Giới thiệu sách Hồ Xuân Hương – Thơ Và Đời – Tái bản 09/2008
Thiên tài, kỳ nữ, hay nói giản dị hơn: Danh tài độc đáo Hồ Xuân Hương, tên tuổi kỳ diệu ấy vượt qua mọi cuộc tranh luận xưa nay, tự mình sừng sững chiếm một vị trí đặc biệt trong làng thơ Việt Nam với một di sản tinh thần tuy còn được lưu truyền không nhiều: bên cạnh tập Lưu hương ký mà từ khi được phát hiện, chưa mấy ai phủ định, nhưng mọi người hầu như vẫn dè dặt khi sử dụng tập thơ này, là dăm chục bài thơ tám câu bảy chữ hoặc bốn câu bảy chữ có một phong cách không trộn lẫn với ai, tuy còn một số bài vẫn ở dạng “tồn nghi”
Bản thân là người có bản lĩnh tự tin mạnh mẽ. Hồ Xuân Hương chế giễu, đả kích một xã hội phong kiến với giọng đường hoàng, dõng dạc, chủ động và rất “đàn chị”. Thơ ấy, người ấy đập thẳng vào mặt bọn vua quan, nho lại, sư mô, trượng phu, quân tử rởm, coi thường bọn mày râu không có khí chất đàn ông, không có phẩm cách nam nhi, kéo cái mặt nạ giả dối đủ kiểu, lôi tuột nó để làm trơ các mặt thớt ấy ra trước thanh thiên bạch nhật, trước dư luận người đời. Thơ ấy, người ấy cất tiếng nói phản kháng quyết liệt của bản năng bị dồn ép vì những luân lý, lễ giáo, những thói thường ích kỷ. Sự phản ứng quyết liệt ấy nhiều khi cường điệu, thậm xưng, ám tỉ… một cách nghệ thuật, nên thường cũng hay bị người đời gán ghép cho những chuyện sinh lý có lúc quá trớn, quá đà. Đặt sự bình quyền, bình đẳng giữa nam và nữ, thơ ấy, người ấy không một chút ngại ngùng tố cáo triệt để sự bất công của xã hội trên nhiều lĩnh vực trong đó có hôn nhân và gia đình, đào sâu vào thân phận của người phụ nữ đa đoan nhưng cũng đa tình.
Người phụ nữ trở thành nhân vật trung tâm trong thơ Hồ Xuân Hương, có khi xuất đầu lộ diện, có khi giấu mặt. Nếu như Vichto Huygô có lý khi cho rằng: “Người ta có một tôn giáo thứ hai là tình yêu, và Chúa của đạo ấy chính là người phụ nữ”, thì phải chăng Hồ Xuân Hương không có lý với những bài thơ đề cao người đàn bà, tất cả những cái gì thuộc về người đàn bà, tất cả những “cái gì thuộc về con người đối với tôi đều quý” như câu tục ngữ cổ mà Các Mác rất thích đó, cả chuyện trong buồng kín, phòng the, cả chuyện cơ thể của đàn bà – biểu tượng của cái đẹp?….
Ở Hồ Xuân Hương có cái gì quá đà, nhưng đặt trong bối cảnh của xã hội phong kiến phương Đông chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo, thì chính đó lại là một sự chống trả quyết liệt. Hồ Xuân Hương nói nhiều đến dục vọng thể xác, nhưng bà thể hiện những dục vọng ấy một cách lành mạnh và khoẻ khoắn. Đọc thơ Hồ Xuân Hương, người ta cảm thấy nhà thơ bao giờ cũng phát hiện được những khía cạnh thẩm mỹ trong đối tượng miêu tả của mình…..
Mục lục:
Hồ Xuân Hương – thơ và đời
Thơ Nôm truyền tụng
Câu đố lưu truyền
Lưu hương ký
Năm bài thơ về Vịnh Hạ Long
Chùm bài viết về Hồ Xuân Hương
Bài tựa tập thơ Lưu hương ký
Hồ Thất Liễu
Nhà Cổ Nguyệt
Trấn uy ba Góc
Đền Thái Thú
Mời chú khách về
Đọc thơ chữa thẹn
Mảnh tình
Đánh trống qua cửa nhà sấm
…….
Mời bạn đón đọc.