóm lược lý lịch của đảo bằng những con số vĩ tuyến, kinh tuyến, diện tích, nhiệt độ… mà anh đã thuộc lòng. Rồi anh kể: Một chiến sĩ trên đảo chỉ xài được 6 lít nước ngọt mỗi ngày, diện tích ở là 6.6m2 một người, tiêu chuẩn ăn là 6.600 đồng một ngày… nhưng có nhiều "nhiệm vụ", phải tăng gia rau xanh, phải bắt được con vích để cải thiện, bắt mỗi con vích được thưởng 10.000 đồng, có vích bò lên mà không phát hiện được thì phạt, vì đã… mất cảnh giác và làm mất nguồn thịt cho đơn vị.
Sau bữa cơm trưa mang từ dưới tàu lên, cánh nhà báo thả bộ vòng quanh đảo. Đập vào mắt chúng tôi là những bồn rau trồng cao hơn mặt đất một mét trong những cái máng được che chắn cẩn thận. Một chiến sĩ tên Hùng đang tưới ra giải thích:
Phải trồng như thế để tránh khỏi bị chuột ăn. Đảo này nhiều chuột lắm, trên giao chỉ tiêu một tháng mỗi chiến sĩ phải tiêu diệt được mười con chuột mà không ăn thua…
– Sao không nuôi mèo? – Tôi hỏi.
– Tàu nào chịu chở mèo ra đảo hả anh?
Anh chiến sĩ trẻ trả lời bằng một câu hỏi. Lại còn thế nữa. Tăng gia, trồng trọt ở đây đều là "nhiệm vụ". Các chiến sĩ đã thử trồng một cây bàng nhưng tốc độ tàn rụi trước thiên nhiên. Một con số nhói lòng: Ở đảo này năm 1992, phải "đón" chín trận bão đi qua. Chẳng thế mà phải trồng "một kilogam giống, một ký rau". Mà rau thì chưa kịp lớn đã phải hái nấu canh. Muốn đánh cá cải thiện cũng không dễ, lính hoàn toàn không có phương tiện đánh bắt ngoài việc câu, lặn, đánh mìn. Nhiều khi xuống vớt cá còn tranh nhau với cá mập. Chúng tôi vào thăm lán trại của lính… đâu đâu cũng thấy treo hình các cô hoa hậu, diễn viên, người mẫu. Điều này cũng dễ hiểu thôi. Cả một vùng đảo Trường Sa rộng tới 180.000 km2 với 31 điểm đảo này không hề có bóng phụ nữ. Những người dân duy nhất ở đảo là cán bộ của trạm khí tượng thủy văn Trường Sa cũng toàn là nam giới và sinh hoạt y như những người lính thực thụ.
Phải đến đây mới cảm nhận được tận cùng cái thiếu của người lính. Những gì ở đất liền coi là bình thường nhất thì ở đây là thứ quý hiếm. Báo đọc phải xem hình trước, coi chữ sau kẻo hết, còn tem thư, muối, nước ngọt, thuốc men… đều được phân thành chỉ tiêu, được chia đều. Chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi biết cứ hai chiến sĩ mới được một con tem để gửi thư về nhà. Lá thư ở đây là một cái gì rất thiêng liêng. Tôi biết anh lính trẻ có cái tên rất con gái: Hiền, chiều hôm ấy rất buồn. Anh bảo: "Em nghe tin có tàu ra từ mấy hôm nay, khấp khởi mong mãi. Thế mà bây giờ tàu lại chả có lá thư nào của gia đình". Anh lính trẻ này mới lấy vợ là lên đường, đang trông ngóng tin nhà với hi vọng vợ báo tin sẽ có đứa con đầu lòng. Hôm nay, anh được cử ra phục vụ phòng khách. Lúc diễn văn nghệ, thấy anh cứ thấp thỏm, chúng tôi giục:
– Sao Hiền không đi coi đi?
Hiền trả lời:
– Em được phân công phục vụ khách, không được vắng mặt, chứ thực ra cũng muốn đi xem lắm, đã bao lâu rồi mới có văn công ra đảo mà.
Chúng tôi hứa sẽ ở nhà coi nhà cho Hiền, anh mới chịu đi xem văn nghệ. Thế mà chỉ loáng một cái là chạy về khoe:
– Em đã thấy mấy chị văn công rồi. Còn bây giờ ngồi đây nghe vọng lại cũng được.
