Cuốn Hồi ký Bà Tùng Long vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành lại sau 11 năm sách ra đời. Công ty sách Phương Nam, đơn vị nắm bản quyền tác phẩm này cho biết, ấn phẩm được thực hiện lại theo yêu cầu từ những bạn đọc yêu mến nữ văn sĩ, do lượng sách cũ hiện nay trên thị trường đã hết. Ấn bản mới có bổ sung thêm nhiều hình ảnh tư liệu, nhiều bài phỏng vấn Bà Tùng Long.
Bà Tùng Long là bút hiệu nổi tiếng trước năm 1975 của nữ văn sĩ Lê Thị Bạch Vân. Trong sự nghiêp viết lách của mình, Bà Tùng Long để lại hơn 400 truyện ngắn, 60 tiểu thuyết. Bà là chủ bút tuần báo Tân Thời, phụ trách mục Gỡ rối tơ lòng trên Nhật báo Sài Gòn mới, phụ trách mục Tâm tình cởi mở trên nhật báo Tiếng Vang, Thư ký tòa soạn tuần báo Phụ nữ diễn đàn. Tuy vậy, cây bút này không bao giờ nhận mình là nhà văn, hay một nghệ sĩ. Bà xem mình đơn giản chỉ là người kể chuyện.
Nhắc lại kỷ niệm về người mẹ tài hòa của mình, nhà báo – nhà văn Nguyễn Đông Thức kể: “Hàng đêm tôi cứ thấy mẹ tôi chong đèn ngồi viết, không nghỉ đêm nào, không đi du lịch bất kỳ đâu dù chỉ một ngày. Hết ba trang feuilleton (truyện dài kỳ) cho báo này lại chuyển qua ba trang feuilleton cho báo khác. Cao điểm có khi mẹ viết cùng lúc 4 tiểu thuyết cho bốn tờ báo. Rồi trả lời thư tâm tình của bạn đọc. Những câu chuyện rối như tơ vò mà sao mẹ gỡ ra quá nhẹ nhàng, vừa gỡ vừa ghi chép để dành đề tài cho những cuốn tiểu thuyết sau”.
Trong hồi ký, Bà Tùng Long kể một chi tiết cho thấy quan điểm sáng tác của bà. Một lần bà dự buổi nói chuyện về văn chương. Một cậu sinh viên trẻ đứng lên chê tiểu thuyết của bà và một số tác giả khác là nhảm nhí. Bà Tùng Long đáp: “Tôi không có khả năng để viết những loại sách cao siêu… Tôi có đọc một đoạn văn trên một tờ báo Pháp, thấy có nhà văn nào đó tuyên bố rằng: ‘Nếu tôi có một ngai vàng thì tôi sẵn sàng đổi nó để tìm hiểu tâm lý phụ nữ’. Như thế thì tôi, một phụ nữ, tại sao lại không viết để nói lên tâm lý của phụ nữ? Vì tôi đã trải qua thời kỳ niên thiếu dưới mái ấm gia đình của cha mẹ, bên các em thân yêu, tôi từng là một thiếu nữ, tôi hiểu những ước muốn, những buồn vui của giới thiếu nữ, của tuổi mới lớn. Tôi từng là một người vợ, một người mẹ. Tôi hiểu tâm sự của một người vợ khi gặp cảnh ngộ ngang trái, khi sống hạnh phúc, khi nuôi dạy con… Tôi muốn nói lên tâm lý của phụ nữ vì tôi là một phụ nữ…”
Bạch Tiên
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn