- Vào trang riêng của tác giả
- Xem tất cả các sách của tác giả
"Em mười hai tuổi tìm theo Chị
Qua cầu bà Sấm bến cô Mưa
Đi…
Ngày tháng lụi tìm không thấy
Dải yếm lòng trai mải phất cờ"
Nhà thơ Hoàng Cầm tên thật là Bùi Tằng Việt, quê gốc ở Thuận Thành, Bắc Ninh. Ông sinh ngày 22/2/1922; mất ngày 6/5/2010.
Trưởng thành trong những chặng đường đầy sóng gió của dân tộc, rồi đúng giữa độ chín của tài năng, lại trở thành một nhân vật trung tâm chịu nhiều đày ải trong cái áng văn chương lớn bậc nhất nhì thế kỷ 20, và chính từ tận cùng đau khổ bật vút lên sáng tác quan trọng nhất trong văn nghiệp: Về Kinh Bắc – ông là chàng thi sĩ tài hoa đa tình của đất Quan họ, người chọn cho mình cái tên thơ đắng lạnh của một vị thuốc tính hàn, sẫm vàng như hổ phách: Hoàng Cầm.
Mấy chục năm lận đận vì thơ, đến cuối đời mới được nhìn lại, được công nhận, gia tài thơ của Hoàng Cầm có lẽ là thứ tròn đầy duy nhất trong đời ông. Ngoài hơn trăm bài thơ lẻ mà phần lớn là những khúc thơ tình phảng phất quan họ, còn có trường ca Tiếng hát Quan họ sáng tác năm 1956, được coi như tiền đề của Về Kinh Bắc ra đời mấy năm sau đó, có truyện thơ Men đá vàng dành "dâng linh hồn con gái Bùi Hoàng Yến"… Và không thể không kể đến thể loại mà chính ông khẳng định đã làm nên tên tuổi, dấu ấn riêng của Hoàng Cầm thời kỳ đầu: kịch thơ, trong đó nổi bật nhất, với những câu thơ vượt thời gian, là Kiều Loan.
Nhà thơ Hoàng Cầm là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2007.
Mời bạn đón đọc.
Ra mắt Hoàng Cầm hồn thơ độc đáo
SGTT.VN – Cuốn bình thơ Hoàng Cầm dày dặn này gồm bốn phần (hồi ức, kỷ niệm; nghiên cứu, phê bình; về một số tác phẩm cụ thể; phỏng vấn), được thực hiện trong nhiều năm bởi những người bạn thơ của thi sĩ như Đoàn Tử Huyến, Lại Nguyên Ân…
Được đích thân Hoàng Cầm chọn là người biên soạn bộ tác phẩm giới thiệu thơ, truyện, kịch thơ và văn xuôi Hoàng Cầm (ra mắt đầu những năm 2000), nhà phê bình Lại Nguyên Ân cùng trung tâm Văn hoá ngôn ngữ Đông Tây và gia đình thi sĩ đã chuẩn bị tư liệu cho cuốn bình thơ Hoàng Cầm từ khá lâu. Ông tâm sự, khi bắt đầu có ý định thực hiện tác phẩm quan trọng này, ai nấy có phần e ngại rằng cuốn sách hơi mỏng do Hoàng Cầm mới được "khôi phục" chưa lâu. Nhưng đến giờ thì số trang sách đã tăng lên ngoài sức tưởng tượng.
Lễ giỗ đầu nhà thơ Hoàng Cầm và ra mắt tác phẩm Hoàng Cầm hồn thơ độc đáo diễn ra vào 19 giờ ngày 5.5 tại thư viện càphê Đông Tây (nhà 11A Trần Quý Kiên, Cầu Giấy, Hà Nội). Cũng tại đây, độc giả yêu thơ Hoàng Cầm sẽ được gặp lại thi sĩ qua hàng chục bức ảnh chân dung do nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán thực hiện.
Sông Thao
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
“Thơ Hoàng Cầm” đâu chỉ quanh quẩn với "Lá Diêu Bông"
(TT&VH) – Một tuyển tập 500 trang tác phẩm cùng cuộc tọa đàm Hoàng Cầm – mắt thời gian, đó là những gì mà gia đình bè bạn dành cho nhà thơ đất Kinh Bắc một năm sau ngày ông qua đời.
Diễn ra tại Hà Nội vào sáng qua (22/4), cuộc tọa đàm được do Hội Nhà văn Hà Nội và Công ty Nhã Nam (đơn vị tham gia xuất bản Thơ Hoàng Cầm) tổ chức. Và, dù có tên tọa đàm nhưng đa phần thời gian ấy là dịp để bè bạn cùng chia sẻ và ôn lại những ký ức về Hoàng Cầm.
Cho tới vài năm gần đây, bởi nhiều lý do, thơ Hoàng Cầm chỉ đến được với độc giả bằng những ấn phẩm nhỏ, lẻ. Và nói như nhà thơ Hoàng Hưng trong tham luận gửi tới tọa đàm, đó cũng là một trong những lý do khiến công chúng cảm nhận về ông có phần phiến diện trong "vai" một khách thơ hào hoa, đa tình, mãi quanh quẩn với tình quê hương quan họ và tình "chị – em" độc đáo. Hoàng Cầm, qua lời của bạn văn, còn là một Hoàng Cầm khác: chói sáng vì thơ, lận đận cũng vì thơ- để rồi tới khi về cõi, gia tài thơ là thứ tròn đầy, viên mãn nhất trong cuộc đời của mình. Yêu quý, chia sẻ với Hoàng Cầm cũng vì sự lận đận đằng đẵng ấy, hai nhà thơ Nguyễn Thụy Kha và Nguyễn Trọng Tạo đã dành khá nhiều thời gian để kể về một Hoàng Cầm của thập niên 1980, khi ông gần như tách biệt ra khỏi dòng đời và sống lay lắt bằng quán rượu "lậu" trên phố Lý Quốc Sư.
Với mục đích phác họa nên bức tranh toàn diện về các sáng tác của nhà thơ, tập Thơ Hoàng Cầm ngoài hơn trăm bài thơ lẻ còn có trường ca Tiếng hát Quan họ sáng tác năm 1956, được coi như tiền đề của Về Kinh Bắc ra đời mấy năm sau đó, có truyện thơ Men đá vàng dành "dâng linh hồn con gái Bùi Hoàng Yến"… Và không thể không kể đến thể loại mà chính ông khẳng định đã làm nên tên tuổi, dấu ấn riêng của Hoàng Cầm thời kỳ đầu: kịch thơ, trong đó nổi bật nhất, với những câu thơ vượt thời gian, là Kiều Loan. Kèm theo đó là một số thủ bút và di cảo của nhà thơ và các ảnh tư liệu do nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán thực hiện trong hơn 20 năm trời.
Chiêu Minh
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn