Thủ đô Hà Nội nói riêng, đô thị Việt Nam có phải là cái bánh gatô chung mà ai nấy đều đang nhảy vào xí phần, giành giật? Câu hỏi có tính "đụng chạm" đó đặt ra đúng vào lúc bối cảnh đô thị hoá tại Việt Nam đang phô bày nhiều bất cập nhìn từ lăng kính văn hoá.
Châm biếm, bắt bệnh văn hoá đô thị đương đại Việt Nam, đó là tinh thần chung của tập tiểu luận này. Tác giả không ngồi trên chiếc bàn của nhà nghiên cứu để trầm trọng lý thuyết, không vận dụng tay bút của một nhà báo bề bộn chỉ bám riết những sự kiện nhất thời, mà xác định điểm đứng trong tư cách một nhà văn để đối thoại cởi mở, phản biện với môi trường sống của mình. Người đọc sách nhận ra đâu đó những sự kiện mình thấy, mình vẫn đọc hàng ngày trên báo chí, xem trên tivi, phim ảnh… đã được chọn lọc, để giải mã, phổ quát những nét tâm tính của xã hội, cộng đồng mà mình đang tham gia.
Nhưng không phải bao giờ chất liệu cũng đi từ những sự kiện thông tin to tát, mà nhiều khi, những "cái tứ" là kết quả của sự quan sát tinh tế những thói thường, cách hành xử trong cộng đồng.
Ví dụ như chuyện người Việt đi ăn tiệc thích gắp đồ ăn cho nhau bày tỏ sự quan tâm, galăng nhưng không đếm xỉa đến sở thích, tự do của người khác; sự ôm đồm ép uổng trong bàn nhậu cho thấy tinh thần đám đông, tính đồng phục trong các mối quan hệ, thiếu những giá trị sống cá nhân, khác biệt và đa dạng (Niềm vui của riêng ta).
Ví dụ như chuyện "lâu rồi, sân khấu ở ta không tồn tại những khoảng lặng nữa" chỉ vì thiếu những biên kịch biết tạo ra những khoảng lắng đọng, thiếu những diễn viên đủ sức thuyết phục người xem bằng diễn xuất nội tâm (như các vai diễn thành công của Tuệ Minh, Lê Khanh, Ngọc Hiền trước đây), và khán giả bên dưới thiếu sự tĩnh lặng khi thưởng thức, đồng sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật (Những khoảng lặng).
Ví dụ như người nhập cư trong thâm tâm không coi đô thị là chốn bám rễ, xây dựng mà lấp lửng ở trạng thái "thành cũng nghĩ về quê mà bại cũng về quê", lối quản lý kiểu "một miếng giữa làng", thiếu những thị dân đích thực gây ra biết bao ngổn ngang khó giải quyết (Quê, Mặt tiền và "bụi phát triển", Hướng nào Hà Nội cũng sông).
Ví dụ chuyện món ngon Hà Nội bây giờ có thể vẫn còn đó nhưng nếp ăn uống đã khác, ít thấy sự nho nhã thanh lịch mà thay vào đó là sự "hùng hục, quần quật, nhanh lên, mạnh lên"; rồi thì lối nghĩ, gia phong, tiếng nói… của người Hà Nội cũng thay đổi bởi cái nhịp đời "hợp chủng thị" (Hà Nội, con thuyền, phù sa).
Còn nhiều: bệnh đố kỵ tiểu nông, bệnh hoang tưởng của những kẻ quen trong ao tù, bệnh nói hay làm dở, bệnh quan liêu của đám lãnh đạo theo tư duy nhiệm kỳ… Có bệnh đang phát, có thứ bệnh tiềm ẩn nguy cơ kìm hãm sự phát triển, hình thái văn minh, tinh thần của đô thị.
Điều thú vị là tác giả chủ ý tạo dựng một không khí ngổn ngang, rối rắm, huyên náo, hỗn tạp của bối cảnh đô thị, tâm cảnh thị dân Hà Nội nói riêng, thị dân đương đại Việt Nam nói chung. Phía sau sự phát triển vật chất ồ ạt là một sự báo động về tinh thần, ngột ngạt xáo trộn. Tác giả đặt mình giữa dòng thực tế thấu hiểu và phơi trần những chứng tật của nó để trào lộng. Có khi tạo ra cảm giác hơi cường điệu phúng hoạt, có lúc lại trầm tĩnh lạnh lùng.
Trong bối cảnh mà những phát động, đầu tư tốn kém, ngợi ca, tô vẽ thái quá, có nguy cơ làm tê liệt khả năng tự nhận thức thì tự trào cũng là một cách "kỷ niệm", một kháng thể cần thiết, một đòi hỏi chính đáng về chất lượng thực sự của phát triển.
Nguyễn Vinh
(Nguồn: Báo SGTT)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn