Giới thiệu sách Hài Kịch Hi Lạp
Hài Kịch Hi Lạp:
Cũng như bi kịch, hài kịch Hi Lạp bắt nguồn từ những cuộc rước Tửu Thần Nông thôn, gọi là comos. Buổi lễ tế Thần gồm ba phần: nghi thức dâng cúng vật lễ hi sinh, bữa tiệc công cộng và lễ rước. Đám rước đi quanh làng, vừa hát múa ca ngợi Thần vừa trêu ghẹo, chế giễu khách qua đường và những nhân vật đương thời thật là náo động và nhộn nhịp.
Hài Kịch chính là sự phát triển có tính chất văn học bác học của lễ rước thần ấy. Những người dự lễ này không đóng một vai như vai satyre trong các Đội Đồng Ca dithyrambe của bi kịch. Họ vẫn là họ, không hư cấu, không giả tạo chút nào. Tính hiện thực và tính quần chúng bộc lộ đến mức tối đa. Họ rước Tửu Thần nhưng họ lại chế giễu Thần một cách thoải mái, nhất là tính say sưa hưởng lạc, tiệc tùng. Trong hài kịch của Epicharmos, lân đầu tiên trên sân khấu đã xuất hiện hạng người ăn bám điển hình.
Hài Kịch hình thành ở Sicile nhưng đạt tới đỉnh cao lại là ở Athènes. Hai xu hướng chính chi phối nó: xu hướng thần thoại và xu hướng chính trị. Xu hướng thứ hai này chẳng bao lâu đã chiếm ưu thế tạo nên nền hài kịch cổ, nhưng rồi cũng chuyển nhanh sang xu hướng châm biếm những thói hư muôn thuở của con người, mở đường sang nềnhài kịch mới. Năm 460 TCN, hài kịch mới được chính thức tham gia hội diễn.
Công chúng là tất cả mọi người, từ tầng lớp bình dân cho đến các uỷ viên Hội đồng Năm Trăm, các quan toà, nhưng công dân có công lao với Tổ quốc được vinh dự ngồi ở ghế hàng đầu; người nước ngoài cũng được vào xem. Vào cửa phải trả tiền mỗi người hai oboles; đối với người nghèo, vé vào cửa được Nhà nước thanh toán tính vào một khoản trợ cấp đặc biệt: luật pháp Hi Lạp bảo đảm cho mọi công dân bất kể giàu hay nghèo đều có điều kiện để được bình đẳng về quyền hưởng thụ văn hoá như nhau. Các buổi biểu diễn đều long trọng, bắt đầu là nghi thức tế thần Dionysos và kết thúc là trao vương miện cho người chiến thắng, nhưng cũng rất là ồn ào và thoải mái. Âm nhạc khá giản dị, nhưng ban nhạc chơi như điên, khán giả thì gặm quả ôliu, ném hạt vào người xung quanh mà đùa giỡn thân mật; họ la hét, reo hò sung sướng ngay dưới con mắt đồng tình của các nhân viên cảnh sát tay cầm gậy sẵn sàng thân mật lập lại trật tự khi cần.
Với một công chúng như vậy, với những điều kiện như vậy, Aristophane phải có những tài năng như thế nào mới chinh phục được họ, gây được tiếng cười đồng tình và qua tiếng cười ấy làm cho họ thấy rõ, chấp nhận và đồng tình với những điều tế nhị, sâu sắc chứa đựng trong từng câu từng chữ của hài kcịh đang diễn.
Về nội dung, hài kịch Hi Lạp chấp nhận sự gây cười không giới hạn, kể cả những động tác, những lời nói sỗ sàng, trắng trợn, thô tục. Nhưng sàng lọc qua tâm hồn tế nhị của con người Attique, mà đặc điểm là luôn luôn biết giữ sự cân bằng, nó đã sáng tạo ra những tình huống, những sự kiện phi lí ngoài sức tưởng tượng, nhưng có sức hấp dẫn lạ thường, song song với những tràng đả kích thô bạo. Và một hiện tượng đáng chú ý là chính những tác phẩm đả kích mãnh liệt nhất vào những nhân vật tai mắt đương thời – như “những người Acharnes”, “Những kị binh”… lại là những tác phẩm đoạt giải nhất quốc gia!
Hài kịch được trình diễn dưới hình thức hội thi trong những ngày lễ tửu thần. Người dự thi chỉ cần mang tới một vở. Việc dàn dựng rất đơn sơ, thiếu điều gì đã có trí tưởng tượng của khán giả bổ sung cho. Vả lại, là hài kịch thì càng phi lí càng dễ gây cười. Đạo cụ gồm đủ thứ: máy treo, xe lăn, dùi cùi, cả những hình tục tĩu. Đội đồng ca thì trang phục như đối tượng mà nó biểu hiện: những ông già, những kị binh trẻ, những con chim, một đám ếch nhái, những đám mây… và nhất là cái mặt nạ: mọi nhân vật đều mang mặt nạ, nhiều khi giống hệ những nhân vật đương thời mà nhà thơ đả kích. Cho nên khán giả hiểu ngay, và một khi nội dung đã thấm vào ý thức của hàng vạn công chúng làm bật ra thành những tràng cười tập thể, thì đó chính là một sức mạnh mà quyền lực cũng không ngăn cản nổi, sức mạnh đã phá cái sai và cải tạo xã hội, cải tạo con người. Ta có thể từ đó, hiểu được vì sao Platon đã gọi một cách hóm hỉnh, và đúng, chế độ cộng hoà Athènes là “một chế độ sân khấu trị”. Ta cũng hiểu được vì sao thủ lĩnh Cléon, bị Aristophane đả kích quyết liệt qua vai gã Paphlagonientrong vở “những kị binh”, đã phải đưa đơn ra toà kiện Aristophane, để rồi chính ông ta chuốc lấy thất bại! Toà án, cũng như quần chúng Athènes không đứng về phía kẻ cầm quyền mà đứng về phía Aritophane, người nghệ sĩ ưu tú của họ.
Mời bạn đón đọc.