Sau buổi văn nghệ chính thức, lại có một chương trình văn nghệ tại sân nhà chúng tôi ở. Đêm ấy trăng mười ba. Sóng biển dạt dào bốn phía, chúng tôi và những người lính cùng uống rượu và hát. Bây giờ ở Sài Gòn, chắc cũng chưa phải là khuya lắm. Sài Gòn còn thức, sáng rực rỡ, đông vui, đèn màu, xe cộ… Những người lính ở Trường Sa này chưa mấy người được đặt chân đến Sài Gòn. Điều họ mong đợi duy nhất trong lúc này có lẽ là những lá thư gia đình, bạn bè từ miền quê Bắc Bộ xa xôi mùa này đang căm căm gió bấc mưa phùn.
Chỉ trong một buổi chiều, mọi người trong đoàn nhận được nhiều thư chuyển giùm về bưu điện. Phần lớn thư không có tem. Nhiều thư gởi cho các câu lạc bộ giao lưu kết bạn với những mã số bí ẩn N1, N2. Hỡi các cô gái có các mã số ấy ở mọi phương trời đừng bao giờ đùa cợt với một lá thư cho lính đảo, đó là niềm an ủi của họ trong những năm xa nhà.
Hồi chiều, tôi đã đọc được một bài báo tường khá hay của lính đảo Trường Sa:
"Em đừng lo lửa mặt trời bỏng rát,
Da bọn anh cái nắng chỉ như đùa
Em đừng cười lính đảo quá vô tư
Đi vấp đá cúi nhìn càng thêm vấp
Mấy năm trời khát bóng người con gái
Tối anh về lại toàn lính với nhau
Hết đánh bài anh lại bày câu
Câu cũng hết anh lại bày nói dóc
Ước một lần được nghe lời con gái
Tưởng mười năm đủ sức sống xa nhà…"
"Như là ngàn gian khổ, chưa hề đi qua anh…"
Thế nhưng, đảo Trường Sa Lớn này còn là loại "sướng" nhất quần đảo. Có những đảo còn cực khổ hơn nhiều. Chúng tôi đã đến hai cụm từ A và B của đảo Đá Tây, một trong những nơi vất vả nhất của lính đảo. Tạo hóa hàng vạn năm qua đã kỳ công tạo dựng một ngọn núi bằng san hô, có lẽ xa xưa hơn, nó là miệng núi lửa nên lõm ở giữa. Chính ở cái chỗ mênh mông ấy, hiện lên một doi cát, nhưng thường xuyên bị chìm xuống hoăc bị gió biển làm biến dạng. Mỗi cụm chỉ vài chiến sĩ. Diện tích sử dụng của họ có lẽ chỉ khoảng 3m2 một người. Có thể nói chỉ cần đi lại sơ ý là họ có thể rớt xuống nước. Ở đây không đủ chỗ đá cầu chứ nói gì đá bóng. Đối với đảo Đá Tây, cái cực khổ của họ là thiếu nước ngọt, rau xanh và thừa sóng gió, bão biển… Tôi nhận từ tay những người lính trẻ ấy một ca nước mưa được múc từ hầm ngầm và cảm thấy chưa bao giờ mình uống hớp nước thận trọng và dè xẻn đến thế. Có người thấy tôi đi Trường Sa bảo: Bây giờ có gì mới đâu mà đi. Có lẽ chiến tranh đã tạm ngưng để nhường chỗ cho một thời kỳ xây dựng khá êm ả ở Trường Sa. Nhưng đến cả bây giờ, người lính Trường Sa vẫn còn hy sinh. Chỉ mới đây thôi, bốn chiến sĩ hải quân của Tàu Biển Đông 23 chèo xuồng từ tàu vào đảo giữa lúc sóng to gió lớn đã bị mất tích. Đó là Nguyễn Văn Từ, thuyền trưởng; Ngô Sĩ Nga, máy trưởng; Lê Văn Hạnh và Nguyễn Văn Cung, thủy thủ… Không một dấu vết, tin tức gì về họ giữa lòng biển cả mênh mông này. Nếu có xuồng máy tốt, có lẽ họ đã thoát hiểm. Khi thăm đảo Trường Sa Lớn, đoàn chúng tôi cũng đã đến cắm nhang trước mộ hai chiến sĩ trẻ hy sinh khi làm nhiệm vụ. Mộ của họ hướng vào đất liền. Không có một bông hoa tươi nào để viếng. Khi tàu chúng tôi rời đảo Đá Tây thì bị mắc cạn. Mũi tàu bị mắc kẹt giữa những tảng san hô. Sau chín, mười tiếng mắc cạn, chúng tôi càng có dịp suy ngẫm nhiều hơn cái mênh mông và bao la, khắc nghiệt và hung hãn của biển cả, để từ đó, thấy hai cái chấm lô-cốt nhỏ nhoi tồn tại trên biển Đông kia mới hào hùng biết bao!
