Giới thiệu sách Kim Bình Mai (Trọn Bộ 4 Tập)
Bạn đọc đang tiếp xúc với bộ tiểu thuyết trường thiên, một pho “kì thư” rất đặc sắc của nền văn học cổ điển Trung Hoa.
Đó thực sự là lịch sử cuộc đời đầy tội ác và sinh hoạt gia đình nhơ bẩn của Tây Môn Khánh, một kẻ hãnh tiến xuất thân từ một chủ hiệu sinh dược, nhưng do những mánh khoé bóc lột và hành vi ác bá, kéo bè kéo cánh, thông lưng với quan lại một bước nhảy tót lên địa vị một thổ hào thân sĩ giàu tiền của, đầy quyền thế. Từ cái bàn đạp đó, ngoi lên, vịn vào quan hệ nghĩa phụ tử với Thái Kinh, một viên đại thần hiển hách ở triều đình lúc bấy giờ, Tây Môn Khánh đã trở thành Đề hình Thiên hộ ở bản huyện, tham lam tàn ác, bẻ cong phép nước, ăn tiền hối lộ, hại người lương thiện, và sống cuộc đời dâm ô cực kỳ bỉ ổi.
Quả đã phơi bày bộ mặt thật của xã hội đương thời qua những trang sách tràn đầy hơi thở hiện thực. Qua mối quan hệ chằng chịt của nhân vật chính Tây Môn Khánh với mọi lớp người trong xã hội, tác giả đã khắc hoạ chân dung sinh động cùng trạng thái tinh thần muôn vẻ của hàng loạt nhân vật, từ những viên hoạn quan làm mưa làm gió trong cung đình ngay bên nách hoàng đế, đến những tên lưu manh du thủ du thực, những tay dao búa chuyên nghiệp, những tên côn đồ bịp bợm lừa đảo đầy rẫy ngoài phố chợ. Qua những hành vi đê tiện và những mánh khoé tội lỗi của chúng, tác giả đã vẽ lên khá tỉ mỉ và khái quát một bức tranh xã hội đen tối tàn khốc, trên thực tế đó, cũng chính là xã hội mà tác giả đang sống, xã hội phong kiến Trung Quốc thời Minh từ sau Chính Đức đến giữa Vạn Lịch Nhân vật chính Tây Môn Khánh trước hết là một con quỷ dâm dục hiện hình, một mình y đã có một thê và năm thiếp nhưng còn sẵn sàng cưỡng dâm từ con gái nhà lành đến đàn bà goá bụa, giết chồng đoạt vợ, kể cả vợ bạn, em dâu y cũng không tha. Dâm dục đi đôi với tàn bạo là nét bản chất xuyên suốt cuộc đời y cho đến kết thúc bằng cái chết vì bệnh dâm dục.
Bên cạnh Tân Môn Khánh là Phan Kim Liên được xây dựng như một nhân vật điển hình của hạng phụ nữ tà dâm, xảo quyệt. Thông dâm với Tây Môn Khánh, thị đã nhân tâm và quỷ quyệt đầu độc chồng là Võ Đại, rồi khi chồng đã ngấm thuốc chết hẳn “hai hàm răng nghiến chặt vào nhau, cắn cả vào môi chảy máu, tai mũi và cả mắt đều ứa máu ròng ròng” thì thị cùng Vương bà “kéo xác Võ Đại ra sau nhà, lau sạch vết máu, đội mũ đi giày cho tử tế, lấy khăn phủ lên mặt cho Võ Đại rồi cả hai cùng ngồi khóc”. Thị lập bàn thờ chồng với bài vị “Vong phu Võ Đại lang chi linh”, nhưng sẵn sàng hú hí với Tây Môn Khánh ngay trước bàn thờ ấy.
Xoay quanh các nhân vật chính đó, thôi thì đủ hạng vô lại cặn bã của xã hội: Ứng Bá Tước và Tạ Hi Đại bợ đỡ nịnh hót, Trương Thắng và Lưu Nhị du thủ du thực, thằng quýt con sen Lai Vượng, Thu Cúc, con hát Lưu Quế Thư, kép về Vương Kinh, cho đến thái giám, môn quan, tăng lữ, ni cô, đạo sĩ, bà mối… tất cả đám người kí sinh trong xã hội đô thị.
Trên phương diện xây dựng hình tượng nhân vật cụ thể, tác phẩm đã sáng tạo khá thành công một loạt tính cách điển hình có xương có thịt.
Mục lục:
Lời giới thiệu
Hồi 1: Bạn bè kết nghĩa, vui thú ăn chơi
Hồi 2: Cao tăng đoán mộng, nghĩa đệ tặng lời
Hồi 3: Kẻ tới gây chuyện, người đi dò hỏi
Hồi 4: Người quy tiên, kẻ bị mắng
Hồi 5: Mưu sâu kế hiểm
Hồi 6: Cái chết đau thương
Hồi 7: Những ngày vui thú
Hồi 8: Vui duyên mới
Hồi 9: Tai vách mạch rừng
Hồi 10: Người tẩu thoát, kẻ chết oan
Hồi 11: Thương kiếp tù đày
Hồi 12: Sóng gió trong nhà
Hồi 13: Một trận đòn ghen
Hồi 14: Tình bè bạn, nghĩa vợ chồng
Hồi 15: Tan cửa nát nhà
Hồi 16: Thê thiếp đi chơi
Hồi 17: Nóng lòng tái giá
Hồi 18: Tình đời thay đổi
Hồi 19: Qua cơn kinh hãi
Hồi 20: Roi da không bằng nước mắt
……
Mời bạn đón đọc.