Tác giả đã vén màn từ từ cho ta thấy cuộc sống là tẻ nhạt, đều đều, không phi lý cũng không hữu lý, nó là không dưng (gratuitous), là có đó, là trung tính, là "một hiện thực tẻ ngắt mà chúng ta phải chung đụng hằng ngày." (trang 78). Anh nắm bắt cái sự thật đó dễ dàng như người ta cầm cái mũ hứng không khí – trong trường hợp của anh là chỉ cần viết ra những truyện ngắn. Anh gần như nắm hết mọi ngóc ngách của cuộc sống hiện đại, nhưng không cần phân tích nó, mà chỉ phơi bày những khoảnh khắc tương ứng với những ngóc ngách. Tác giả tỏ ra là một người rất lịch duyệt. Và với nghệ thuật kể chuyện trôi chảy như vậy lẽ ra anh có thể viết tiểu thuyết. (Những người lịch duyệt thường viết tiểu thuyết. Hoặc, chúng ta thường nhận ra sự lịch duyệt của nhà văn khi đọc tiểu thuyết của họ.) Nhưng Vũ Thành Sơn không viết tiểu thuyết để khám phá điều anh muốn khám phá, anh viết từng truyện ngắn một, tương tự như họa sĩ thời hiện đại không thể vẽ một bức bích họa lấp kín những mái vòm nhà thờ mênh mông thời phục hưng châu Âu mà chỉ miêu tả cái cảm thức của mình qua từng bức tranh.
Bìa tập truyện ngắn "Hà mã, chó, chim, cá và những thứ khác" của Vũ Thành Sơn, NXB Hội Nhà Văn và Phương Nam Book xuất bản 2011.
Nhưng nói ngược lại cũng đúng. Đọc truyện ngắn Vũ Thành Sơn, chúng ta bất chợt ngộ ra một điều: cuộc sống này (thực chất là cuộc sống tinh thần) thật khó sống vì nó đang từng ngày bị những cấu trúc vật chất hiện đại bao vây, lấn át. (Sau khi tiểu thuyết mới (nouveau roman) làm sinh động thêm một chiều kích mới của con người: sự liên hệ mật thiết với thế giới đồ vật, bây giờ là lúc ta thấy cái thế giới đó lên ngôi thống trị.) Đó là lý do tác giả sẽ miêu tả không mệt mỏi và tỉ mỉ thế giới hữu hình: xe cộ, biệt thự, những hàng cây, bãi cát, gió, những bữa ăn với nước sốt và bánh mì, những cảnh trí, đôi bốt, ngọn cỏ… Thế giới xung quanh được miêu tả sống động bao nhiêu thì "khuôn mặt" con người mờ nhạt bấy nhiêu. Và trong tình thế đó, con người yếu dần, yếu dần, dễ dàng bị nhấn chìm, bị choáng ngợp. Năng lượng sống nguyên sơ của con người chỉ có thể được khôi phục trọn vẹn khi "những thứ khác" biến mất: hành lang hẹp, cầu thang máy, cái sân xi măng, con phố chật, ngã tư đông người, gã trưởng phòng Kế toán… Tại sao không là sự biến mất của hà mã, chó, chim, cá, ngựa, đồng cỏ, thảo nguyên, những đám mây, con cá bạc, những giọt nước…? Câu trả lời phải chăng là vì con người khởi thủy được tạo nên bằng đất cát trong vườn địa đàng.
Cái chết, đau bệnh, mất tích, chia tay…những sự biến vốn thường khởi sự cho kịch tính, thậm chí là lý do tồn tại, của văn chương, thì trong truyện ngắn của Vũ Thành Sơn cũng chỉ là những chi tiết bình thường như những chi tiết khác trong thực tại. Như người ta ăn xong một bữa ăn, làm xong một công việc, tan sở làm, rời khỏi xe buýt… Chúng xuất hiện khá nhiều trong các truyện để cho độc giả tập dửng dưng với chúng, như chính sự quan sát của các nhân vật: "chiếc xe bất thần bị chổng ngược, quay vòng vòng rồi lật ngửa… chẳng khác gì một con gián bị lật ngửa." Một tai nạn làm chết một người quen biết mà lại được "đón nhận" một cách khách quan sinh động như thế nói lên điều gì?