Thế nhưng những người lính đảo ấy vẫn rất hồn nhiên, yêu đời. Các anh tặng cho đoàn những cây hoa làm từ vỏ ốc biển, tặng luôn cả mấy ký khô cá "xu mi" và ốc nón mà lẽ ra để dành sẽ bán rất nhiều tiền. Người lính trẻ nào cũng thích chụp ảnh. Và đã có nhiều người chụp ảnh cho họ, hứa hẹn rồi đi mất biệt… Các đồng chí cán bộ hải quân áy náy dặn: "Đừng nói gì về cực khổ của anh em". Vâng! Sự hy sinh, chịu đựng gian khổ vốn là thuộc tính của người lính nói chung và người lính đảo nói riêng. Nhưng không nên vì thế mà chúng ta im lặng.
Hãy đến với Trường Sa nhiều hơn!
Trong một vài ngày ngắn ngủi ở bên cạnh các chiến sĩ Trường Sa, chúng tôi thấy cần phải làm thế nào để tiếp tế cho Trường Sa nhiều hơn nữa. Trong thực tế, ngoài tiêu chuẩn, chế độ, sự đóng góp ủng hộ của đồng bào cả nước cho Trường Sa cũng đạt được những kết quả khích lệ. Song, để số hàng hóa này đến tận tay chiến sĩ Trường Sa phải có nhiều biện pháp tích cực. Nếu chỉ là chiến sĩ đóng ở trên đảo Trường Sa thôi thì số lượng đó không nhiều, quân đội và nhân dân cả nước dư sức chăm lo cho anh em chiến sĩ. Vấn đề là phải vận chuyển và bảo quản, phân phối hàng hóa đó thế nào cho hợp lý. Với hàng ngàn cây số đường biển, khí hậu lại khắc nghiệt, một năm chỉ có ba tháng biển êm, việc vận chuyển quả là không dễ dàng. Vì vậy mỗi lần vận chuyển cách xa nhau vài tháng, gây sự thiếu thốn cho chiến sĩ. Chúng tôi thấy cần phải xác định rõ đối tượng ưu tiên là chiến sĩ đóng trên các điểm, đảo của quần đảo Trường Sa. Có thể dùng một số tiền quên góp được tập trung vào một khâu vận chuyển như đóng tàu, mua xăng dầu, chi phí vận tải. Chuyến tàu của chúng tôi đi Trường Sa một tuần mà nghe nói tốn kém đâu cả 500 triệu đồng. Vì vậy, yếu tố kết hợp mạng lưới tàu bè dân sự đi Trường Sa hoặc đi qua Trường Sa, cũng hết sức cần thiết. Chỉ có tận dụng mọi cơ hội như vậy, đường dây liên lạc với Trường Sa mới đều đặn, tạo điều kiện để cải thiện đời sống cho chiến sĩ. Đó cũng là điều mong ước nhỏ nhoi của người lính hải đảo.
Chúng tôi rời đảo đêm trăng rằm. Biển êm ả như hồ bơi của thiên nhiên dành cho các mỹ nhân ngư. Hàng đàn cá chuồn bay là là mặt nước. Thỉnh thoảng xuất hiện một đàn cá heo nhào lộn xa xa. Một vài con sứa dật dờ quanh tàu. Giàn khoan Bạch Hổ trông xa như những con hươu cao cổ đang khạc lửa lên trời. Thiên nhiên tuyệt mỹ. Nhưng đó cũng là lúc Đài tiếng nói Việt Nam báo tin có gió mùa Đông Bắc. Hình ảnh những người lính trấn giữ đảo khơi lại hiện lên trong tâm trí tôi, giữa mịt mùng sóng gió…
LÊ VĂN NGHỆ
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn