Giới thiệu sách Kinh Tế Học Cấm Đoán
Từ xưa đến nay, rượu và ma túy vẫn là những chất gây nghiện bị cấm đoán ở mọi nơi trên thế giới bởi những hệ lụy mà nó gây ra. Không chỉ tàn phá cơ thể con người, những chất cấm này còn là tác nhân gây ra vấn nạn buôn lậu, tham nhũng và những tác động gián tiếp đến thế hệ mai sau. Vậy, đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao những hành động cấm đoán mạnh tay của chính phủ các nước trên thế giới vẫn không thể tiêu diệt được hoàn toàn các loại chất cấm này? Đầu thế kỉ XX, Mĩ đã từng ra Luật cấm rượu, có Liên minh bài trừ quán rượu và thậm chí là Đảng cấm rượu, thế nhưng những hành động mạnh mẽ đó lại chỉ tạo ra những tác dụng ngược. Thống kê cho thấy số lượng người phạm tội có liên quan đến rượu ngày càng tăng, tỉ lệ tham nhũng và buôn lậu cũng tăng cao chóng mặt. Chính những điều này đã khiến chính phủ Mĩ phải xem xét lại và hủy bỏ luật cấm kia. Vậy phải chăng chúng ta nên thay vì cấm đoán, hãy mở ra một lối đi khác để giảm bớt những hậu quả mà các quy định cấm đoán gây ra?
“Về mặt lí thuyết, cấm đoán làm gia tăng tội phạm từ cả phía “cung” lẫn phía “cầu”. Về mặt thống kê, chúng ta cũng nghĩ rằng tội phạm tăng vì có thêm những “tội ác” do cấm đoán gây ra và các tội ác kèm theo của nền kinh tế ngầm, ví dụ như những tội ác liên quan tới việc xác định khu vực của thị trường và thực hiện các hợp đồng. Các công trình nghiên cứu thực nghiệm về nguyên nhân của tội ác và thay đổi về mức độ phạm tội là công việc cực kì khó khăn và thiếu chính xác. Một cái nhìn tổng quan về các xu hướng của tội ác trong lịch sử cho ta cơ hội đánh giá những lí thuyết khác nhau về tội ác và mối quan hệ bị bỏ qua giữa tội ác và cấm đoán. Theo cách tiếp cận kinh tế học (quá trình thị trường) đối với tội ác thì phát triển kinh tế sẽ dẫn đến ít hoạt động tội phạm hơn, còn cấm đoán sẽ tạo ra nhiều tội ác hơn (bên cạnh những hành vi vi phạm cấm đoán). Sự gia tăng tội ác được đoán trước do cấm đoán gây ra là hàm số của cả mức độ thực thi luật pháp và nhu cầu căn bản về các sản phẩm bị cấm đoán.”
Cuốn sách này sẽ nói với bạn rằng về cơ bản rằng những cấm đoán, ngăn cản trong xã hội mà bạn vẫn cho là thật hợp lý về đạo đức, được luật pháp hay các phương tiện gần như luật pháp bảo hộ, hầu hết chúng đều không có tác dụng, nếu không muốn nói là phản tác dụng. Tức là chúng thường tạo thêm những điều tồi tệ hơn cho nhiều thành phần trong xã hội, hoặc làm phát sinh thêm những vấn nạn mới như tội ác khốc liệt hơn, dung dưỡng tham nhũng, đặc quyền và hình thành thêm các băng đảng.
Kinh tế học cấm đoán là một cuốn sách rất đặc biệt mà bạn phải đọc một cách cẩn trọng, đa chiều, cởi mở, và qua đó, hãy nhìn nhận các vấn đề dưới con mắt của một trí tuệ tự do – điều mà những người trong ngành kinh tế luôn tự nhủ phải giữ gìn. Có như vậy, bạn mới có thể tránh khỏi “chấn thương” khi tiếp nhận những thông tin thú vị mà cuốn sách đưa ra.
Mời bạn đón đọc.