Giới thiệu sách Hệ thống phạm trù đạo đức học và giáo dục đạo đức cho sinh viên
Ý thức đạo đức và thực tiễn đạo đức là một trong những lĩnh vực triết học con người và xã hội loài người. Vấn đề văn hoá, đạo đức, lối sống đang là mục tiêu, đồng thời là phương tiện để tiến tới xây dựng xã hội tiến bộ và phát triển bền vững. Chính vì vậy, những nội dung của đạo đức học nói chung, những chuẩn mực đạo đức, lối sống đã được nhiều chính phủ, đặc biệt là lãnh đạo các nước xã hội chủ nghĩa quan tâm.
Phạm trù đạo đức học có tính phân cực sự việc xảy ra rất rõ ràng. Đó là phủ định hoặc khẳng định. Do nghiên cứu về hành vi và thái độ của con người đối với hành vi, nên đạo đức học ít bàn đến các phạm trù trung gian, nó thường chú ý, quan tâm đến tính phân cực của sự việc.
Về nguyên tắc, các nhà đạo đức học theo quan điểm duy vật mong muốn liên kết với những nhu cầu và lợi ích của loài người, với những mong muốn và khát khao của con người, với giá trị hành động của các cá nhân và xã hội.
Phạm trù đạo đức học cũng như các phạm trù khoa học xã hội khác, phản ánh nội dung khách quan. Chúng còn có mối liên hệ hữu cơ với những tình cảm tương ứng của con người, với sự lựa chọn của con người và điều này đôi khi có thể dẫn đến những quan điểm chủ quan. Ngoài ra, đạo đức học Mac-LêNin cho rằng các mối quan hệ đạo đức và nhận thức xã hội luôn thay đổi và phát triển cùng với sự thay đổi và phát triển của các mối quan hệ xã hội.
Không đề cập toàn bộ nội dung của đạo đức học, cuốn sách chỉ đi sâu trình bày, phân tích hệ thống các phạm trù cơ bản của đạo đức học như vấn đề sống còn và hạnh phúc; danh dự, nghĩa vụ và lương tâm; cái thiện và cái ác. Đó là những phạm trù luôn được thể hiện rõ nét trong cách hành xử của mỗi cá nhân trong cuộc sống. Trên cơ sở những vấn đề lý luận cơ bản đó, tác giả đề ra một số giải pháp cụ thể nhằm góp phần nâng cao việc giáo dục đạo đức cho sinh viên hiện nay.