Giới thiệu sách Khách Thương Hồ
Khách Thương Hồ
Ở Đồng bằng sông Cửu Long, có một tập quán làm ăn hình thành từ thời khẩn hoang. Vào khoảng tháng 9 âm lịch, nông dân từ miệt Tiền Giang, hay còn gọi là miệt vườn (Cần Thơ, Cửu Long, Bến Tre, Tiền Giang, Long Xuyên…) rảnh rỗi việc mùa màng, rủ nhau xuống xuồng ghe xuôi theo con nước lũ về miệt Hậu Giang (Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá…) để bán hàng bông và gặt lúa mướn, sau đó thì trở về quê khi tết nhứt gần kề.
Người Hậu Giang gọi họ là bà con miệt vườn, nhưng những người sính dùng chữ nghĩa thì đặt tên cho những cuộc đời lênh đênh sông nước ấy một cái tên mỹ miều: khách thương hồ!
Quê tôi nằm dọc theo con sông Bạc Liêu, vì thế mà thuở nhỏ, năm nào tôi cũng được tắm mình trong cái không khí rộn ràng của mùa gặt mướn. Thời điểm bắt đầu là khi gió chướng về. Đó là một ngọn gió rất lạ. Nó tiềm ẩn những huyền diệu của thiên nhiên. Đầu tiên là những ngọn gió giao mùa cứ vần vũ, quật qua quật lại, sau đó là gió chướng sòng xuất hiện. Loại gió này vô cùng phóng khoáng, nó mang tất cả những mát mẻ của đất trời thổi vào đồng ruộng, xóm làng và tràn ngập lòng ta. Nó làm không gian dậy lên cái hương lúa mới nồng đượm. Chính vì thế mà lòng ta rạo rực mong chờ một mùa no ấm, mong một cái Tết có áo mới, pháo nổ gần kề… Bỗng nghe dưới bến sông có ai hò: “Bớ ghe sau chèo mau tôi đợi/ Khúc sông này bờ bụi khó qua”… Mới hay, đã bắt đầu mùa bà con miệt vườn về miệt Hậu Giang làm ăn…
Trên sông, khách thương hồ cất lên giọng hò: “Ngồi buồn vọc nước giỡn trăng/ Nước xao, trăng dợn biết rằng về đâu”. Hát thế là hát cho kẻ mới đi gặt, đi buôn xuống miệt Hậu Giang lần đầu hoặc tình cảnh của dân thương hồ ngày nay, chứ ngày xưa, đa phần khách thương hồ đều có bến đậu.
Đời của khách thương hồ là đời lênh đênh sông nước, rày đây mai đó, vì vậy, có những nỗi niềm sướng khổ rất riêng. Họ là những kẻ hải hồ lang bạt, mượn bốn phương làm nhà, nếm trải nhiều món ngon vật lạ, thuộc làu trăm nẻo xa xôi…
Khách thương hồ như một cuốn bách khoa thư bỏ vừa cái túi áo bà ba, nói chuyện xứ sở bằng sự tỉ mỉ của một nhà khảo cứu, óc quan sát của một nhà báo, trộn với tài kể chuyện của một nhà văn, và đong đầy máu tim của một đứa con không bao giờ xa quê.
Mời bạn đón đọc.