Giới thiệu sách Hỗn Độn
Hỗn độn là tác phẩm nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã dành nhiều năm tâm huyết, trăn trở, và coi đây là “đứa con tinh thần” lớn nhất, tâm đắc nhất trong sự nghiệp văn chương của ông.
Hỗn độn miêu tả một cách trần trụi số phận những kiếp người mà điểm qua hành trình trôi dạt của Rơm – nhân vật trung tâm – người ta không khỏi chạnh lòng nghĩ đến số kiếp long đong của một con vật vờ… Trong cấu trúc lộn ngược bắt đầu từ Zz, trong cả cách gọi tên những nhân vật với những người Rơm, anh Hề, Người Mê, Vong Mũ Sắt, Con Tin, Kỳ Ngông, Người Xanh và Ngợm Xám… cho đến những địa danh như Ngõ Vong, Rốn Rồng, Vườn Tỏi thuộc tổng Yên Mà Quên, xứ Lạc Quốc…, Hỗn độn thoạt tưởng đưa đến một không gian hoang tưởng với những nhân vật từ hành trạng cho đến tính cách, nhân cách, số phận có phần kỳ dị, lạc lõng. Nhưng kỳ thực, tất cả đều là sự thật được phơi bày về số kiếp của những con người mà từ khi được sinh ra cho đến khi chết vẫn không được biết, không cảm thấy thực ra mình được đưa đến trong cuộc đời để sống làm người hay thực ra là để bị vật vã, đọa đày, què quặt cả thể chất và tâm hồn trong cái cõi u mê, tối tăm, giả trá đến bệnh hoạn, cốt chỉ nhăm nhe biến người thành ngợm, biến ma quỷ và phường vô lại thành những đấng mũ cao áo dài…
Nhân vật trung tâm – Rơm, một mặt, qua những trang văn có màu sắc giễu nhại chua xót đặt bên cạnh những trang tự sự thấm đẫm cay đắng, tự mổ xẻ đến kiệt cùng, phơi bày đến hết cả tốt – xấu, trắng – đen của chính mình, tưởng chừng nhà văn có ý đồ phóng đại “anh ta” thành một kiểu nhân vật hoang tưởng, luôn trong đầu đầy rẫy những triết luận cao siêu. Và càng lầy lã bao nhiêu trong cuộc đời, Rơm lại bấy nhiêu khao khát về một tình yêu tuyệt đối với một nhân vật cũng “hỗn độn” không kém Rơm – mà ngay trong phần mở đầu, được coi như một thành viên trong CẶP TÁC GIẢ (… Rơm và một người phụ nữ mà Rơm gọi là “nàng”, “người bố thí”, “đàn việt”, “kẻ hớp hồn”, “nàng tiên cá” hay “con bé”… Và cũng chính nàng đã từng gọi Rơm là Rơm, Tò He, Zombi, thuyền trưởng, kẻ yêu độc tài, quốc vương, hay thằng bé…). Bởi ngoài những chi tiết cụ thể, chất liệu của mỗi người, những đoạn văn, lời thoại, email và những lời độc thoại nội tâm do chính họ viết, cấu trúc, cảm hứng, thi pháp cuả tác phẩm sẽ hoàn toàn bị xô lệch, điên đảo nếu cắt đứt họ khỏi nhau từ mỗi ý tứ, ẩn dụ, kể cả từ những tiêu đề nhỏ… Có lẽ chính sự kết hợp của “hai mảnh vỡ song sinh” – CẶP TÁC GIẢ này đã làm cho mọi việc vốn hỗn độn trở nên có thể hiểu, cảm nhận và chia sẻ được…, với những người bên ngoài? Tóm lại đó là một CẶP TÁC GIẢ hoàn hảo, quan trọng không ít hơn nhau trong cái gọi là “thành công” hay “thất bại” của mớ Hỗn Độn – đứa con đẻ đích thị của chính họ!
Mời bạn đón đọc.