Có lẽ nó biểu thị rằng cuộc sống tinh thần của các nhân vật đã được thu giảm thành những chủ thể với năm giác quan cộng với chút hồi ức về những dữ kiện hình ảnh thu thập được hàng ngày. Và vì thế, những trang truyện của Vũ Thành Sơn được lấp đầy dần bởi thế giới vật chất, ngoại cảnh. (Chúng khác hoàn toàn, chẳng hạn, với những trang sách của Marcel Proust, dày dần lên bởi dòng ý thức, cảm xúc, cảm giác chủ quan của các nhân vật.) Người đọc truyện ngắn Vũ Thành Sơn dễ có cảm giác nặng nề như thể hiện thực đang được gia bội lên một lần nữa. Cái tâm thế muốn đào thoát thường thấy nơi độc giả khi đọc văn chương hư cấu bị bức tường thành miêu tả thực tại chắn ngang. Tác giả giữ chúng ta lại trong thế giới này để uống cho cạn cho hết cõi hiện thực thường khi nhàm chán, chỉ năm thì mười họa mới cống hiến cho ta chút vẻ đẹp phù du.
Nhân vật trong các truyện ngắn này đã mở hết biên độ cảm quan của mình để ghi nhận "cõi đời" người khác; ngắm nghía đến tận các sự vật nhỏ nhặt nhất, gần như không bỏ sót một cái gì. Đó không còn là thế giới hiện tượng ngẫu nhiên lộn xộn, nhưng do chính con người sinh ra, mang hơi ấm hay sự buốt giá của từng người, và nó gắn liền mãi mãi với cuộc đời của từng người. Nhưng hầu như người này không thể biết gì về người kia cho đến khi một trong hai biến mất (chết hay mất tích) hoàn toàn. Phải chăng họ, cũng như tất cả chúng ta, không có phương tiện nào để hiểu được tâm hồn người khác mà chỉ có chút rung động mơ hồ trước những biến cố của họ? Và "người khác" mãi mãi là một kẻ xa lạ? Hay phải chăng, để cứu vãn chút gì đó, ta hãy đắm chìm vào thế giới đồ vật bao quanh một người vì nó là tất cả cuộc sống của người ấy, nhìn từ bên ngoài?
Các nhân vật (hay chính tác giả) không hề phán đoán giá trị đạo đức. Không nghe thấy họ nói về tốt-xấu, thiện-ác. Họ cũng không phán đoán giá trị thẩm mỹ. Không thấy họ nói về đẹp hay xấu, dù chung quanh họ lúc nào cũng đầy ngoại cảnh, như chúng ta đã biết.
À, có một lần, một lần duy nhất (với cái dấu chấm than (!) duy nhất trong tập truyện) chúng ta thấy nhân vật của anh kêu lên: "Cảnh tượng ấy mới đẹp làm sao! Nàng bấu chặt lấy cánh tay anh nhìn không chớp mắt." (Trang 92). Đó là lúc con hà mã mẹ địu trên lưng chú hà mã con, trồi lên từ một vũng nước. Trớ trêu là cảnh tượng ấy không thuộc về thế giới của con người, để chúng ta yên tâm nói rằng nó là một nét (đẹp) nhân văn.
Không ít nhà văn hiện đại đã và đang đề cập đến sự lưu lạc của con người ngay trên vương quốc do chính mình xây dựng nên. Nhưng bút pháp và cách sử dụng ngôn từ điêu luyện để thể hiện điều đó chính là cái làm nên sự khác biệt của Vũ Thành Sơn. Có cảm giác tác giả ước muốn đạt đến những lý tưởng về sự mạch lạc, duy lý và sự hoàn thiện của kỹ thuật, điều mà Borges, nhà văn vĩ đại người Argentina suốt đời viết truyện ngắn, đã gần như làm được.
Mai Sơn.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn